Philadelphia (1993)
Sau khi khởi đầu sự nghiệp chủ yếu với những phim hài và gia đình, Tom Hanks ghi dấu ấn với vai diễn luật sư mắc bệnh AIDS trong Philadelphia. Nhân vật Andrew Beckett do Hanks đảm nhiệm có danh tiếng trong công ty luật hàng đầu nhưng phải che giấu mình là người đồng tính do e sợ sự kỳ thị từ đồng nghiệp. Một ngày nọ, anh bị đuổi việc. Beckett cho rằng anh bị đối xử bất công, bị sa thải vì đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Anh quyết định khởi kiện công ty để đòi công bằng.
Để thủ vai Beckett, Hanks giảm 15kg và làm thưa mái tóc để có vẻ ngoài giống người đang mang bệnh. Philadelphia là một trong hai phim thành công rực rỡ năm 1993 của Hanks, bên cạnh Sleepless in Seattle. Tại lễ trao giải Oscar năm 1994, Tom Hanks nhận được Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc” nhờ màn nhập vai giàu cảm xúc trong Philadelphia.
Forrest Gump (1994)
Giải Oscar thứ hai trong sự nghiệp của Tom Hanks đến từ vai diễn Forrest Gump trong bộ phim cùng tên. Đây là nhân vật gắn liền với tên tuổi ông và đã chinh phục hàng triệu khán giả toàn cầu. Forrest Gump là một người đàn ông thiểu năng và có trái tim lương thiện. Chàng ngốc “ở hiền gặp lành” này chứng kiến và trực tiếp tham gia vào nhiều sự kiện lịch sử của nước Mỹ. Xuyên suốt bốn thập niên nhiều biến động ấy, Gump vẫn giữ nguyên sự lương thiện và tình cảm trong sáng dành cho cô gái Jenny (Robin Wright).
Diễn xuất tài năng của Tom Hanks đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc khi dõi theo hành trình của Forrest Gump, với tiếng cười và cả những giọt nước mắt. Forrest Gump đạt doanh thu 677 triệu USD trên toàn cầu, nhận sáu giải Oscar và được ghi nhận là một bộ phim kinh điển.
Apollo 13 (1995)
Tom Hanks tiếp tục là cái tên đình đám của Hollywood với Apollo 13. Phim được dựa trên câu chuyện có thật về chuyến đi của con tàu Apollo 13 với ba phi hành gia vào năm 1970. Có nhiệm vụ hạ cánh lên mặt trăng song trên đường đi, Apollo 13 gặp sự cố và đặt Lovell (Tom Hanks), Haise (Bill Paxton) và Swigert (Kevin Bacon) vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc...
Hành trình sinh tồn của các phi hành gia được đón nhận nồng nhiệt bởi cả khán giả lẫn giới phê bình. Apollo 13 thu về 355 triệu USD khi ra rạp và nhận chín đề cử Oscar sau đó.
Toy Story (1995)
Không chỉ giỏi diễn xuất, Tom Hanks còn là một nhà lồng tiếng đại tài. Ông là giọng nói của chàng cao bồi đồ chơi Woody và thổi hồn cho nhân vật này trong phim hoạt hình Toy Story. Câu chuyện đồ chơi kể về một thế giới mà khi vắng mặt con người, những đồ chơi có thể cử động, nói chuyện và có ý thức. Woody vốn là món đồ chơi cưng của cậu chủ Andy nhưng sự xuất hiện của món đồ chơi mới - Buzz - khiến cậu bị “ra rìa”. Woody lên kế hoạch gạt bỏ Buzz nhưng không ngờ cuộc phiêu lưu sau đó sẽ biến cả hai thành một đôi bạn chí thân.
Sau khi ra mắt, Toy Story nhanh chóng được yêu thích bởi cả trẻ em lẫn người lớn. Tác phẩm này được xem như một trong những phim hoạt hình hay nhất mọi thời và đã có thêm hai phần với tổng doanh thu lên đến 1,9 tỷ USD.
Saving Private Ryan (1998)
Saving Private Ryan được đặt bối cảnh vào năm 1944, khi Thế chiến II đang ở giai đoạn khốc liệt. Đại úy của quân đội Mỹ - John H. Miller (Tom Hanks) - cùng bảy chiến sĩ dưới quyền được giao nhiệm vụ đặc biệt là giải cứu binh nhì có tên Ryan (Matt Damon) ở một nơi nào đó trên chiến trường châu Âu. Lý do Ryan trở nên đặc biệt quan trọng như vậy vì anh có ba anh trai đã hy sinh trên chiến trường, khiến mẹ già ở nhà không thể chịu nổi thêm nỗi đau mất con...
Bản hùng ca về tình đồng đội trên chiến trường cùng sự khốc liệt của chiến tranh khiến Saving Private Ryan được đánh giá như một trong những phim chiến tranh hay nhất. Nhân vật đại úy Miller để lại nhiều ấn tượng cho khán giả qua lối diễn tinh tế của Tom Hanks. Ánh mắt cương nghị và đôi bàn tay run run trong nhiều phân cảnh của tài tử ám ảnh người xem. Tom Hanks nhận một đề cử Oscar cho nam chính với vai diễn này. Ba năm sau, ông một lần nữa hợp tác với đạo diễn Steven Spielberg để sản xuất một siêu phẩm khác về Thế chiến II là phim truyền hình Band of Brothers.
