“Ở tuổi 49, liệu người ta có còn thất tình hay không?” - với album phòng thu thứ chín mang tên Vulnicura, Bjork trả lời rằng cô vẫn yêu rất nhiều, và vẫn đau rất nhiều. Tất cả cảm xúc trở thành nguồn cảm hứng để nữ ca sĩ người Iceland viết nên những bản tình ca đẹp buồn.
Các ca khúc trong Vulnicura được Bjork viết tuần tự theo kiểu nhật ký, bắt đầu khoảng chín tháng trước khi cô chia tay nghệ sĩ avant-grade Matthew Barney vào năm 2013. Matthew Barney tốt nghiệp Đại học danh tiếng Yale, là một họa sĩ, nhà làm phim, nhiếp ảnh theo phong cách thể nghiệm và có những sáng tạo thị giác gây ấn tượng mạnh. Matthew và Bjork sống với nhau trong 13 năm và có một con gái. Năm 2013, cả hai chia tay. Sự tan vỡ này trở thành nguồn cảm hứng cho Bjork tạo nên album Vulnicura.
Vulnicura là album mang tính cá nhân nhất của Bjork từ trước đến nay, dù nó chưa hẳn dễ nghe như những đĩa đầu tiên của cô. Nhan đề Vulnicura được ghép từ hai chữ latin “vulnus” và “cura”, có nghĩa là “vết thương” (injury) và “chữa lành” (healing). Ngoại trừ ba ca khúc cuối, sáu bài đầu đều được đánh mốc thời gian cụ thể, từ “9 tháng trước” đến “11 tháng sau”. Theo đó, Bjork đã ghi lại cảm xúc của mình cả trước và sau khi chia tay người tình.
Việc đặt dấu chấm hết với Matthew là điều không hề dễ dàng với Bjork. Nghe Vulnicura, thính giả có thể thấy cô đã tranh đấu rất nhiều để bảo toàn mối quan hệ này. Ở ca khúc đầu tiên, Stonemilker, Bjork viết: “What is it that I have, that makes me feel your pain, like milking a stone to get you to say it”. Âm nhạc tiết chế, chỉ sử dụng mỗi bộ dây đè lên phần synth rất nhỏ và beat điện tử vang vọng ở phía xa.
Giữa không gian đó, Bjork hát như thể đang tâm sự với người yêu chứ không phải một ai khác. Một người muốn mở lời nhưng người kia chỉ đứng trong thinh lặng, vô vọng như hình ảnh “đá” và “sữa” cô sử dụng trong bài hát - “Làm sao vắt đá thành sữa được?”. Bjork kết bài bằng một ước nguyện: “I wish to synchronize our feelings” (Em ước được đồng bộ hóa cảm xúc của chúng ta), sau đó cũng chìm vào lặng im.
Chia sẻ về quá trình thực hiện album, Bjork cho hay: “Nó là thứ đau đớn nhất tôi từng trải nghiệm trong cuộc đời”. Và để diễn tả nó, nữ ca sĩ chọn cách đơn giản nhất là dùng bộ dây để bắt đầu, soạn violin thay vì các nhạc cụ phức tạp khác. Cộng sự chính của Bjork lần này là Arca – một nhà sản xuất trẻ người Venezuela từng làm album cho Kanye West (Yeezus) và FKA twigs (LP1). Nhạc sĩ người Anh - The Haxan Cloak - cũng tham gia hòa âm và đồng sản xuất một ca khúc (Family).
Ngoại trừ bài đầu (Stonemilker) và bài cuối (Quicksand) do Bjork tự sản xuất, dễ thấy dấu ấn mạnh mẽ của Arca với vai trò sản xuất trong các ca khúc còn lại. Trong khi phần đàn dây của Bjork vốn day dứt, não nề thì âm nhạc điện tử của Arca luôn tạo một cảm giác chết chóc, ngột ngạt đến khó thở. Nhưng ngay cả khi phần điện tử trào lên dữ dội nhất thì cũng không thể đánh chìm được giọng hát đầy nội lực và cảm xúc của nữ ca sĩ.
