Tác phẩm của đạo diễn Fatih Akin tranh giải cao nhất (Gấu Vàng) ở liên hoan lần 69. Từng chiến thắng năm 2004 với Head-On, đạo diễn người Đức 45 tuổi được giới phê bình và người hâm mộ chờ đợi. Poster quảng bá phim của Akin áp đảo trên các đại lộ lớn ở Berlin. Chín suất chiếu The Golden Glove (Găng tay vàng) ở liên hoan đều cháy vé. Ban tổ chức phải bổ sung thêm suất chiếu muộn cho báo giới bên cạnh bốn suất chính vì số lượng đăng ký tăng đột biến.
Phim dài 110 phút lấy bối cảnh ở Hamburg (Đức) thập niên 1970, xoay quanh người đàn ông tên Fritz Honka - một nhân viên quét dọn công trường và là khách hàng thân thiết của quán bar Găng Tay Vàng. Anh ta sống trong căn hộ áp mái chật hẹp tại St. Pauli - quận đèn đỏ với gái mại dâm, các con nghiện rượu chè, cờ bạc. Do ngoại hình xấu xí - đôi mắt lác giấu sau cặp kính gọng sừng dày, chiếc mũi vẹo, cặp môi sứt, lưng gù và chân tay lở loét, Honka bị các cô gái xa lánh. Cô đơn, mặc cảm vì không thể sống một cuộc đời bình thường, anh tiếp cận các phụ nữ lớn tuổi, nghiện rượu để giải sầu. Sau những hoạt động tình dục bạo lực, anh ta đánh đập họ đến chết rồi giấu thi thể. Một ngày trên phố, Honka tình cờ gặp một nữ sinh trung học khiến anh ta nảy sinh tà ý cưỡng đoạt.
Do mật độ quá dày đặc của các cảnh nhạy cảm cùng ngôn ngữ trần trụi, The Golden Glove chia rẽ giới phê bình ở liên hoan, đặc biệt là nữ giới. Nhiều cây viết nữ trong buổi công chiếu cho báo chí phản ứng mạnh, cho rằng bộ phim xúc phạm, xem thường phụ nữ và rời khỏi rạp. Peter Kling (cây bút người Đức) và David Zalan (cây bút từ Latvia) cùng nhận xét tác phẩm "quá tàn ác, hung bạo". Nhiều nhà phê bình của Guardian, Variety, Indiewire đánh giá bộ phim "kinh tởm và vô nghĩa". Trong khi, các chuyên gia từ Canada, Mexico và tờ Tagesspiegel của Đức đề cao sự can đảm của ê-kíp và nhận định đây là một tác phẩm tăm tối thành công.
Đạo diễn Fatih Akin thổ lộ: "Tôi không muốn làm ra những bộ phim khiến cho tất cả mọi người đều muốn tới rạp. The Golden Glove không hề ca tụng bạo lực tình dục, mà chỉ khắc họa nó".
Dựa trên các tình tiết có thật từ vụ án về kẻ giết người hàng loạt Fritz Honka, cùng cuốn tiểu thuyết tội phạm của nhà văn Đức Heinz Strunk năm 2016, đạo diễn Fatih Akin đã dựng lên chân dung một kẻ sát nhân bất ổn tâm lý. Anh mang tới cảm giác ngột ngạt khó thở cho người xem từ đầu đến cuối phim bằng những góc máy đặc tả trực diện cảnh nhạy cảm, âm thanh hiện trường chân thực.
Bối cảnh hẹp của phim từ không gian quán bar, đường phố tới căn gác mái với giường ngủ, bàn ghế gỗ, gác bếp và hàng trăm bức ảnh phụ nữ khoả thân trên tường được ê-kíp dàn dựng tỉ mỉ. Những vật dụng phổ biến thập niên 1970 và bộ sưu tập búp bê của nhân vật Fritz Honka được sắp đặt với bố cục và màu sắc mang âm hưởng những bức tranh thời kỳ Baroque. Trong cảnh đặc tả các nhân vật nữ với thân hình đẫy đà khỏa thân, đạo diễn Fatih Akin và quay phim Rainer Klausmann tạo các hình ảnh gợi nhớ loạt tranh kinh điển của danh họa Rubens thế kỷ 17, hay tuyệt tác Benefits Supervisor Sleeping của Lucian Freud năm 1995.
Âm nhạc làm tăng chất hoài niệm và sự tương phản ấn tượng. Tuyển tập các bản ballad kinh điển thập niên 1970 tại Đức với giọng ca Heintje, Roy Black, Freddy Quinn, Adamo được lồng ghép uyển chuyển trong các cảnh kinh hoàng.
Hóa thân kẻ giết người hàng loạt Fritz Honka là nam diễn viên 22 tuổi Jonas Dassler - người từng gây ấn tượng tại LHP Berlin 2018 trong phim The Silent Revolution. Jonas sử dụng ngôn ngữ hình thể lột tả nội tâm của nhân vật Fritz Honka - từ dáng đi lòng khòng, điệu bộ chắp tay sau lưng, đến biểu cảm ánh mắt man dại qua cặp kính dày cộp. Trong thời gian quay phim, diễn viên phải trải qua ba tiếng hóa trang và sau đó mất một tiếng để tẩy trang.
Jonas Dassler cho biết anh nghiên cứu mọi thông tin về Fritz Honka, trò chuyện với người dân nơi tên sát nhân sinh sống để hóa thân. Tuy nhiên nhằm tránh bị nhiễu thông tin, anh lọc ra điểm mấu chốt nhất về nhân vật để phát triển diễn tiến tâm lý phù hợp. Theo tài tử, ngay cả khi Fritz Honka là một con quái vật, anh ta vẫn có những khoảnh khắc mong muốn tìm kiếm cuộc sống bình thường. Trong buổi họp báo ở Berlin, Dassler cũng khẳng định nhanh chóng thoát vai khi đóng máy, không để sự bất ổn của nhân vật ảnh hưởng đến chính mình.
Bên cạnh Jonas Dassler, phim quy tụ dàn diễn viên nữ gạo cội của điện ảnh Đức, Áo để tung hứng trong các vai gái điếm già nghiện rượu, như Margarethe Tiesel, Martina Eitner-Acheampong, Jessica Kosmalla.
Liên hoan phim Berlin diễn ra từ ngày 7/2 đến 17/2. Việt Nam có đại diện là tác phẩm Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân ở hạng mục phim ngắn.
Hoàng Phương (từ Berlin)