Tối 6/2, kịch Nửa đời hương phấn có buổi công diễn tại TP HCM, thu hút gần 400 khán giả đủ mọi lứa tuổi. Theo nguyên tác cải lương của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng, Nửa đời hương phấn là câu chuyện về cuộc đời cay đắng của người kỹ nữ tên Hương (The). Rời quê nhà lên Sài Gòn kiếm sống, The vướng vào mối tình với gã sở khanh tên Định. Định bỏ rơi The khi biết tin cô mang thai. Đau khổ, tuyệt vọng, The không giữ nổi đứa con. Cô đổi sang tên Hương, quyết làm lại cuộc đời bằng nghề thợ may.
Hương quen và yêu Tùng, một chàng trai mồ côi sống nhờ sự bảo trợ của người bác ruột. Khi hạnh phúc vừa chạm tay, Hương gặp phải sự cấm cản của anh trai Tùng cùng sự đeo bám của người tình cũ. Bố ruột Hương cũng xua đuổi, khinh rẻ khi biết cô từng làm kỹ nữ. Tuyệt vọng vì bị người thân xa lánh, Hương tìm đến nương nhờ cửa Phật. Tình cờ, Dịu, em gái Hương trở thành vợ của Tùng. Sau khi biết được những ẩn ức của Hương, Tùng cùng vợ và mẹ đến chùa xin Hương hoàn tục. Hương một mực từ chối mọi lời khẩn cầu của người thân, quyết tìm quên Nửa đời hương phấn trong chiếc áo nâu sòng cùng những lời tụng niệm.
So với nguyên tác cải lương, số phận chìm nổi của Hương (Hồng Ánh) được tái hiện đầy nghiệt ngã bởi hàng loạt kịch tính đan cài trong những tình huống đối mặt ngặt nghèo. Trong kịch, nhân vật Hương còn vướng vào mối quan hệ với chính anh ruột của Tùng (Đoàn Thanh Tài). Tình huống oái ăm xảy ra ở phần mở đầu đưa câu chuyện qua nhiều diễn biến lắt léo để rồi kết thúc xúc động trong sự thiêng liêng của tình mẫu tử.
Chỉ là tuyến nhân vật phụ, nhưng nghệ sĩ Ái Như để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với hình ảnh bà mẹ quê dung dị, chất phác đầy nhân ái và bao dung. Sự xuất hiện của bà trên sân khấu với chậu nước gội đầu làm từ bồ kết đã đem đến một cái kết thăng hoa cho vở kịch. Ở lớp diễn cuối, khán giả vỡ òa khi nghệ sĩ Ái Như trong vai bà mẹ, tay mân mê những mẩu bồ kết, mắt nhìn xa xăm, miệng nhắc nhớ người con gái đã bặt vô âm tín. Nhớ con, bà chỉ biết mường tượng về Hương qua mùi bồ kết quen thuộc cô thường gội đầu. Ở phân đoạn này, nghệ sĩ Ái Như làm sống dậy ký ức về những người bà, người mẹ. Chị diễn ngọt vai một bà mẹ tưởng như lẩn thẩn với những hoài niệm xưa cũ. Thực ra, người mẹ ấy đang cố che giấu sự chạnh lòng khi nghĩ về cuộc đời lang bạt của cô chị cả với cảnh sống viên mãn của người con gái út.
Ở phân đoạn bất ngờ gặp lại con, Ái Như thể hiện thành công quá trình chuyển biến tâm lý của người mẹ. Niềm vui chưa kịp vỡ òa, bà phải đau đớn chứng kiến những thăng trầm cuộc đời đem đến cho con gái mình. Kết thúc hành trình tâm lý: từ hạnh phúc tột độ đến ngỡ ngàng, thảng thốt, xót xa... là tình yêu vô bờ và ước muốn chở che của người mẹ già với đứa con đã dạn dày sương gió. Kịch kết thúc trong cảnh Hương ngả đầu vào lòng mẹ cho bà gội đầu bằng hương bồ kết, trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình.
