Trong đêm nhạc tưởng niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bà Ngọc Hân bật khóc khi nhớ lại những ngày cuối đời của chồng, Bà kể các ngón tay ông khi đó bị sưng, phù nhưng ông vẫn cố gắng cử động chúng. Bà biết ông lo sợ mình không đàn được nữa. Khi nghe mẹ tâm sự về cha, nhạc sĩ Nguyễn Quang cúi đầu xúc động.
Bà Ngọc Hân từng là diễn viên múa nhưng năm 20 tuổi, bà giã từ sân khấu để chăm lo cho gia đình. Trong hơn nửa thế kỷ làm vợ chồng, bà là nguồn cảm hứng để ông viết nhiều sáng tác như Chuyện hai người, Màu tím tình yêu, Lặng lẽ tiếng dương cầm...
* Vợ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thay chồng gửi lời tri ân đến khán giả
Trong đêm nhạc, bà Ngọc Hân và nhiều khán giả bật khóc khi thấy cố nhạc sĩ "trở về" bên cây đàn piano quen thuộc. Hình bóng ông được tái hiện trên sân khấu bằng công nghệ đèn LED hiện đại. Những video chia sẻ ngắn của cố nhạc sĩ từ các đêm nhạc trước đây được phát xen kẽ, khiến người nghe cảm thấy ông như đang hiện diện trên sân khấu. "Tôi muốn làm điều này bởi tôi tin linh hồn cha mình vẫn hiển hiện ở đây", nhạc sĩ Nguyễn Quang bộc bạch.
* Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 "trở về" trong đêm nhạc tại Hà Nội
Trong ba tiếng đồng hồ, các ca khúc quen thuộc gắn với tên tuổi của cố nhạc sĩ như Màu tím tình yêu, Xin đừng nói yêu tôi, Buồn ơi, chào mi, Một lời cuối cho em, Cô đơn... lần lượt được trình diễn.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang làm mới nhiều bài hát nổi tiếng của cha mình như Ai đưa em về, Xin như làn mây trắng... Anh cũng đưa giai điệu dân gian Tây Ban Nha vào bản phối mới của bài hát Trọn kiếp đơn côi và đệm đàn guitar cho ca khúc này. Sự sáng tạo của anh khiến các tình khúc của cố nhạc sĩ vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm, thú vị.
* Bài hát "Ai đưa em về"
Khoảng 23h30, Buồn ơi, chào mi kết thúc trong tiếng piano ngập tràn cảm xúc của nhạc sĩ Nguyễn Quang. Nhiều khán giả tại Nhà hát Lớn vẫn ngồi lặng yên tại chỗ.
Khán giả Anh Đào, Việt kiều Australia, chia sẻ chị từng dự liveshow Kỷ niệm của cố nhạc sĩ ở Hà Nội hồi tháng 5/2015. Chị cảm thấy may mắn vì cả gia đình kịp trở về Việt Nam tham gia đêm nhạc tưởng nhớ ông.
Liveshow Buồn ơi, chào mi nằm trong chuỗi sự kiện tưởng nhớ một năm ngày mất của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, do nhạc sĩ Nguyễn Quang thực hiện. Trước đó, anh đã tổ chức hai đêm nhạc tại phòng trà ở TP HCM. Nguyễn Quang từng chia sẻ gia đình chịu lỗ khoảng 500 triệu để tổ chức chương trình ở Hà Nội. Tuy nhiên, anh không xin tài trợ vì muốn tự làm toàn bộ chương trình nhân dịp giỗ đầu cha. Theo anh, đó cũng là lý do gia đình phản đối Ánh Tuyết thực hiện liveshow tưởng niệm ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 11 tuổi. Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ như Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm... Ngoài sáng tác, Nguyễn Ánh 9 còn nổi danh là nhạc công piano. Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, Ánh Tuyết... Ông qua đời ngày 14/4/2016 vì tuổi già, hưởng thọ 76 tuổi. |
>>> Xem thêm: Những hình ảnh trong đêm nhạc "Buồn ơi, chào mi"
Vĩ Thanh