Sống chung với mẹ chồng phát sóng từ ngày 5/4. Phim khắc họa cuộc sống của Minh Vân (Bảo Thanh) khi về làm dâu nhà bà Phương (Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương). Tính cách tai quái của bà mẹ chồng cùng sự nhu nhược của chồng Vân khiến cuộc sống làm dâu của cô dần trở thành địa ngục.
* Trích đoạn phim "Sống chung với mẹ chồng"
Đến ngày 10/4, tập một bộ phim đạt 3,7 triệu lượt xem trên Youtube. Hai tập đầu của phim đều lọt vào top "Thịnh hành" (Trending) của kênh này. Đây là mục thống kê các video có nhiều lượt xem, lượng bình luận tương tác cao và gây chú ý thời gian gần đây.
Trước đó, hồi cuối tháng ba, trích đoạn một số cảnh phim được tung ra trước ngày phim phát sóng đã gây sốt trên mạng. Cảnh mẹ chồng rình rập đêm tân hôn, không cho con dâu ngồi lên người con trai hay sỗ sàng nhắc nhở con dâu chuyện phòng the được khán giả bàn luận sôi nổi. Trên mạng xã hội, khán giả chia nhau thành nhiều phe ủng hộ - phản đối từng nhân vật. Mỗi nội dung trên fanpage "Sống chung với mẹ chồng" đều nhận được vài trăm bình luận.
Trước sức hút của phim, nhà sản xuất đã quyết định tăng thời lượng phát sóng từ hai lên ba tập một tuần.
Sống chung với mẹ chồng gây sốt nhờ khai thác triệt để mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Diễn viên Bảo Thanh nhận định chủ đề này cũ nhưng đánh trúng tâm lý số đông, trong đó gồm các cô gái chưa chồng, nàng dâu mới về nhà chồng và những người đã chịu cảnh "sống chung với mẹ chồng" bao năm.
Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nảy sinh từ những sinh hoạt thường ngày như nếp ăn uống, nói năng, ngủ nghỉ... Khán giả bày tỏ họ nhìn thấy một phần hình ảnh gia đình mình trong đó. Trên nhiều diễn đàn, các chị em phụ nữ được dịp trải lòng về những câu chuyện oái oăm khi làm dâu.
* Mẹ chồng quát tháo con dâu vì để con trai rửa bát
Cách xây dựng tính cách rõ nét của bộ ba nhân vật chính gồm bà Phương (mẹ chồng), Thanh (con trai) và Vân (con dâu) tạo nên sức hút của phim. Bà Phương yêu con đến mức cực đoan, luôn chăm chút, bảo vệ con trai nhưng lại trù dập con dâu. Minh Vân là cô gái xinh đẹp được nuông chiều từ bé. Khi kết hôn, cách đối xử của bà Phương khiến cô gái “trẻ người non dạ” sốc, hụt hẫng.
* Mẹ chồng nghi con dâu lấy trộm ví tiền
Khi phim chưa phát sóng, khán giả "ném đá" bà Phương mạnh mẽ, tuy nhiên, sau ba tập đầu tiên, một số người cũng bày tỏ cô con dâu Minh Vân cư xử không khéo léo, thường xuyên khóc lóc, trợn mắt với mẹ chồng.
Nhưng nhân vật Thanh mới là người bị lên án mạnh mẽ nhất. Thanh chuyên nịnh hót mẹ. Anh ta thường vô tình khắc sâu nỗi bất hòa mẹ chồng - nàng dâu. Chẳng hạn, khi không muốn mẹ can thiệp vào chuyện đám cưới, anh ta thản nhiên nói với bà Phương: "Vân không thích như vậy đâu mẹ". Trước mâu thuẫn của mẹ và vợ, Thanh chỉ biết khuyên Vân nhẫn nhịn, cam chịu.
Chàng công tử là nguồn cảm hứng cho nhiều câu châm ngôn trên mạng như: “Mẹ chồng không có lỗi, lỗi tại lấy nhầm chồng”.
NSND Lan Hương, Bảo Thanh, Anh Dũng được nhiều khán giả khen ngợi khi hóa thân vào các nhân vật chính trong phim. Đặc biệt, NSND Lan Hương khiến người xem thích thú khi rũ bỏ hình tượng dịu dàng để vào vai bà mẹ chồng tai quái. Nữ nghệ sĩ thừa nhận sau khi phim đóng máy, chị không dám xem lại vì sợ các cảnh bà Phương quát tháo, nạt nộ con dâu.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết anh hoàn toàn hài lòng với dàn diễn viên Sống chung với mẹ chồng. Các nghệ sĩ đều phải đóng những nhân vật “trái chất”, tuy nhiên, họ đều nhập vai xuất sắc. NSND Lan Hương (vai bà Phương) nhận định phim không có nhân vật phản diện và chính diện bởi mỗi người đều có cái đúng, cái sai riêng. "Bi kịch xảy ra bởi không ai biết nhẫn nhịn và nhìn vào lỗi lầm của bản thân", NSND Lan Hương nói.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ: "Mẹ chồng trong phim là tập hợp của vô vàn bà mẹ chồng trong xã hội. Khi làm kịch bản này cùng với nhóm biên kịch, tôi đã trao đổi với mọi người rằng ngoài những xung đột chính thường xảy ra, chúng ta cũng nên đưa hơi thở cuộc sống của ngày hôm nay vào phim. Điều này sẽ giúp phim tạo nên sự gần gũi hơn và thuyết phục được khán giả".
Dù xoáy vào mâu thuẫn và bất hòa, Sống chung với mẹ chồng gửi gắm thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc gia đình. Đó là lý do khác khiến bộ phim được lòng khán giả Việt.
Diễn viên Danh Tùng (vai Tùng) chia sẻ bộ phim nhấn mạnh đến vai trò của đàn ông trong tổ ấm: “Đó là người duy nhất có thể giải quyết mọi bất hòa và cân bằng mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu”.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa nhấn mạnh bộ phim của anh mang đến cái nhìn thực tế về cuộc sống trước và sau hôn nhân, từ đó, khán giả có thể thấy rút ra kinh nghiệm để tránh xung đột với các thành viên khác trong gia đình. Anh khẳng định Sống chung với mẹ chồng không khiến người xem hoang mang về mất niềm tin vào cuộc sống hôn nhân.
* Cảnh bà Phương phá hỏng màn ân ái của vợ chồng trẻ
Tuy nhiên, phim cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều về tính thực tế trong xã hội hiện đại. Khán giả Phương Anh (Hà Nội) cho rằng các nhà làm phim Sống chung với mẹ chồng đã "cường điệu hóa" mối quan hệ này, vì vậy, phim có nhiều tình tiết khá kịch và giống phim hài. Khán giả tên Thu Giang nhận xét phim góp nhặt nhiều mẩu chuyện trên các diễn đàn dành cho phụ nữ và “thêm mắm thêm muối”. Một bộ phận khán giả nhận định ngày nay, đa số mẹ chồng đều khá thoải mái chứ không ghê gớm với con dâu như trên phim.
Fan của Sống chung với mẹ chồng cho rằng phim có yếu tố hư cấu là điều hiển nhiên. Việc cường điệu hóa các tình huống nhằm truyền tải thông điệp của đạo diễn. Nhà văn trẻ Tuệ Nghi cũng nhận xét phim đề cập đến một đề tài thực tế nhưng không có nghĩa là câu chuyện đó đúng với mọi gia đình. Những cuộc tranh luận không hồi kết này khiến Sống chung với mẹ chồng tiếp tục là đề tài nóng trên mạng xã hội.
Vĩ Thanh