Nhiều khán giả không giấu nổi những giọt nước mắt trước những lời thoại chan chứa yêu thương của người mẹ: "Nếu người đời có nhấn con xuống bùn, má cũng sẽ tắm gội cho con". Tình yêu thương, lòng bao dung của mẹ không những giúp Hương gột rửa hoàn toàn những ám ảnh của Nửa đời hương phấn mà còn xóa bỏ ranh giới của lòng hận thù, sự mặc cảm, e dè... trong mối quan hệ giữa Hương, Tùng, Dịu và Cang (anh trai Tùng). "Cảnh cuối quá xuất sắc. Diễn xuất của cô Ái Như khiến tôi nổi da gà. Tôi khóc lúc nào không hay", khán giả tên là Hữu Toại chia sẻ.
Bên cạnh ca ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, kịch đưa ra nhiều vấn đề đạo và đời. Nhân vật tuyên bố: "Cửa Phật không phải là nơi náu mình của những mảnh đời lầm lỡ". Nếu như ở nguyên tác cải lương, Hương tìm quên Nửa đời hương phấn trong kiếp tu hành thì ở chuyển thể kịch nói, Hương chỉ là người làm công quả trong chùa. Cô cùng bác Năm xe rác giúp nhà chùa chăm lo đời sống cho những em nhỏ cơ nhỡ. Đạo diễn Ái Như để nhân vật đối mặt với những khắc nghiệt của cuộc sống, tạo niềm vui trong những hành động có ích cho cộng đồng chứ không đắm mình trong kinh kệ để tìm quên quá khứ.
Tác giả chuyển thể bạo dạn khi đan cài những tình tiết rất đời với yếu tố thiêng liêng của tôn giáo. Trong cảnh bà Hai Lung ngồi tụng kinh, niệm Phật nhưng tâm trí vẫn dõi theo câu chuyện tiền bạc, ái tình của nhân vật Định, người xem thấy rõ bà là điển hình cho mẫu người "Miệng nam mô bụng một bồ dao găm". Trước bàn thờ Phật, trước những kinh kệ, chuông mõ, đạo diễn không ngại phô diễn những màn đụng chạm thể xác tình cờ, thoáng qua giữa bà Hai Lung và tên đầy tớ của Định. Sự đụng chạm này đánh thức bản năng giới trong hai con người sống cuộc đời đơn độc đã quá nửa cuộc đời, làm bật lên những khao khát, ao ước rất con người mà bấy lâu nay họ cố tình che giấu.
Giống như nhiều vở kịch tâm lý, thủ pháp dàn dựng của kịch Hoàng Thái Thanh không thể thiếu sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng. Mỗi khi kịch tính lên đến cao trào, âm nhạc luôn xuất hiện đúng lúc, giúp khán giả cân bằng cảm xúc trước những diễn tiến trên sân khấn. Trong cảnh Tùng (Quang Thảo) đối mặt Hương và Dịu, anh bị giằng xé dữ dội bởi trách nhiệm với người vợ hiện tại và tình yêu với người tình xưa khi giữa họ tồn tại quan hệ chị em ruột. Thay vì để cho một trong ba nhân vật đưa ra quyết định, ê-kíp dàn dựng dùng âm nhạc để lấp đầy khoảng bối rối giữa họ. Giọng hát liêu trai của Thái Thanh vút lên "Kiếp nào có yêu nhau thì xin tìm đến mai sau" cũng là lúc ánh sáng trên sân khấu nhạt nhòa, các nhân vật nén lại cảm xúc, trở về vị thế hiện tại của mình.
Tái hiện vở diễn từng làm nức lòng khán giả miền Nam cách đây 60 năm, soạn giả Hoàng Thái Thanh đã không khiến người xem thất vọng khi so sánh với nguyên tác cải lương. "Kịch hay ngoài mong đợi của tôi, nhất là đoạn kết, khi cô The tìm thấy sự bình yên trong vòng tay mẹ", một khán giả cao tuổi ở quận Tân Bình cho hay.
Châu Mỹ