Chủ nhật, 6/10/2024
Thứ sáu, 6/1/2023, 08:40 (GMT+7)

Dựng lại cầu gỗ dài nhất Việt Nam

Phú YênCầu Ông Cọp (huyện Tuy An) dài 800 m thường hư hỏng vào mùa mưa bão, được người dân địa phương góp tiền dựng lại để thuận tiện cho đi lại.

Cầu gỗ Ông Cọp, huyện Tuy An nằm cách quốc lộ 1 chưa đến trăm mét, đoạn gần dốc Vườn Xoài bắc qua sông Bình Bá (còn gọi là sông Phú Ngân). Cầu nối các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Người dân địa phương đi qua cầu này rút ngắn khoảng cách khoảng 10 km so với di chuyển từ huyện Tuy An qua thị xã Sông Cầu, hoặc đi TP Quy Nhơn (Bình Định).

Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, cầu lại đổ sập. Mội số cá nhân đã tự bỏ chi phí để mua nguyên vật liệu để dựng lại cầu, phục vụ nhu cầu đi lại cho dân địa phương.

Cầu bắt đầu được xây dựng từ năm 1998 với tổng chi phí hơn một tỷ đồng, do ông Nguyễn Phước Thọ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) tự bỏ tiền đầu tư. Sau này có nhiều người cùng góp vốn và quản lý. Cầu dài khoảng 800 m, rộng 2 m (nơi rộng nhất khoảng 2,3 m) và trụ cao 8-10 m.

Những ngày này, trên cầu có hơn 18 công nhân thi công.

Ông Nguyễn Phúc, một công nhân, cho biết hầu hết các công đoạn như dựng trụ, xây dàn, lót ván, đóng đinh... đều làm thủ công. "Để đẩy nhanh tiến độ, suốt 4 tuần qua, chúng tôi tranh thủ làm luôn ca trưa", ông Phúc nói, cho biết thời tiết thuận lợi, việc dựng lại cầu chỉ mất 20-30 ngày.

Công nhân dùng que sào cắm xuống đáy sông để đo chiều dài trụ cầu phù hợp, tránh tình trạng mất cân bằng khiến cầu bị nghiêng sau khi hoàn thành. Mỗi năm đến mùa mưa, nước lũ chảy xiết thường đánh sập cầu. Việc đo đạc được thực hiện kỹ lưỡng sẽ giúp công nhân làm cầu trở nên chắc chắn hơn.

Để thi công trụ cầu, thợ phải dầm mình dưới nước nhiều giờ. "Trong thời tiết lạnh như thế này, việc ngâm mình dưới nước liên tục khiến cơ thể mau mất sức. Do đó chúng tôi phải luân phiên mỗi buổi thay hai người để làm công việc này", nam công nhân cho biết.

Tốp công nhân kéo gỗ đến điểm tập kết để làm cầu.

Công nhân đóng đinh gia cố sau khi lót ván cầu.

"Dự kiến trong tuần đầu tiên của năm 2023, cầu sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ bà con", ông Nguyễn Văn Tánh, chỉ đạo xây dựng cầu gỗ, cho biết.

Những thanh khỗ thừa được tận dụng làm lan can cầu. Đây là lần thứ tư cây cầu bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng từ mưa bão.

Một đoạn tại cầu gỗ Ông Cọp thành hình. Phần ván cầu làm từ thân cây phi lao, bạch đàn; thành cầu làm bằng thân tre già. Cầu chỉ thiết kế để xe máy và người đi bộ sử dụng.

Cây cầu hiện phục vụ nhu cầu đi lại cho hàng nghìn hộ dân ở khu vực lân cận. Ngoài ra, khu vực này cũng là điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Cầu được thu phí 2.000-5.000 đồng mỗi lượt. Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, dù cầu tư nhân xây, mức giá thu phí phải được UBND xã thông qua. "Hầu hết người dân địa phương đều đồng tình với mức phí này", ông Minh nói.

Cầu gỗ ông cọp
 
 

Công nhân xây cầu gỗ dài nhất Việt Nam ở Phú Yên. Video: Bùi Toàn

Vị trí cầu Ông Cọp. Ảnh: Google Maps

Bùi Toàn