Phong Việt là một trường hợp đặc biệt của làng thơ Việt. Tháng 12/2012, tập thơ đầu tiên của anh - Đi qua thương nhớ - xuất bản và gặt hái thành công lớn. Cuối năm 2013, tập thơ thứ hai Từ yêu đến thương cũng được tái bản hai lần. Đầu tháng 12 này, Phong Việt trở lại với độc giả bằng tập thơ thứ ba Sinh ra để cô đơn.
Có nhiều cách lý giải cho sự thành công của thơ Phong Việt, từ chuyện biết cách quảng bá, tới đánh trúng tâm lý độc giả. Song không thể phủ nhận, Phong Việt đã gọi trúng, đồng cảm với cảm xúc của người đọc. Mỗi một tập thơ đều là một tâm trạng nhất quán, như những ám ảnh cho cuộc tình không trọn vẹn (Đi qua thương nhớ), hương vị ngọt ngào và niềm tin mạnh mẽ về hạnh phúc (Từ yêu đến thương), và đến cuốn sách thứ ba này, tác giả tập trung vào cảm xúc cô đơn.
Tiếp nối phong cách ở hai tập thơ trước, Sinh ra để cô đơn có cách kể bình dị, chậm rãi nhưng cũng đầy tinh tế. Tập thơ như một câu hỏi để ngỏ: "Sinh ra để cô đơn? Tại sao, tại sao ngay từ khi sinh ra chúng ta đã phải mang vác những cô đơn trong con người mình", lại như một lời nhận định chắc nịch: "Chúng ta sinh ra là để cô đơn!".
Bằng nhiều bài thơ khác nhau, tác giả đưa người đọc bước vào một hành trình đơn độc. Trong tác phẩm Phong Việt, nỗi cô đơn đến với mỗi người thường nhật như một tách cà phê buổi sáng, uống "vì cần một vị đắng cho trái tim"; cũng có khi là bất chợt như một chiều mưa, ta thấy mình lẻ loi trong một màn mưa trắng xóa. Có lúc, cô đơn kết bạn với ta ngày ngày tháng tháng như một điều quen thuộc: "chúng ta đã lẻ loi ngay từ phút giây đầu tiên biết than thở/ trẻ con, lớn lên rồi già đi trong trăm nghìn nỗi nhớ/ phải mang theo..."
Phong Việt thể hiện vòng tuần hoàn của tình cảm trong Sinh ra để cô đơn. Những vần thơ của anh không đẩy cảm xúc tới chỗ cô độc, mà như một sự khuyến khích đi tìm sự sẻ chia. Bởi cô đơn nên cảm xúc của nhân vật trữ tình đều khao khát được yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia; do đó cô đơn là thứ khiến con người sát lại gần nhau. Nhưng những yêu thương chẳng bao giờ là đủ, nên chúng ta càng khao khát đủ đầy thì lại càng cô đơn. Quan điểm về vòng tuần hoàn tình cảm được tác giả thể hiện rõ trong bài Một bàn tay để nắm một thương nhớ: "Khi mình tưởng là bình yên thì sóng gió đã bắt đầu/ không lo toan nào có thể chứa trong lòng hạnh phúc/ đi bên cạnh nhau với niềm vui mình không bao giờ bỏ cuộc/ cố chấp thêm một lần đau và cho là trái tim sáng suốt/ như một dòng chảy ngược/ sinh ra để cô đơn!"
Lam Thu