Ở hai ca khúc tiếp theo, Bjork chuyển về lối hát tự sự. Lionsong là nỗi đắn đo, hoài nghi về tình yêu: “Maybe he will come out this, loving me. Maybe he won't”. Cô lặp đi lặp lại câu hát ấy không ngừng, đến phút cuối đành phải thú nhận trong bất lực: “These abstract complex feelings, I just don't know how to handle them” (Tôi chẳng thể nào kiểm soát được những cảm xúc phức tạp trong tôi).
Ca khúc ngắn nhất đĩa, History of Touches, lại như một phiên bản “đêm” của Hyperballad – một bài nổi tiếng của Bjork. Bản phối bỏ hẳn phần đàn dây, chỉ sử dụng những tiếng synth đứt quãng. Người hát không ngại bộc lộ sự vụn vỡ và yếu đuối của bản thân. Cô bật dậy lúc nửa đêm như vừa gặp phải ác mộng, rồi lại tìm đến với người yêu: “I wake you up in the middle of the night, to express my love for you”.
Dường như những cố gắng của Bjork vẫn chưa đủ níu giữ tình yêu. Black Lake đặt dấu chấm hết cho cuộc tình buồn: “Our love was my womb, but our bond has broken”. Bài hát dài hơn 10 phút, chứng tỏ rằng quyết định ấy không hề dễ dàng. Từ đây, âm nhạc trong album dần trở nên đen tối hơn, dữ dội hơn. Cảm xúc người hát cũng thay đổi, từ nỗi đau biến thành sự giận dữ: “I am bored of your apocalyptic obsessions”. Family khiến người nghe phải sửng sốt bởi nó như lời cầu hồn mà Bjork dành cho gia đình vốn không còn nguyên nghĩa của mình. Đến Notget – khoảnh khắc thuộc về “11 tháng sau”, cô thẳng thừng tuyên bố: “We carry the same wound, but have different cures”.
Nếu như sáu ca khúc đầu tiên nói về những “vết thương”, ba ca khúc còn lại thuộc về phần “chữa lành”. Đúng như những gì đã nói, Bjork cho thấy cách cô xoa dịu nỗi đau cũng rất khác người. Ba bài cuối mang tính thử nghiệm, khó nghe hơn hẳn những bài trước. Atom Dance được chia làm hai phần, Bjork làm chủ ở vài phút đầu, sau đó Antony – giọng hát chính của nhóm Antony and the Johnsons – nhảy vào, âm nhạc nổi lên như mây đen vần vũ. Mouth Mantra thì lại kìm hẳn phần đàn dây, để cho beat điện tử lấn át. Ca từ không cho thấy sự bình an mà Bjork như đang vật lộn với những vết thương lòng. Quicksand, bài hát cuối cùng, sử dụng breakbeat. Lúc này, cô và nỗi đau hòa vào làm một: “When I'm broken I am whole, and when I'm whole I'm broken”.
Trong suốt gần 30 năm hoạt động nghệ thuật, Bjork ghi dấu như một nghệ sĩ có phong cách kỳ lạ, từ âm nhạc cho đến cách trình diễn. Vulnicura có thể chưa phải là album hay nhất của Bjork về âm nhạc, nhưng nó chứa đựng những dòng cảm xúc chân thật, gần gũi, đặc biệt là ở phần lời có chiều sâu. Trong Biophilia - album trước đó của Bjork, cô viết về vũ trụ, về những thứ vĩ đại và to lớn. Đến Vulnicura, cô đưa người nghe vào sâu bên trong trái tim nhỏ bé của mình - trái tim vừa nhận lấy cuộc tình lỡ ở tuổi 49.
* MV "Black Lake" - Bjork |
* Nghe album "Vulnicura" của Bjork
|
Sơn Phước