Hai Phượng do Lê Văn Kiệt đạo diễn, thu hút từ trước khi bấm máy với việc Ngô Thanh Vân tuyên bố lần cuối đóng phim hành động. Trước ngày công chiếu, phim gây chú ý khi phát hành ở Mỹ cùng ngày với Việt Nam.
Tác phẩm mào đầu với đại cảnh giới thiệu vùng quê miền Tây có phần bí hiểm. Nhân vật chính - Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) - xuất hiện với vẻ dữ dằn của kẻ chuyên đòi nợ thuê. Cô là giang hồ từ TP HCM dạt về quê cùng con gái (bé Cát Vy). Bất chấp người dân dị nghị, Hai Phượng âm thầm nuôi con. Một ngày nọ, bé bị bọn giang hồ bắt cóc. Người mẹ đau khổ, điên cuồng đuổi theo bọn xấu, buộc phải quay trở về thế giới tội ác cô từng muốn tránh xa.
Nội dung phim có nét giống Taken (2008), cũng kể về một phụ huynh đơn độc cứu con. Tuy nhiên, nhân vật chính trong phim Hollywood là cựu đặc vụ có nhiều kỹ năng chuyên nghiệp, còn Hai Phượng hành động đơn giản hơn. Điểm chung của hai phim là các pha hành động đan cài từ đầu đến cuối, diễn ra ở nhiều địa điểm.
Hai Phượng giới thiệu ba bối cảnh đánh đấm lớn: vùng quê sông nước miền Tây, thế giới ngầm ở TP HCM và chuyến tàu hỏa ở đoạn cao trào. Các pha hành động của phim đa dạng về phong cách, từ cận chiến, bắn súng đến truy đuổi, đu bám trên thành tàu. Trích đoạn Ngô Thanh Vân cưỡi xe máy, vừa quan sát vừa bám theo chiếc ghe chở con gái được dàn dựng sống động. Cảnh vật vùng quê Nam bộ được lồng ghép khéo vào tình huống này.
Sự chuyển đổi linh hoạt bối cảnh khiến phim không bị nhàm chán với các pha hành động liên tục. Ở nhiều đoạn, chính địa điểm giao chiến tạo ra kịch tính, như ở lối đi nhỏ trong chợ, trên nóc tàu hỏa hay căn nhà chứa đầy vật dụng sửa xe. Nhiều đúp quay tạo sự hồi hộp cần thiết nhờ cách giữ nhịp và cắt cảnh chắc tay. Tác phẩm khốc liệt so với mặt bằng điện ảnh Việt.
Chất hành động của phim khá chân thực, thiên về các đòn thế nhanh, mạnh. Ở cao trào, các nhà làm phim "chốt hạ" bằng chiêu thức đẹp mắt nhất, đúng với công thức Hollywood. Theo Ngô Thanh Vân, đây là cảnh đặc biệt, được ê-kíp sáng tạo, quay bổ sung chứ không có trong kịch bản ban đầu. Người đẹp và bạn diễn mất 17 giờ mới có đúp quay ưng ý.
Ngô Thanh Vân tỏa sáng cả về diễn xuất lẫn đánh đấm trong phim. Sự dẻo dai, lối ra đòn có lực giúp đả nữ điện ảnh Việt duy trì phong độ. Trong khi đó, cá tính mạnh mẽ của Hai Phượng phù hợp lối diễn của cô. Dáng đi xăm xăm, cách gác chân lên ghế, lối nói chuyện của Ngô Thanh Vân toát lên sự ngang ngạnh của nhân vật. Khi vụ bắt cóc diễn ra, nữ diễn viên có ánh mắt thất thần của người mẹ, đan xen thần thái giận dữ của người phụ nữ giang hồ.
Thanh Hoa - sao nữ xuất thân diễn viên đóng thế - tròn vai phản diện. Dù không xuất hiện nhiều, cô ghi dấu ấn nhờ vẻ ngoài hầm hố, nhiều hình xăm, đánh uy lực. Phan Thanh Nhiên - người Việt Nam trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest - hóa thân một cảnh sát mẫn cán, tạo thêm "gia vị" cho nội dung lẫn yếu tố hành động. Khác với Hai Phượng ra đòn dữ dội, nhân vật của anh đánh đấm kiềm chế và thận trọng hơn.
Một nhân vật phụ ấn tượng là của Phạm Anh Khoa. Sao nam vướng scandal năm ngoái tái xuất trong vai gã đàn ông chạm trán Hai Phượng trên hành trình. Vẻ bụi bặm, khuôn mặt góc cạnh và ánh mắt chán chường của anh ra dáng một kẻ giang hồ ẩn mình.
Tập trung vào hành động, Hai Phượng có kịch bản đơn giản, nhiều chỗ giải quyết nút thắt dễ dàng. Hành trình tìm con của nhân vật chính dữ dội về các pha hành động nhưng thiếu sự hấp dẫn về tình tiết. Chuyện cô nhanh chóng tìm được tài liệu về chuyên án quan trọng ở đồn công an còn thiếu thực tế. Cảnh Hai Phượng nói chuyện triết lý với con ngay khi tìm thấy bé khá dài dòng và lạc điệu với diễn biến.
Tác phẩm của Lê Văn Kiệt có cả tông màu nóng và lạnh. Ở đoạn đầu, cảnh vật miền quê được phủ tông vàng ấm áp. Khi Hai Phượng lên thành phố, phim có nhiều cảnh cô đi giữa ánh đèn xanh và đỏ gây ấn tượng thị giác. Tuy nhiên, sắc tím ở cao trào là lựa chọn khá lạ lẫm cho phim thuần chiến đấu.
Hai Phượng có các suất chiếu sớm từ ngày 20/2 trước khi chính thức ra mắt ngày 22/2. Phim dán nhãn C18 (không phù hợp khán giả dưới 18 tuổi).
* Xem thêm: Ngô Thanh Vân vượt trở ngại tuổi tác cho vai hành động
Ân Nguyễn