Tháng 11/2021, Robert Jones đến phòng cấp cứu vì tình trạng nhiễm trùng ngón chân và sốt. Khi ấy, anh không quá lo ngại về điều này, chỉ nghĩ rằng bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và cho anh về nhà. Tuy nhiên, tình trạng của anh trầm trọng hơn thế. Jones được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, biến chứng khiến anh phải cắt cụt các ngón chân bị viêm.
"Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác bác sĩ nhìn sang và nói: 'Chưa chắc anh đã giữ được ngón chân đâu'. Tôi đông cứng tại chỗ", anh nói.
Thực tế, Jones biết mình bị tiểu đường từ 10 năm trước, nhưng không coi trọng vấn đề này. Anh nghĩ bản thân còn trẻ và có thể chống chọi được với các loại bệnh mạn tính. Jones cuối cùng phải cắt bỏ ngón chân phải và nhập viện hai tuần, dành thêm 4 tuần để hồi phục chức năng. Ít lâu sau, anh tiếp tục được chỉ định cắt bỏ một phần ngón chân trái.
Cân nặng quá khổ là yếu tố lớn khiến Jones mắc bệnh tiểu đường. Thời niên thiếu, anh ăn rất nhiều. Năm 8 tuổi, anh thường mua bánh ngọt rồi giấu dưới gầm giường để mẹ không nhìn thấy. Đến năm 18 tuổi, Jones bắt đầu công việc làm thêm tại nhà hàng đồ ăn nhanh Jack in the Box và tăng cân nghiêm trọng hơn. 30 tuổi, anh mắc chứng ngưng thở khi ngủ, thường xuyên ngủ gật tại nơi làm việc và bị cho nghỉ.
Đến năm 2010, anh nặng tới 226 kg, bị trầm cảm và nghi ngờ bản thân. Jones thậm chí không muốn rời khỏi nhà vì tự ti, không bao giờ đi xe bus, bởi anh lo sợ sẽ trở thành trò cười của những người xung quanh.
Bên cạnh ngưng thở khi ngủ, anh mắc bệnh xơ gan, huyết áp cao, phù bạch huyết, gặp các vấn đề về tiêu hóa, thận và bệnh thần kinh. Sau khi phải cắt cụt ngón chân, mối lo ngại hàng đầu của anh vẫn là tiểu đường. Khi về nhà, anh tự nhủ sẽ thay đổi để "không mất thêm bộ phận nào khác trên cơ thể".
Khi đang ở khoa phục hồi chức năng, anh đo đường huyết 4 lần một ngày và thực hiện chế độ ăn kiêng nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường. Quá trình này giúp anh giảm 13 kg và tạo tiền đề cho việc ăn uống lành mạnh sau này.
Khi trở về nhà, ăn bắt đầu ăn thuần chay, đặt mục tiêu ăn ba đến 4 khẩu phần rau mỗi ngày. Jones thường sử dụng salad, đậu, hạt diêm mạch, đậu lăng, gạo, khoai tây, khoai mỡ, đậu phụ và một số loại thịt chay.
Do ăn uống lành mạnh, cân nặng và lượng đường trong máu anh tiếp tục giảm. Đường huyết của Jones trở lại mức bình thường trong vòng một tháng và duy trì kể từ đó. Anh không còn cần dùng metformin để điều trị tiểu đường nữa. Anh cũng bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều men sinh, như kim chi và dưa cải bắp, để phục hồi vi khuẩn đường ruột.
Bên cạnh chế độ thuần chay, Jones thực hiện phương pháp nhịn ăn gián đoạn, gói gọn thời gian ăn từ 2h chiều đến 7h tối. Hai ngày một tuần, anh nhịn ăn 24 tiếng.
Jones cũng thường xuyên tập gym. Anh rèn luyện theo từng bộ phận cơ thể, gồm bắp tay, ngực, cơ tam đầu, chân, vai. Anh tập thêm các bài cardio cách ngày và tập toàn thân vào cuối tuần.
Tập luyện, ăn uống hợp lý giúp Jones giảm 130 kg và để lại những lợi ích rõ rệt với cơ thể. Bệnh xơ gan giảm từ giai đoạn 4-5 xuống giai đoạn một. Chứng ngưng thở khi ngủ đã khỏi hẳn, anh không còn sử dụng máy thở CPAP nữa. Bệnh thần kinh và huyết áp cao cũng thuyên giảm, anh khỏi hẳn nhiễm trùng ngón chân.
Giờ đây, leo cầu thang không còn lại nỗi ám ảnh đối với Jones. Anh có thể ngồi máy bay mà không cần sử dụng loại dây đai mở rộng, không cần nâng vô lăng khi lái ô tô.
Jones muốn giảm thêm 9 kg nữa và phẫu thuật cắt bỏ da thừa. Cách đây vài tháng, người đàn ông bắt đầu tham gia nhóm Start TODAY dành riêng cho những người giảm cân thành công. Các bài đăng chia sẻ về trải nghiệm của anh được đón nhận, truyền cảm hứng đến nhiều người.
Mẹo giảm cân hàng đầu của anh là bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ. "Cố gắng giảm một lúc 45 kg là quá sức. Hãy bắt đầu với những thứ đơn giản, sau đó tăng dần mỗi tháng hoặc lâu hơn, cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu dài hạn", Jones nói.
Thục Linh (Theo Today)