You’ve Got Mail (1998)
Sau Joe Versus the Volcano (1990) và Sleepless in Seattle (1993), bộ đội Tom Hanks và Meg Ryan lại đóng cặp trong phim hài tình cảm You’ve Got Mail. Họ vào vai đôi tình nhân trên mạng Internet mà không hay mình đang nói chuyện với kẻ thù trong công việc ở ngoài đời. You’ve Got Mail được ra mắt lúc mạng Internet đang dần thay đổi cuộc sống con người và khiến nhiều khán giả thích thú với “chuyện tình online”.
Với kinh phí 65 triệu USD, bộ phim mang về doanh thu 250 triệu USD và nhận nhiều lời khen ngợi nhờ diễn xuất ăn ý của cặp diễn viên chính.
The Green Mile (1999)
Một kiệt tác khác trong thập niên 1990 của Tom Hanks là bộ phim The Green Mile với bối cảnh trong nhà tù. Chuyện phim diễn ra vào thời kỳ Đại Khủng Hoảng tại Mỹ năm 1935. Tại nhà tù Cold Moutain, John Coffey (Michael Clarke Duncan) bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và giết hại dã man hai bé gái da trắng. Trong thời gian bị giam chờ ngày tử hình, Coffey kết bạn với người cai tù Paul (Tom Hanks).
Những ngày giam giữ và chứng kiến các hành động lương thiện của Coffey khiến Paul nhận ra đây là một người có trái tim nhân hậu và không thể là kẻ sát nhân. John Coffey còn sở hữu một năng lực siêu nhiên, khiến quãng thời gian ngắn ngủi quen John còn ám ảnh Paul cả đời... The Green Mile đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả bởi nội dung bi kịch cùng diễn xuất thuyết phục của Michael Clarke Duncan và Tom Hanks.
The Terminal (2004)
Các bộ phim mà Tom Hanks thủ vai dưới sự chỉ đạo của Steven Spielberg đều là những tác phẩm được đánh giá cao. Sau Saving Private Ryan và Catch Me if You Can (2002), Hanks lại cộng tác cùng Spielberg trong phim The Terminal. Hanks vào vai Viktor Navorski - một công dân của đất nước Krakozhia. Khi bay từ quê hương tới nước Mỹ, Viktor bất ngờ hay tin quê nhà đã xảy ra một cuộc đảo chính. Cuộc nội chiến bất ngờ này khiến Viktor bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời không thể trở về quê hương.
The Terminal kể về quãng thời gian gần một năm Viktor mắc kẹt và ăn ngủ tại cổng 67 của sân bay JFK. Ông trở thành cái gai trong cơ quan nhập cảnh do thứ tiếng Anh chưa gãy gọn và liên tục bị gây khó dễ... Không cần kỹ xảo đắt tiền hay các pha hành động gay cấn, The Terminal vẫn có doanh thu 219 triệu USD nhờ “thỏi nam châm” hút khách Tom Hanks. 11 năm sau The Terminal, Hanks một lần nữa bắt tay đạo diễn Spielberg trong dự án Bridge of Spies.
The Da Vinci Code (2006)
Robert Langdon là giáo sư biểu tượng học nổi tiếng trong các cuốn sách ly kỳ của Dan Brown. Khi cuốn tiểu thuyết ăn khách và không kém phần tranh cãi The Da Vinci Code được đưa lên màn ảnh rộng, Tom Hanks là người được “chọn mặt gửi vàng” với vai diễn Langdon. Cuộc phiêu lưu của giáo sư tới từ trường Havard được bắt đầu từ bảo tàng Lourve của Pháp. Một vụ án mạng bí ẩn tại đây đưa Langdon tới hành trình giải mã để tìm một trong những báu vật nổi tiếng nhất lịch sử - chiếc Chén Thánh.
Dù không được đánh giá cao về chất lượng như nhiều phim khác của Hanks, The Da Vinci Code vẫn thắng lớn tại các rạp chiếu với doanh thu lên đến 758 triệu USD. Tom Hanks đã tái đảm nhiệm vai Robert Langdon trong Angels & Demons (2009) và Inferno được chiếu vào cuối năm nay.
Captain Phillips (2013)
Captain Phillips được dựa trên hồi ký A Captain’s Duty của thuyền trưởng Richard Phillips (Tom Hanks), nói về thời gian ông đối mặt với sức ép từ những tên cướp biển Somali. Đây là câu chuyện từng gây chấn động nước Mỹ hồi tháng 4/2009 khi Maersk Alabama là con tàu đầu tiên thuộc sở hữu của Mỹ bị cướp biển chiếm hữu thành công kể từ thế kỷ 19.
Thuyền trưởng Phillips của con tàu bị bốn tên hải tặc bắt làm con tin để đòi tiền chuộc. Bất chấp việc tính mạng bị đe dọa, Phillips cho thấy sự mưu trí và dũng cảm xứng tầm thuyền trưởng. Tài diễn xuất của Tom Hanks khiến khán giả đồng cảm và hồi hộp từng giây khi nhân vật này cận kề cửa tử. Nhiều người hâm mộ tỏ ra tiếc nuối khi tại Oscar 2014, Hanks không nhận được đề cử nào về diễn xuất.
Mới đây, Tom Hanks tiếp tục vào vai một người hùng ngoài đời thực là cơ trưởng Sully trong bộ phim cùng tên. Đây được trông đợi là tác phẩm sẽ đem về cho ngôi sao gạo cội này đề cử Oscar tiếp theo, kể từ Cast Away (2000).
Thịnh Joey