* Bài tiết lộ nội dung phim
Lấy bối cảnh ở một thị trấn yên tĩnh bên hồ của nước Nhật, Monster mở đầu với đám cháy lớn ở một tòa nhà, cùng câu hỏi vu vơ của cậu bé lớp 5 Minato Mugino (Sōya Kurokawa thủ vai) dành cho người mẹ trẻ Saori (Sakura Ando thủ vai) khi hai mẹ con đứng ngoài ban công nhìn ngọn lửa phía xa.
"Nếu con người bị cấy não lợn vào đầu, thì đấy là con lợn hay con người?"
Đó là một đám cháy bí ẩn và mọi thứ bắt đầu từ một sự việc vặt vãnh, khi có trận đánh nhau bình thường giữa hai đứa trẻ ở trường.
Saori, một bà mẹ đơn thân, nhận thấy dấu hiệu bạo lực học đường qua cách cư xử kỳ lạ của con trai Minato. Muốn bảo vệ con, Saori nhiều lần đến trường tố cáo thầy giáo Hori - người bị đồng nghiệp và các học sinh kỳ thị vì có bạn gái là tiếp viên quán rượu. Saori cho rằng Hori đã dùng bạo lực với con trai mình nhưng nhận lại là sự thờ ơ của hiệu trưởng, ban quản lý nhà trường. Ở phía bên kia, nhà trường coi Saori là một "phụ huynh quái vật" - kiểu phụ huynh quá bao bọc con. Những đứa trẻ liệu có đang nói dối? Sự bất thường trong từng chi tiết đưa đẩy một câu chuyện tưởng như bình thường nơi học đường thành một câu hỏi bỏ ngỏ: "Quái vật là ai?".
Kịch bản của Monster chặt chẽ tới từng chi tiết và được kể qua ba góc nhìn. Cách cài cắm đan xen từng nhân vật qua từng góc kể đôi khi khiến người xem như bị đánh lừa, để rồi khi từng nút thắt được mở ra, mỗi câu thoại hay một chi tiết gợi hình trong phim đều mang một sức nặng gây ám ảnh. Câu chuyện tưởng như rất bình thường về lát cắt cuộc sống, nhẹ như một hơi thở của Monster qua cách kể nhiều lớp lang của Kore-eda như cuốn khán giả vào một trò chơi đi tìm sự thật, nhẹ bẫng nhưng đầy bí hiểm, như câu đồng dao mà cậu bé Hinata Hiiragi ngêu ngao: "Quái vật là ai nào?".
Phim đi từ thế giới của người lớn tới thế giới của những đứa trẻ, đi từ góc nhìn của Thiện đến Ác rồi mới tới được nơi sâu thẳm, thầm kín nhất của con người. Hình ảnh mỗi nhân vật trong phim đều được xây dựng ban đầu với một định kiến nhất định. Bà mẹ đơn thân Saori "úm" con đến mức gây phiền nhiễu. Thầy giáo Hori làm ngành giáo dục lại đi yêu tiếp viên quán rượu. Bà hiệu trưởng Makiko Fushimi (do diễn viên gạo cội Yūko Tanaka gắn liền vai Oshin trong phim truyền hình kinh điển cùng tên thủ vai) đứng trước vấn nạn bạo lực học đường thì tỏ vẻ lãnh đạm, máu lạnh đến mức đáng sợ. Đó là một xã hội với những chuẩn mực vô hình mà chỉ cần khác biệt, đó là bất thường, đó là quái vật. Các chi tiết trong phim từ đầu đến cuối được móc nối bằng một sợi chỉ mỏng manh, nhưng nó chằng chịt và kết dính tới nỗi khó có thể bị đứt đoạn để tạo ra một lỗ hổng.
Được coi là "bậc thầy kể chuyện" của điện ảnh Nhật Bản đương đại, đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã giành gần hết danh hiệu quan trọng tại Liên hoan phim Cannes. Phim Nobody Knows ra mắt năm 2004 đem về giải Nam diễn viên xuất sắc cho Yūya Yagira ở tuổi 12 và đến nay vẫn là diễn viên trẻ nhất trong lịch sử Cannes đạt thành tích này. Phim Like Father, Like Son năm 2013 thắng giải Jury Prize (giải thưởng của Ban giám khảo). Shoplifters năm 2018 đưa Kore-eda chạm tới giải danh giá nhất của Cannes - Cành Cọ Vàng. Broker năm ngoái tiếp tục đoạt Nam diễn viên xuất sắc cho Song Kang Ho. Tới Cannes năm nay, Monster được trao giải "Kịch bản hay nhất".
Giống những tác phẩm trước đó như Nobody Knows, Like Father Like Son hay Shoplifters, Monster của đạo diễn Kore-eda cũng khai thác những nghiệt ngã của cuộc sống với vẻ bình thản qua những khung hình đầy chất thơ. Âm nhạc do Ryuichi Sakamoto - nhà soạn nhạc qua đời hồi tháng 4 - thực hiện, dẫn dắt cảm xúc khi êm đềm, lúc kịch tính, bí ẩn. Nhạc phim góp phần tạo nên một bầu không khí như bị bóp nghẹt và chỉ thực sự được giải phóng ở đoạn kết đầy tinh tế.
Monster sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng đối lập, trong đó nổi bật là ngọn lửa và cơn bão. Ngọn lửa bí ẩn, thiêu rụi mọi thứ trở thành đống tro tàn. Cơn bão cuốn phăng mọi thứ bằng sự dữ dội cuồng phong. Nhưng lửa cũng giúp cho những linh hồn được siêu thoát. Và bão tan đi để lại hoang tàn, nhưng cũng có thể là sự tái sinh.
Trong mỗi con người cũng luôn tồn tại những mâu thuẫn, giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ, giữa sức mạnh và sự yếu mềm. Các nhân vật trong Monster cũng vậy. Chẳng ai xấu nhưng cũng chẳng ai tốt. Ai cũng có một vẻ bình thường nhưng đằng sau đó lại là những bất thường để rồi khi bi kịch ập đến, con "quái vật" vô hình dần hiện hữu rõ nét ở từng bản thể.
Ngoài giải Kịch bản hay nhất, Monster còn giành thêm giải Queer Palm tại Liên hoan phim Cannes - dành cho những phim có chủ đề LGBT+. Yếu tố này được khai thác trong tác phẩm nhưng chỉ như một cái cớ để nói về bản chất con người.
"Con người là gì?" - mỗi người có thể sẽ tự hỏi câu này khi xem tới đoạn kết lạc quan nhưng cũng rất mơ hồ của Monster. Đó phải chăng là một giống loài luôn chạy băng băng về tương lai và hạnh phúc?
Nhưng như câu thoại của phim: "Hạnh phúc nếu chỉ có vài người chạm vào được, thì thật là vớ vẩn. Hạnh phúc là thứ mà bất kỳ ai cũng có thể có".
Quái vật có thể tồn tại trong mỗi người nhưng sau cùng, luôn có ánh sáng ở phía cuối đường hầm. Cuộc đời dù có khắc nghiệt và cô độc đến mấy, ai rồi cũng sẽ tìm ra một vầng dương khi cơn bão qua đi.
Nguyên Minh