- Sau ba tập thơ được nhiều bạn đọc trong nước đón nhận, anh chuẩn bị ra mắt tập thứ tư. Anh chia sẻ với mọi người điều gì trong ấn phẩm tiếp theo?
- Cuốn thơ tôi sắp ra mắt vào tháng 12 tới mang tên Sống một cuộc đời bình thường. Tên của tập thơ gần như thể hiện trọn vẹn suy nghĩ, tâm tư của tôi trong thời gian gần đây. Cuộc sống hiện tại vốn chứa đựng những bất trắc riêng, không ai dám nói trước điều gì sẽ xảy ra cho mình hay những người xung quanh. Vì vậy, những điều bình thường nhất người ta dành cho nhau lại gợi cảm hứng sáng tác cho tôi.
Ví dụ, tôi có thể viết một bài thơ về cái nắm tay của một người dành cho một người khác khi dắt họ đi qua một vũng nước trên đường, hay cảm giác của một người choàng tỉnh giữa đêm khuya, khát nước và thấy người mình yêu thương đã nhớ rót đầy một ly nước để đầu giường... Tôi muốn viết về những điều đẹp, giản dị mà người ta nhiều khi quên mất trong cuộc sống xô bồ. Không hẳn là tôi được trải qua tất cả những điều đó, mà cũng có thể, chúng là những ước mơ tôi hướng đến, điều tôi quan sát được ở xung quanh.
- Anh có nhà, có xe hơi, vợ đẹp, con xinh... và cuộc sống khá giả so với một người làm thơ nhưng thơ anh nhiều nỗi buồn, mất mát, gợi sự khắc khoải về hạnh phúc chưa trọn vẹn. Vì sao có sự mâu thuẫn trong cảm xúc ấy?
- Thật ra công việc chính của tôi là làm báo và truyền thông, còn viết thơ là một niềm đam mê câu chữ. Nhiều người khi gặp tôi cũng ngạc nhiên: vì sao cuộc sống của tôi đầy đủ thế này mà thơ thường mệt mỏi, bi quan và đau đớn. Nhất là ở cuốn thơ đầu tay của tôi, cuốn Đi qua thương nhớ, độc giả đón nhận nó với một sự chấn động về cảm xúc. Ở hai ấn phẩm tiếp theo Từ yêu đến thương và Sinh ra để cô đơn, do không muốn làm mọi người mệt mỏi hơn chỉ vì cảm xúc của riêng mình, tôi có chút thỏa hiệp với trang viết. Sáng tác của tôi vẫn có nỗi buồn, cái chết và sự mất mát nhưng không thiếu niềm tin yêu, hy vọng và lạc quan. Nhưng đó không hẳn là những cuốn thơ vui. Trong tôi có hai con người luôn tồn tại: cuộc sống của một người có gia đình và công việc thường nhật. Phần còn lại, là thế giới nội tâm của một người viết.
- Sự lãng mạn có thể nâng cánh cho thơ ca nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thực tại "cơm áo, gạo tiền" và những trách nhiệm trong gia đình, anh làm thế nào để cân bằng nó?
- Tôi vẫn luôn ý thức được mình đang đứng ở đâu. Chưa bao giờ tôi nhận mình là người của giới văn chương, tôi cũng chỉ là một nhà thơ nghiệp dư. Những điều tôi cảm và nghĩ, có thể người khác cũng cảm và nghĩ như tôi. Nhưng tôi có may mắn hơn là viết ra chúng và có thể viết hay hơn người khác thôi. Người khác có chuyện buồn, thương hay nhớ nhung, họ giải tỏa tâm sự bằng cách đi xem phim, du lịch, tán gẫu với bạn bè chẳng hạn... còn tôi muốn làm thơ. Đó là cách tự nhiên nhất để tôi giải tỏa nỗi buồn. Tôi chưa bao giờ làm thơ vì tiền, vì tôi còn làm rất nhiều việc khác để kiếm tiền. Và sau những phút trải lòng với thơ, tôi đủ mạnh mẽ để quay về với thực tại, ý thức mình đang ở đâu, có điều gì trong tay...
