Bùi Văn Ngợi (Gia Lai) và Phan Thanh Nhiên (Vũng Tàu) hiện là sinh viên Trường Đại học TDTT 2; còn Nguyễn Mậu Linh (Hà Nội) là VĐV quyền anh.
Các nhà leo núi nghiệp dư của Việt Nam nỗ lực chinh phục đỉnh cao Everest. Ảnh: BTC. |
Để có thể cắm lá cờ Việt Nam trên đỉnh núi cao 8.850 m, cả ba người đã phải trải qua một tháng tập luyện, thử thách dần những điều kiện thời tiết khí hậu cực kỳ khắc nghiệt (nhiệt độ có thể thấp tới mức - 30 độ C), cùng với gió, mưa, bão tuyết, địa hình cực kỳ hiểm trở ở những độ cao 5.950 m, 6.500 m, 7.300 m... Trước đó, các vận động viên leo núi nghiệp dư này đã phải vượt 16 đối thủ khác ở vòng loại tuyển chọn. Họ đã trải qua 6 tháng huấn luyện đặc biệt, chinh phục các đỉnh núi khác nhau có độ cao tăng dần như Phanxipang (cao 3.143 m, ở Sapa Việt Nam), đỉnh Kinabaru ( 4.095m, Malaysia), Kilimanjaro (5.895m, Tanzania - châu Phi) và đỉnh Island Peak (6.160 m, Nepal).
Sáng 18/5, Bùi Văn Ngợi, Thanh Nhiên và Mậu Linh bắt đầu bước vào chặng cuối cùng của cuộc chinh phục Everest, hành trình được cho là gian nan, nguy hiểm nhất. Đó là vượt qua thác băng Khumbu. Trong khoảng 5 giờ, cả ba đã khuất phục thác băng lạnh giá này.
Hơn hai ngày sau, họ tiếp tục thử thách dốc băng thẳng đứng lên đến 80 - 90 độ để đặt chân lên độ cao 7.300 mét. Sau một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, độ cao 7.925 mét đã được cả ba "đánh bại" trong khoảng hơn 4 giờ.
Ngày 21/5, mất hơn 8 giờ vượt qua gió tuyết, nhiệt độ cắt da, nơi lượng oxy trong không khí hạ đến mức chỉ còn khoảng 30%, đúng 6h sáng giờ Nepal (7h15 giờ Hà Nội), Bùi Văn Ngợi (25 tuổi) đã đặt bước chân đầu tiên lên đến độ cao 8.850 mét để cấm lá cờ Việt Nam tung bay trên "Nóc nhà của thế giới". Sau đó hai giờ, Phan Thanh Nhiên (23 tuổi) và Nguyễn Mậu Linh (31 tuổi) cũng chiến thắng được đỉnh núi hùng vĩ.
Cùng nhau vượt những dốc băng thẳng đứng. Ảnh: BTC. |
Như vậy, đây là 3 người Việt Nam đầu tiên ghi tên vào danh sách của hơn 2.000 người trên thế giới chiến thắng đỉnh núi huyền thoại, trong vòng 55 năm qua.
Xuất phát tại TP HCM ngày 6/4, đoàn Việt Nam có 4 vận động viên. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo, ngày 30/4 Lê Bá Công đã xin dừng chân sau hai chặng tập huấn ở thác băng Khumbu và dừng lại ở độ cao 6.500 mét.
Đây là hoạt động do Đài Truyền Hình TP HCM (HTV) phối hợp cùng Công ty Lasta tổ chức, cùng sự đồng hành của nhãn hàng Number One.
Đỉnh Everest (hay còn gọi là Chomolungma) cao 8.850 m, thuộc dãy Hymalaya. Đường lên đỉnh nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Từ năm 1921, đã có đoàn thám hiểm người Anh muốn chinh phục ngọn núi này nhưng không thành công. - 11h30 sáng 29/5/1953, Edmund Hillary (người New Zealand) và Tenzing Norgay (người Sherpa, Nepal) đã trở thành hai người đầu tiên ghi tên vào lịch sử khi chinh phục thành công đỉnh núi huyền thoại Everest. - Đến nay, đã có hơn 2.000 nhà leo núi từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi tên mình vào danh sách những người chiến thắng được "nóc nhà thế giới". - Năm 1975, Junko Tabei (người Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục thành công Everest. - Năm 2001, Erik Weihenmayer (người Mỹ) trở thành người mù đầu tiên lên đỉnh. - Ở Đông Nam Á, đến nay, chỉ mới có 3 vận động viên nữ người Philippines gồm Noelle Wenceslao, Karina Dayondon và Janet Belarmino chinh phục thành công đỉnh Everest vào ngày 17/5/2007. |
An Nhơn