Inferno mở đầu với cảnh nhà sinh học tỷ phú Zobrist (Ben Foster) thuyết trình về sự gia tăng dân số, đan xen với trường đoạn anh ta bị rượt đuổi trên đường phố Florence. Bị ép đến đường cùng, Zobrist gieo mình xuống một tháp chuông, để lại hoang mang cho khán giả.
Sau đó, mạch chuyện chính bắt đầu khi giáo sư biểu tượng học Robert Langdon (Tom Hanks) tỉnh dậy tại một bệnh viện ở Florence trong tình trạng mất trí nhớ. Ông không biết tại sao mình lại đến đây hay đã bị kẻ nào tấn công. Một sát thủ bất ngờ xuất hiện và Langdon được bác sĩ Sienna Brooks (Felicity Jones) cứu thoát khỏi bệnh viện. Vị giáo sư phát hiện mình đang giữ một chiếc ống có hình ảnh bản đồ địa ngục dựa trên miêu tả của thi hào Dante. Langdon và Brooks lần theo manh mối này và phát hiện ra một âm mưu kinh khủng liên quan đến số phận toàn nhân loại.
Lần thứ ba đóng nhân vật giáo sư Robert Langdon, Tom Hanks không khiến khán giả thất vọng. Đặc trưng của vai diễn này là phải vừa thể hiện trí tuệ của một giáo sư, vừa phải có thể lực để chạy và diễn hành động. Với kinh nghiệm dày dặn, Tom Hanks hoàn thành cả hai yêu cầu này một cách dễ dàng. Ngoài ra, ánh mắt của tài tử cũng bộc lộ hết sự hoang mang trong những cảnh đầu tiên khi Langdon bị chấn động thần kinh. Trên thực tế, Robert Langdon cũng là vai diễn duy nhất trong sự nghiệp mà nam diễn viên đồng ý tham gia phần tiếp theo (ngoài vai lồng tiếng trong loạt phim Toy Story).
Cũng như các phim trước, một mỹ nhân trẻ luôn đồng hành Tom Hanks. Lần này, nhân vật kiểu đó được giao cho “bông hồng nước Anh” Felicity Jones. So với các đàn chị Audrey Tautou (The Da Vinci Code) và Ayelet Zurer (Angels and Demons), Jones mang đến một vai diễn có chiều sâu hơn. Nhân vật bác sĩ Brooks của cô không chỉ xinh đẹp mà còn có kiến thức sâu rộng và đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện. Những trường đoạn về chuyển biến nội tâm và liều lĩnh đều được cô thể hiện tròn trịa. Trong khi đó, tuyến phụ còn lại dù xuất hiện khá “hoành tráng” nhưng dần nhạt nhòa về cuối.
Phim kết hợp phong cách “giải đố” quen thuộc của nhà văn Dan Brown và chất kịch tính của một bom tấn Hollywood. Kẻ phản diện là một người say mê Dante và quyết tâm giải quyết tình trạng dân số thế giới. Chính vì vậy, hầu hết manh mối hắn để lại đều liên quan đến nhà thơ cùng tập thơ Thần khúc của ông. Để giải đáp, Robert Langdon phải nghiên cứu nhiều biểu tượng và tác phẩm nghệ thuật từ thời Trung cổ.
Nửa đầu phim, các đoạn thoại chủ yếu truyền tải một số lượng lớn kiến thức về lịch sử, chính trị, tôn giáo. Phần diễn giải dài dòng có thể gây khó hiểu với những ai không hứng thú với chủ đề này. Nửa sau phim níu kéo khán giả bằng không khí căng thẳng, gấp gáp. So với hai phim chuyển thể từ sách của Dan Brown trước đó là The Da Vinci Code và Angels & Demons, phần mới đặt giáo sư Langdon vào tình thế hiểm nghèo hơn. Ông không chỉ phá giải các bí ẩn mà còn mắc chứng mất trí nhớ, phải chạy đua vời thời gian và bị săn đuổi ráo riết. Ở đôi chỗ, những màn truy đuổi có nhịp độ nhanh mang hơi hướng dòng phim hành động.
Khác với The Da Vinci Code, Inferno đưa ra thông điệp có ý nghĩa thời đại - sự quá tải dân số. Trong tác phẩm có nhiều dẫn chứng đáng sợ như tổng dân số đang tăng ngày càng nhanh. Chỉ trong 50 năm từ 1920 đến 1970 đã tăng từ hai tỷ lên bốn tỷ người, và đến giờ đã là tám tỷ người. Sự gia tăng quá nhanh này dẫn đến việc ô nhiễm và thiếu hụt tài nguyên, đe dọa sự tồn vong của cả nhân loại. Từ những nguy cơ có thật này, câu chuyện đưa ra một giải pháp đáng sợ khiến nhiều người phải suy ngẫm và thậm chí đồng ý với kẻ phản diện. Mặc dù vậy, phần kết phim được thay đổi khác với truyện gốc của nhà văn Dan Brown.
Điểm trừ của phim nằm ở sự thiếu vắng thứ ngôn ngữ điện ảnh mượt mà từng giúp đạo diễn Ron Howard giành Oscar. Dường như nhà làm phim 62 tuổi chỉ cố “minh họa” cuốn sách của Dan Brown lên màn ảnh nên tác phẩm có phần khô khan và dài dòng.
Inferno khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 14/10 với nhan đề Hỏa ngục.
Trailer phim "Inferno" |
|
Ân Nguyễn