- Vợ anh - từng là nhà thơ trong một bút nhóm trước đây - chia sẻ cảm nhận ra sao khi đọc tác phẩm của anh?
- Vợ tôi là người biên tập cuốn Sinh ra để cô đơn của tôi. Tôi chưa bao giờ hỏi cô ấy cảm nhận như thế nào về sáng tác của mình. Nhưng tôi biết, chắc chắn cô ấy không vui với những bài thơ đó. Làm sao có thể vui được khi đôi lúc cảm nhận người song hành có nhiều điều mà cô ấy không san sẻ được. Tôi không lý giải được khoảng cách vô hình đó. Nhưng, tôi tin, trong mỗi con người sáng tác, sống với chữ nghĩa, dù không cố ý, họ luôn chứa đựng trong lòng sự cô đơn và lẻ loi, nhiều khi đến cùng cực mà không sao giãi bày được. Nhiều lúc, tôi rất cần những khoảng riêng tư, không muốn ai chạm tới mình.
Nhưng dù cho tôi chỉ có thể viết tốt về nỗi buồn, chính gia đình cũng tác động ít nhiều đến thơ tôi, giúp sáng tác của tôi nhẹ nhàng và tươi sáng hơn so với những ngày đầu.
- Ba tập thơ của anh bán được hơn 80.000 nghìn bản, một con số ấn tượng trong làng sáng tác. Nhưng nếu anh chỉ viết xoay quanh những điều giản dị, cảm xúc thương, nhớ riêng tư thì làm thế nào để tránh đi vào lối mòn?
- Tôi chưa bao giờ có ý định sáng tác thơ về những điều to tát, các vấn đề xã hội. Tôi cũng không có chủ đích tạo ra trào lưu hay xu hướng thơ nào. Vừa mới đây, tôi được mời viết một bài thơ mang chủ đề về quê hương, thể hiện tinh thần bất khuất con người với quê hương, đất nước để đăng báo xuân, nhuận bút tốt. Tôi nhận lời nhưng sau đó tôi xin được từ chối. Không phải tôi không quan tâm đến các vấn đề thời sự, xã hội, các câu chuyện lớn lao trong cuộc sống. Nhưng làm thơ là chuyện của cảm xúc. Tôi viết trước hết cho mình, sau đó tìm sự đồng cảm nơi người đọc về những gì mình có thể rung động lên thành câu chữ. Tôi biết có những người chê thơ tôi rất dữ dội, nhưng tôi không quan tâm lắm. Nếu chỉ vì để khác với bản thân mình mà phải cường điệu hoặc vay mượn cảm xúc, tôi tin độc giả chắc chắn nhận ra sự thiếu chân thành trong những gì tôi viết.
- Tập thơ nào chuẩn bị đem in, anh cũng đăng tác phẩm gần hết lên mạng xã hội. Vì sao anh không sợ điều đó ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của tác phẩm?
- Tôi không bao giờ ngại chia sẻ bản thảo của mình. Cuốn Sống một cuộc đời bình thường được in trong tháng 12 thì tháng 6 tới, tôi sẽ đưa hơn nửa số bài trong tập thơ này lên mạng để độc giả đọc. Tôi cũng báo trước với các đơn vị phát hành của tôi là tôi chia sẻ thơ để độc giả đọc trên mạng xã hội. Nếu họ không thích tôi chọn đơn vị phát hành khác. Tôi không sợ sách in xong bị "ế" vì thực tế ở ba tập trước đây, dù tôi chia sẻ gần hết, khi sách ra, độc giả vẫn mua rất nhiều. Tôi có hơn 40.000 độc giả theo dõi trên fanpage, chỉ cần phân nửa số đó bỏ tiền ra mua tập thơ mới của tôi đã là thành công lắm rồi. Tôi chỉ cần có thế.
Thoại Hà thực hiện