- Lần đầu tiên tổ chức liveshow, cảm giác của chị như thế nào?
- Tôi chỉ muốn đây là đêm diễn ấm áp, gồm những bạn diễn một thời của mình, cùng đông đảo nghệ sĩ trẻ đến chia vui. Tết đến, anh chị em chạy sô trong ngoài nước cũng nhiều, lại thêm bận bịu chuyện nhà, nên tôi rất vui khi mọi người đều sẵn sàng tham gia. "Đêm Lệ Thủy" chỉ có một tối nên tôi sẽ cố gắng không làm chắp vá mà phụ lòng người xem.
NSƯT Lệ Thủy trong một vai diễn. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Đêm diễn hết sạch vé mời, vé bán, chị nghĩ đâu là sức hút của chương trình?
- Có lẽ mọi người thương mến Lệ Thủy và cũng muốn đến xem Lệ Thủy bây giờ còn làm được gì không. Tôi biết có những người từ Nha Trang, Đà Nẵng vào TP HCM để tận mắt xem người nghệ sĩ họ yêu mến mấy chục năm nay còn sức hát không. Chính vì thế, tôi sẽ cố gắng diễn như với cảm xúc lần đầu tiên.
- Chị nhớ vai diễn nào nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình?
- Tôi nhớ vai Tô Ánh Nguyệt trong vở cùng tên. Bây giờ cứ nói đến Tô Ánh Nguyệt là khán giả nói đến Lệ Thủy. Vở này sống mãi với thời gian vì nó lột tả rất thật tấm lòng, số phận của người phụ nữ.
Lệ Thủy 45 năm ca hát diễn ra đêm duy nhất tại nhà hát TP HCM vào tối 4/2. NSƯT sẽ biểu diễn các trích đoạn cải lương gắn liền với tên tuổi của mình như: Bên cầu dệt lụa, Áo cưới trước cổng chùa, Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Chung Vô Diệm; cùng các bản vọng cổ nổi tiếng: Tình ca quê hương, Cô bán đèn giấy hồng, Lan và Điệp. Sẽ có khoảng 60 nghệ sĩ tham gia đêm diễn như: NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Minh Phụng, NSƯT Thanh Sang... và nhiều gương mặt tài danh trẻ của sân khấu cải lương như Kim Tiểu Long, Thanh Ngân, Thoại Mỹ và các danh hài Minh Nhí, Bảo Quốc.
- Chị từng nói sẽ viết hồi ký về cuộc đời mình. Việc này đến đâu rồi?
- Cuốn hồi ký này tôi ấp ủ hơn 3 năm nay. Nó nói về chuyện gia đình con cái của tôi, về kỷ niệm với các bạn diễn, chuyện nghề nghiệp ở những lúc thăng hoa nhất và những lúc mình muốn dứt áo bỏ nghề.
Tôi còn chưa biết đặt tên cho hồi ký là gì. Có thể là Nghiệp cầm ca cũng nên. Vì tôi tới tuổi này rồi mà chưa "hưu" được thì không là nghiệp hay sao?
- Chị nghĩ gì khi hiện tại mình vẫn được xem là một ngôi sao của sân khấu cải lương?
- Tuy lớn tuổi nhưng khán giả vẫn khen giọng hát của tôi từ xưa đén giờ nghe không đổi. Bầu sô vẫn mời tôi diễn nhiều. Tôi tiếp tục hát vì tình cảm đó, chứ tuổi này hát không còn phải để kiếm tiền, kiếm danh.
Điều tôi sợ nhất là ngày nào đó tôi không còn hát được. Đôi khi rất chạnh lòng. Tuy giọng ca của mình chững chạc hơn nhưng không còn trong trẻo. Có câu vọng cổ ngày xưa mình lên rất ngọt, bây giờ sao khó quá. Mỗi đêm diễn, khi những tràng pháo tay lắng xuống, tôi ngồi một mình mà ước “thời gian quay trở lại”. Có lẽ mình hơi tham!
- Trải qua thời vàng son của cải lương cho đến bây giờ, chị nhận thấy tình cảm của khán giả hôm nay với bộ môn nghệ thuật này như thế nào?
- Hồi xưa đi hát, khoảng 200 vé là diễn viên chê. Phải cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Ở Sài Gòn xưa, mỗi đêm diễn cải lương, người sắp hàng mua vé chợ đen rần rần. Từ sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Còn nhiều vùng quê chưa có đèn điện, phải chạy điện bình. Mỗi lần ghe hát về đến ngã tư sông, người ta kéo đến đông như ngày hội.
Cách đây 10 năm, cải lương về tỉnh diễn vẫn còn đông khách, chỉ mới dạo gần đây là vắng thôi. Tôi cảm nhận khán giả bây giờ vẫn còn thích chứ không buông bỏ cải lương đâu. Chỉ tại cuộc sống hôm nay đi quá nhanh mà thời gian thì lại quá ít.
- Kỷ niệm nào gắn bó với chị nhất?
- Tôi nhớ những lần về quê hát. Ngày ấy, đoàn hát về diễn đêm thì từ 4-5h chiều, ghe, xuồng đã kéo đến. Có người đi bộ cả chục cây số, đốt đuốc dò đường đi xem.
Một lần, tôi theo đoàn văn công về Bến Tre. Đêm diễn kết thúc gần 11h, có một nhóm các bà cụ mê nghe Lệ Thủy lắm, đến nắm tay lắc lắc mãi. Sau đêm diễn, còn kẹt chuyến phà lúc khoảng 4h sáng nên xe đoàn phải đợi. Trên bến phà vào lúc tờ mờ của buổi sáng lạnh lẽo, tôi chợt gặp một toán các bà già đốt đuốc đi chầm chậm tới. Nhìn kỹ hóa ra các cụ xem hát hồi khuya đang trên đường đi bộ về nhà.
Có người xem tuồng hát, thấy tôi đóng toàn vai người hiền mắc nạn, con nhà nghèo. Họ tưởng là đời mình cũng như vậy thật. Họ tìm đến tới tận nơi nghỉ của đoàn. Bà cho trái bầu, bà cho nải chuối, có người bán con gà được mười mấy đồng cho mình.
Cái tình người xem với vọng cổ, cải lương sâu nặng như thế đấy. Nghĩ đến những hình ảnh đó làm sao mà mình bỏ nghề cho được.
- Chị nghĩ gì về dự án cải lương Kim Vân Kiều sắp ra mắt vào dịp Tết này?
- Đó là những bước thử nghiệm nghiệm đáng quý để "hâm nóng" lại cải lương. Tôi tham gia một phần của vở cải này nên cảm nhận được không khí làm việc cật lực của nhà hát, của anh chị em nghệ sĩ dòng nhạc trẻ, nhạc thính phòng. Chúng tôi đang hồi hộp chờ xem phản ứng của khán giả thế nào.
- Chị có ý kiến gì để đóng góp cho cải lương?
- Tôi nghĩ cần có nhiều đoàn hát hơn để có chỗ cho nghệ sĩ trẻ thi thố tài năng. Cần có kịch bản cải lương hay để các bạn có được vai diễn tốt. Nhiều bạn trẻ bây giờ yêu thích, theo học cải lương rất bài bản, nhưng tốt nghiệp ra trường không có đất diễn. Mà phải diễn nhiều thì người nghệ sĩ mới tự đào luyện nghề nghiệp được.
Thoại Hà thực hiện