Monkey King 2 là tập hai của phim Monkey King ra mắt năm 2014 (thu về 180 triệu USD toàn cầu). Cùng dựa trên tiểu thuyết kinh điển của Ngô Thừa Ân, tập một tập trung kể chuyện Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, tập hai thuật chuyện thầy trò Đường Tăng vừa hội ngộ rồi gặp kiếp nạn đầu tiên với yêu quái Bạch Cốt Tinh trên đường đi thỉnh kinh.
Phim 3D có ngân sách 68 triệu USD phô diễn kỹ xảo hình ảnh. Rải đều từ đầu tới cuối là những pha kịch tính xử lý bằng vi tính. Ngay mở màn, người xem được thấy trận chiến trời long đất lở giữa Tôn Ngộ Không với hổ yêu và rồng nước lúc anh vừa thoát khỏi hang núi giam giữ 500 năm. Phim nối tiếp với các pha đối đầu giữa Tôn Ngộ Không với Trư Bát Giới cùng Sa Tăng. Nửa sau câu chuyện là những phân đoạn đánh nhau giữa Tôn Ngộ Không và Bạch Cốt Tinh. Các chi tiết được xây dựng sáng tạo và gây bất ngờ.
Êkíp cố vấn hình ảnh cho phim vốn là các chuyên gia Hollywood, từng thực hiện The Lord of the Rings, The Hobbit và 300. Tác phẩm mang phong cách giả tưởng phương Tây rõ rệt. Làng mạc và thị trấn trong phim được quy hoạch với dáng dấp kiến trúc của những thành phố trên triền núi châu Âu. Hang ổ của Bạch Cốt Tinh và các vùng dân cư xung quanh hiện lên là những lâu đài vuông vức kiểu Trung cổ phương Tây thay vì những ngôi làng rơm rạ lụp xụp phổ biến ở châu Á.
Tạo hình của bốn thầy trò Đường Tăng mang dáng vẻ mạnh mẽ và hào nhoáng theo kiểu người hùng châu Âu, thay vì giản dị và linh hoạt như trong tiểu thuyết thuộc Tứ đại danh tác Trung Hoa. Nhân vật Bạch Cốt Tinh cùng nhóm yêu nữ tay chân trông giống các phù thủy ác trong truyện cổ tích Andersen. Bạch Cốt Tinh trong phim mới mọc lông thú, có móng vuốt sắc, diện đồ đen trắng làm gợi nhớ đến phù thủy Maleficent. Trong khi đó, mãng xà và yêu tinh dơi - tay chân của Bạch Cốt Tinh - là những nhân vật thường thấy trong văn học phương Tây.
Kỹ xảo phương Tây tạo được hiệu quả trong những pha chiến đấu có quy mô lớn trên màn ảnh rộng. Cùng lúc, hình ảnh này pha trộn hài hòa với nội dung chứa triết lý Phật giáo Á đông, khiến câu chuyện mang tổng thể mới lạ, chặt chẽ, hài hước, ma mị và cảm động.
Củng Lợi và Quách Phú Thành tỏa sáng trong dàn diễn viên. Trở lại với màn ảnh rộng sau thời gian dài vắng bóng, người đẹp 50 tuổi lột xác với nhân vật phản diện kinh điển. Ánh mắt sắc sảo, chiếc cằm nhọn hoắt và chiếc miệng đen quánh dính máu người là chân dung mụ yêu tinh sống 1000 năm trong thù hận và ăn thịt trẻ em để tồn tại.
Thay thế Chân Tử Đan (người đóng Tôn Ngộ Không ở tập một), Quách Phú Thành tạo cho nhân vật Tôn Ngộ Không vẻ cương trực, nam tính và khí khái kiểu người hùng trượng nghĩa, lại vừa mang bản chất nóng tính của một con khỉ đá tự cao. Nếu như Tôn Ngộ Không của Chân Tử Đan có phần lém lỉnh và láu cá, Quách Phú Thành thể hiện hình ảnh nghiêm nghị và mực thước hơn.
Vốn là diễn viên hài, Tiểu Thẩm Dương hóa thân tròn vai Trư Bát Giới với nhiều pha gây cười. Ngay cả khi đánh nhau, nhân vật của anh cũng muốn được địch thủ khen đẹp trai. La Trọng Khiêm thể hiện sự vừa vặn khi hóa thân thành Sa Tăng có làn da màu da xanh sẫm, cần cù và nhẫn nại.
Nam diễn viên Phùng Thiệu Phong không đóng tốt vai Đường Tăng. Vẻ ngoài phương phi và nam tính của tài tử họ Phùng khó làm người xem tin anh là nhà sư diệt dục, trong sáng. Diễn xuất của anh cũng hơi quá so với nhân vật Huyền Trang vừa từ bi, vừa nhân hậu lại nhu nhược cũng như ba phải.
Phim mới của cặp đạo diễn Trịnh Bảo Thụy và chỉ đạo võ thuật Hồng Kim Bảo có nhịp dựng điềm đạm. Từng chi tiết nhỏ trong phim đều được chăm chút công phu. Làm mới truyện gốc so với bản phim truyền hình kinh điển năm 1986, bản điện ảnh khéo gợi người xem tới không khí hoài niệm 40 năm trước bằng cách đan cài lại bản nhạc kinh điển Xin hỏi đường ở nơi nào vào khoảnh khắc cuối.
The Monkey King 2 ra rạp Việt Nam từ ngày 8/2 (mùng Một Tết Bính Thân), với nhan đề tiếng Việt là Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh.
Trailer phim "Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" |
|
Vũ Văn Việt