Với giải Đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, Trần Anh Hùng lần thứ hai ghi danh trong sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới. 30 năm trước, đạo diễn là người đầu tiên mang hơi thở Việt bước ra sân chơi toàn cầu, với giải Camera d'Or cho phim Mùi đu đủ xanh.
Tác phẩm đầu tay của Trần Anh Hùng có cốt truyện đơn giản, kể về Mùi - cô bé 10 tuổi lên thành phố làm giúp việc. Phim tiết giảm phần kể chuyện để tập trung vào những xúc giác chạm, ngửi, nghe, nếm của Mùi. Từ đó, tác phẩm đi sâu vào các khoảnh khắc đời sống của nhân vật, mang cảm giác bình dị, nên thơ.
Trong Mùi đu đủ xanh, kỹ thuật máy quay giúp nhà làm phim miêu tả vẻ đẹp của những chuyển động.
Hai cảnh dài đầu tác phẩm có tác dụng giới thiệu không gian con phố nhỏ và nhân vật chính. Phương pháp long take trong các phân đoạn này làm nổi bật nghệ thuật dàn cảnh (mis-en-scene), nhưng đồng thời đòi hỏi hành động của chủ thể phải khớp với chuyển động máy.
Theo biên kịch Vũ Ánh Dương, thông qua việc miêu tả những sự việc dường như đơn giản trong khoảng một phút, kỹ năng kiểm soát không gian trong phim của đạo diễn được phát huy tối đa.
Ở Mùi đu đủ xanh, máy quay thường đặt bên ngoài, trước hiên nhà, sau đó chậm rãi đi vào trong, hướng người xem đến những tiểu tiết được sắp đặt. Trần Anh Hùng gộp các chủ thể vào khung hình, thay đổi nhiều cỡ cảnh để thể hiện chiều không gian khác nhau. Nhờ vậy, tác phẩm mang tính vén mở, dẫn dắt người xem chậm rãi đi vào thế giới quan của mỗi nhân vật.
Ví dụ, đạo diễn cho thấy sự đối nghịch của nhân vật Mùi - Lãm thông qua cách cả hai đối đãi với những con vật. Mùi chăm chú quan sát đàn kiến nối đuôi nhau kiếm ăn, biểu hiện sự tò mò, muốn khám phá. Ngược lại, trong một phân đoạn, máy quay lia cận cảnh những con ve sầu bị đóng đinh trong phòng ngủ của Lãm. Ngoài cửa sổ, cậu đổ sáp nến lên những con kiến đang kiếm ăn, giết chết chúng.
Những cú máy dài thường đi kèm với chuyển động nhân vật hoặc âm thanh. Tác phẩm tập trung khai thác không gian, miêu tả cảnh sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, từ ông bà chủ đến người giúp việc. Điển hình trong đoạn Mùi đi mua bánh, kỹ thuật quay giúp liên kết không gian trong và ngoài căn nhà, cho thấy nhiều mặt của cuộc sống gia đình: giao thương buôn bán nhưng sống khép kín, tiềm tàng bi kịch.
Ở con ngõ nhỏ, bài hát Nhớ một người (sáng tác: Mạnh Phát, Hoài Linh) vang lên, hòa với giọng con trẻ nô đùa. Cú máy di chuyển theo nhân vật (tracking shot), làm nên nhịp điệu sinh động của đời sống. Từ ngoài phố, nhà quay phim lia máy qua tường rào, hướng điểm nhìn vào khoảng sân.
Nhờ những cảnh quay dài, không gian của hai ngôi nhà trong tác phẩm trở thành biểu tượng của tình mẹ con và tình yêu đôi lứa. Trong gia đình Mùi giúp việc lúc nhỏ, chuyển động camera là phương tiện giúp khán giả theo dõi sinh hoạt riêng của từng thành viên. Ngược lại, ở nhà nhạc sĩ trẻ tên Khuyến, chuyển động máy mang tính dẫn dắt, được kịch tính hóa bởi âm nhạc, làm nổi bật không gian của tình yêu.
Giới chuyên môn nhận xét Mùi đu đủ xanh tôn vinh vẻ đẹp của Sài Gòn xưa qua màn ảnh. Tác phẩm mở màn bộ ba phim về Việt Nam (Vietnam Trilogy) của Trần Anh Hùng, cùng Xích lô và Mùa hè chiều thẳng đứng. Khác với hai phim sau, tác phẩm này được quay tại Pháp. Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn nói những đòi hỏi về thiết kế cảnh trí và di chuyển máy quay phải nắm bắt được "tâm hồn Việt Nam".
Tiến sĩ Lý luận Văn học Lê Thị Tuân, giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, nói: "Cảnh quan trong phim được lãng mạn hóa, là góc nhìn đầy hoài nhớ của đạo diễn".
Trên Chicago Sun-Times, nhà phê bình Roger Ebert nhận định tác phẩm có hình ảnh đẹp, khi xem cảm giác "như được thưởng thức một bài thơ". "Bối cảnh thuyết phục đến mức thoạt đầu tôi nghĩ rằng mình đang ở một góc nhỏ hẻo lánh trong thành phố", Roger viết.
Quế Chi
Ảnh, video: Président Films