Trong làng kịch Sài Gòn hiện nay, Ái Như là một nghệ sĩ khá đặc biệt với lưng vốn diễn xuất đa dạng. Từ vai cô gái trẻ sâu sắc đang yêu nồng cháy, thiếu nữ bồng bột ngây thơ, đàn bà đanh đá cay nghiệt đến vai người điên, vai trẻ con... khi nữ nghệ sĩ hóa thân vào vai diễn nào, khán giả cũng thấy ở chị sự chăm chút hình dáng bên ngoài đến cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói. Ở Ái Như, sự đầu tư cho vai diễn không chỉ để thuyết phục khán giả tin nhân vật giống thật mà còn để chạm đến trái tim người xem và cùng dẫn họ vào câu chuyện của vở diễn đang mở ra trước mắt.
Ái Như mang đến tiếng cười thú vị cho vở diễn "Tình duyên thuở trước". |
Trong kịch Tình duyên thuở trước, mỗi lần "bà ngoại thích ăn trầu" - Ái Như xuất hiện trên sân khấu, khán phòng lại rộ tiếng cười giòn giã. Bà lúc nào cũng ôm khư khư khơi trầu, thích nghe tuồng cổ đến nỗi chỉ cần lấy hát bội ra "dụ" thì con cháu bảo gì cũng làm theo. Nhân vật bà ngoại có vai trò như chất keo gắn các mối quan hệ xoay quanh bà như: cô cháu gái xinh xắn, người con gái góa chồng và chú Tư đạp xích lô nhà hàng xóm.
Những rắc rối trong các mối quan hệ xảy ra khi cô cháu gái đến tuổi cặp kê, qua mai mối, bắt đầu hẹn hò với một anh chàng người nước ngoài. Để trổ tài nữ công gia chính đảm đang của con gái Việt, cô mời chàng trai ngoại quốc về ngôi nhà nằm trong xóm nghèo của mình dùng cơm. Trở ngại lớn nhất mà cô vấp phải chính là bà ngoại thích ăn trầu, thứ mà không ít chàng Tây cứ "ghê ghê".
Poster quảng cáo kịch mới của Hoàng Thái Thanh. |
Một kế hoạch "di dời" bà ngoại tạm thời đi nơi khác được vạch ra. Từ tình tiết này, chú Tư đạp xích lô do nghệ sĩ Thành Hội thể hiện và bà ngoại - Ái Như đã có những phút tung hứng khiến khán giả cười nghiêng ngả. Chất hài và tiếng cười đến từ diễn xuất của Ái Như - Thành Hội không phải ở sự lên gân, gồng mình "cù lét" khán giả mà ở cái mộc mạc, chân phương và lời thoại tinh tế của vở diễn.
Những cảnh bà ngoại ngồi nhấp nhỏm trên chiếc xích lô chen chúc giữa dòng người qua lại, lăng xăng bên anh nặn tò he với vẻ háo hức trẻ con, hay cảnh bà thừ người tìm cơi trầu nhai cho bớt buồn khi phát hiện ra ý định của cháu mình... đều mang đến cảm xúc buồn vui lẫn lộn cho khán giả. Ái Như nhập vai bà lão lưng còng nhẹ nhàng và tự nhiên nhưng mỗi lời nói gợi nhớ về những nét đẹp trong văn hóa đang bị mai một lại thấm thía vào gan ruột người đối diện. Còn Thành Hội thể hiện được chất cục mịch, quê mùa của người đàn ông lao động chân tay nhưng ẩn sâu bên trong lại có trái tim giàu cảm xúc, một mối tình da diết với người đàn bà mà cả đời ông tôn thờ.
Kết thúc đẹp của "Tình duyên thuở trước" khi những hiểu lầm được hóa giải và mọi người nhận ra cái đẹp của tình cảm con người có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, tuổi tác. |
Chuyện kêu gọi việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được hồn cốt, tính cách người Việt Nam trong dòng chảy hội nhập văn hóa bộn bề hôm nay không còn là điều mới mẻ. Nhưng đến với vở kịch Tình duyên thuở trước, một lần nữa, nhiều khán giả có cơ hội cảm nhận lại sự nồng ấm của tình quê chân chất, sự gắn bó keo sơn của các quan hệ tình cảm trong đời sống con người, mà nếu mất đi, cuộc sống bỗng trở nên nhạt nhòa, vô vị.
Tình duyên thuở trước do Thanh Hoàng viết kịch bản, Ái Như dàn dựng với dàn diễn viên gồm: Thành Hội, Ái Như, Ngọc Lan, Tuyết Mai (Quỳnh Lam), Guillaume Faugere, Như Ý (Vân Trang), Nguyễn Long, Thế Hải.
Vở công diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh từ ngày 16/1.
Bài, ảnh Thoại Hà