Mấy ngày qua, dù vẫn nhiệt huyết cùng êkíp trẻ trên sàn tập chuẩn bị ra mắt vở Đèn không hắt bóng, khuôn mặt đạo diễn Ái Như in hằn nét lo âu. Sân khấu Hoàng Thái Thanh của chị và nghệ sĩ Thành Hội 8 tháng nữa sẽ phải dời ra khỏi khuôn viên Nhà thiếu nhi TP HCM. Trong khi đó, chị vẫn chưa tìm ra địa điểm phù hợp để chuyển đi.
"Cuối năm nay, Nhà thiếu nhi thành phố được đập ra để xây mới hoàn toàn theo quy hoạch của thành phố. Trên tinh thần là sau hai năm xây dựng, Hoàng Thái Thanh vẫn được quay trở lại khán phòng ở đây. Nhưng số phận của chúng tôi tồn tại thế nào trong hai năm này thì đến giờ vẫn không thể tìm ra câu trả lời", Ái Như tâm sự.
Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội chạy đôn đáo khắp nơi để tìm nhà mới cho sân khấu. Nhưng cả hai gần như bế tắc vì không biết tìm đâu ra.
"Nếu phải dời ra ngoại thành thì không thể vì sân khấu khó lòng hoạt động hiệu quả khi ở quá xa trung tâm. Nhiều lúc, chúng tôi rơi vào sự chán ngán, mệt mỏi vì ngày nào cũng tìm kiếm mà không được gì hết. Nếu như việc tìm kiếm không có kết quả, Ái Như - Thành Hội chắc phải làm một chương trình cuối cùng để chào tạm biệt và chia tay mọi người", nữ đạo diễn nổi tiếng ngậm ngùi cho biết.
Một mặt đi tìm địa điểm an cư, mặt khác, sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ vững phong độ khi tiếp sức cho 12 gương mặt diễn viên trẻ chuẩn bị mang đến cho khán giả vở Đèn không hắt bóng (tối 4/4), chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Watanabe Dzunichi, do Ái Như đạo diễn. Trước đây, vở này từng được dựng trên sân khấu với tên Mùa đông cuối cùng qua êkíp các diễn viên tên tuổi.
Năm 2010, sau khi từ giã sân khấu Idecaf, nghệ sĩ Ái Như cùng Thành Hội ra mắt sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vào ngày 14/2. Qua 4 năm hoạt động, giữa vô vàn khó khăn trong sự phát triển chung sân khấu thành phố, Hoàng Thái Thanh trở thành thương hiệu kịch nói uy tín, được rất nhiều khán giả yêu quý và ủng hộ. Hàng loạt vở diễn ăn khách ra đời trên sân khấu này như: Nửa đời ngơ ngác, Oan tình ai thấu, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Hãy khóc đi em, Sông dài, Cám ơn mình đã yêu em, 29 anh về, Tình nhân đến với tình nhân, Chuyện bây giờ mới kể, Trò chơi tham vọng... Đi theo dòng kịch tâm lý, xã hội, hôn nhân và gia đình... chất triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc, nhân văn và không kém phần hài hước, trào phúng của các vở diễn này để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem.
Thất Sơn