Tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân dường như là một kho tàng vô tận để nền điện ảnh Trung Quốc không ngừng khai thác. Mỗi năm, cứ khoảng mùa hè và Tết Nguyên đán, lại có một hoặc vài phiên bản mới của Tây Du Ký ra mắt khán giả. Mỗi nhà làm phim có hướng tiếp cận và “thêm mắm dặm muối” khác nhau. Trong số này, hai phim do đạo diễn Trịnh Bảo Thụy gây chú ý với sự tham gia của các sao nổi tiếng. Tập đầu - Đại náo thiên cung (2014) - có Chân Tử Đan, Quách Phú Thành, Châu Nhuận Phát. Tập hai - Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh - có Quách Phú Thành, Củng Lợi.
* Trailer phim
Trong phần ba - Nữ Nhi Quốc, các diễn viên Quách Phú Thành, Phùng Thiệu Phong, Tiểu Thẩm Dương và La Trọng Khiêm lần lượt trở lại với vai Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Triệu Lệ Dĩnh hóa thân nữ vương, còn Lâm Chí Linh đảm nhiệm vai thần sông. Bộ phim hướng đến khán giả trẻ tuổi nên có nội dung ngôn tình, hài hước, đi theo khuynh hướng của nhiều phim cổ trang gần đây.
Khán giả theo chân bốn thầy trò Đường Tăng đến Tây Lương Nữ Quốc – một vùng đất chỉ có phụ nữ. Nữ vương phải lòng Đường Tăng từ cái nhìn đầu tiên và muốn giữ chàng ở lại làm chồng. Đứng trước tấm chân tình của người đẹp, Đường Tăng dường như cũng rung động lòng phàm. Trong khi đó, quốc sư muốn giết bốn thầy trò bởi tin rằng đàn ông ai cũng xấu xa.
So với bản kinh điển năm 1986, phim mới thêm nhiều tình tiết để giải thích kỹ hơn quá trình phát triển tình cảm của cả hai. Bộ phim cũng xoáy sâu hơn vào những dằn vặt suy tư của Đường Tăng khi đứng trước lựa chọn: hạnh phúc của tình yêu đôi lứa hay hạnh phúc của chúng sinh? Đức Phật hay người đẹp? Phụ một người hay phụ thiên hạ?
* Dàn mỹ nhân khoe lưng trần trong phim
Nhân vật nữ vương do Triệu Lệ Dĩnh thể hiện có nhiều điểm khác biệt so với vai diễn kinh điển của Chu Lâm trong bản truyền hình năm 1986. Nếu Chu Lâm thể hiện thành công một nữ vương quyền uy, đa tình, thấu hiểu tâm lý đàn ông thì Triệu Lệ Dĩnh mang đến hình ảnh của một cô gái ngây thơ, trẻ con, nhiều bỡ ngỡ trước tình yêu. Nữ vương của Chu Lâm đẹp mặn mà, quyến rũ, hơi lả lơi thì nữ vương của Triệu Lệ Dĩnh lại mang vẻ băng thanh ngọc khiết, trẻ trung, trong sáng. Việc thay đổi hình tượng nhân vật giống như "đánh cược" vào khả năng chấp nhận cái mới của khán giả.
Nhìn chung, vai diễn của Triệu Lệ Dĩnh giống một công chúa được bao bọc hơn một nữ hoàng quyền uy. Đôi khi nhân vật còn bị quốc sư (Lương Vịnh Kỳ) lấn át về uy quyền. Tuy nhiên, khi Triệu Lệ Dĩnh đứng cạnh Phùng Thiệu Phong, dáng vẻ nhu mì, dễ thương của cô lại xứng đôi với hình tượng Đường Tăng trẻ tuổi. Những mẩu đối thoại về tình yêu, những cú máy quay chậm (slow-motion) mô tả ảnh mắt hai người dán vào nhau được lặp lại nhiều lần.
Các tình huống gây cười được dàn trải suốt tác phẩm. Bốn thầy trò được khắc họa với tính cách khác nhau, tạo nên sự tương phản thú vị. Đường Tăng thật thà, ngây ngô. Ngộ Không tinh quái, lém lỉnh. Trư Bát Giới mê gái đẹp và nhát gan. Sa Tăng da xanh lét, cơ bắp cuồn cuộn, nhưng nội tâm yếu đuối, dễ khóc nhè. Khi nhóm thầy trò có bầu, chất hài được đẩy cao với nhiều tình huống dở khóc dở cười.
* Ngộ Không trách sư phụ bất cẩn vì có bầu
Kỹ xảo của Nữ Nhi Quốc tốt hơn hai phần trước với sự có mặt của dàn chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Hollywood như Richard Bluck, Sean Kelly (Lord of the Rings, The Hobbit), Shaun Smith (300), và Dexter and Digital Idea - nhóm công nghệ hình ảnh đạt giải Oscar. Nhiều cảnh phim được xử lý bằng kỹ xảo như núi non hùng vĩ, lâu đài thành quách tráng lệ, các sinh vật huyền bí, quái thú khổng lồ.
Ở nhiều chỗ, tác phẩm giống kiểu phim siêu anh hùng của Hollywood khi ba đồ đệ trổ tài trong những trận chiến có quy mô rộng. Cảnh chiến đấu trời long đất lở giữa vua khỉ và Vong Xuyên Hà Thần (Lâm Chí Linh) gây hào hứng cho người xem với chuyển động của nước, động tác bay nhảy của Ngộ Không. Theo Sina, phim được đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (75,5 triệu USD). Đoàn phim mất hơn sáu tháng để chọn và dựng bối cảnh cho tác phẩm - với tổng diện tích các bối cảnh riêng biệt như biển, cung điện... lên đến 80.000 mét vuông.
Phần âm nhạc trong phim được chịu trách nhiệm bởi Yu Kobayashi, người từng rất thành công trong phim Ponyo của hãng Ghibli. Bài hát chủ đề được phối lại từ bản Nữ Nhi Tình kinh điển, có thêm đoạn hát của Đường Tăng. Tình cảm tha thiết của Nữ Vương, nỗi niềm rối bời của Đường Tăng được thể hiện rõ nét, càng khiến khán giả tiếc nuối cho mối tình vừa chớm nở.
Tuy nhiên, tác phẩm vẫn chưa thật sắc sảo trong lối kể chuyện, nhất là hồi ba được xử lý lê thê. Chuyển biến của các nhân vật trong phần này nhìn chung đơn giản, tiến đến cái kết không khó đoán với nhiều khán giả. Một số cách ứng xử hiện đại, Tây hóa của các nhân vật có thể khiến người xem hoài cổ không thích. Ở nhiều chỗ, Triệu Lệ Dĩnh còn cứng nhắc trong việc diễn tả tâm lý của nữ vương.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 16/2 (mùng Một Tết).
Anh Trâm