Tối 7/10, nữ nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomäi và bà Manon Bursian, giám đốc Quỹ Văn hóa bang Sachsen-Anhalt, giới thiệu triển lãm Nàng K... (tên tiếng Đức: Das Mädchen) tại Viện Goethe. Trong tên gọi, chữ Kiều không được viết đầy đủ theo chủ đích của nghệ sĩ. Các tác phẩm cắt kéo và cắt gỗ trắng – đen không tạo ra các bản sao từ Truyện Kiều mà mang dấu ấn cá nhân của Franca Bartholomäi.
Khi đọc Truyện Kiều bản tiếng Đức với chất liệu và lời thơ giàu hình ảnh của thi hào Nguyễn Du, Bartholomäi liên tưởng đến nỗi tủi hổ, tội lỗi, phẩm giá, hy vọng, sự kiếm tìm hơi ấm, an toàn và tình yêu. Những tác phẩm đen – trắng của Bartholomäi hé mở không gian tĩnh lặng , tạo nên một thế giới đối lập với bao bộn bề xảy ra trong Truyện Kiều và cả đời sống hiện đại.
"Cuốn sách lôi cuốn, chứa đầy tình tiết xoay chuyển bất ngờ. Đối với ai vẫn quen ngôn ngữ súc tích của châu Âu đương đại, ngôn ngữ Truyện Kiều có thể nói hơi ‘hoa lá’. Nhưng rốt cục tôi thấy ngôn ngữ ấy hợp với cảm tình của tôi dành cho các sáng tác mang nặng tính ẩn dụ. Trong khi đọc, tôi luôn tưởng tượng những hình ảnh trong đầu, như câu 357 ‘Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ’ – lập tức tôi thấy hình ảnh cô gái với khuôn mặt hoa hướng dương", Franca Bartholomäi nói.
Franca Bartholomäi sinh năm 1975, là nghệ sĩ Đức nổi tiếng với các tác phẩm khắc gỗ và cắt giấy, kết hợp giữa kỹ thuật thủ công đặc trưng truyền thống từ thời Trung Cổ với kỹ thuật hiện đại. Chị là giáo sư ngành đồ họa tại Đại học Burg Biebichenstein, Halle từ năm 2010. Các tác phẩm của chị từng được triển lãm tại Quốc hội Liên bang Đức và Thư viện Công cộng New York (Mỹ). Triển lãm sắp đặt Nàng K... diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) từ ngày 8 đến 20/10 và từ ngày 25 đến 27/10.
Triển lãm của Franca Bartholomäi nằm trong dự án Nàng K... được Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017. Dự án gồm năm chương trình: Hội thảo Đọc lại Truyện Kiều, Sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Triển lãm sắp đặt, Cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh và chương trình chiếu phim. Dự án sân khấu có sự tham gia của bốn đạo diễn: Amélie Niermeyer, NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực và Bùi Như Lai.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn chương lớn của nền văn học Việt Nam, ra đời trong thế kỷ 19. Tác phẩm được xem như kho tàng kinh nghiệm sống, đồng thời là nguồn cảm hứng vô tận cho giới mỹ thuật, sân khấu và điện ảnh. Một số trích đoạn Truyện Kiều đã được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia.
Nguyên Minh