- Mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt để chia tay NSND Lan Hương tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện này có ý nghĩa gì với chị?
- Đó thực ra là đêm chia tay một nghệ sĩ trước khi về hưu chứ không phải từ giã sân khấu kịch. Nó là ngã rẽ khác, đến tuổi thì nghỉ chế độ, còn tôi vẫn tiếp tục với sân khấu. Nhiều vở dang dở tôi diễn tiếp nhưng không với vai trò diễn viên trong biên chế của Nhà hát Kịch. Sắp tới, nếu có chương trình tôi vẫn tham gia, chỉ có điều mình xa ánh đèn sân khấu hơn, làm ít hơn chứ không phải làm chính như trước đây.
Một người ngày nào cũng đi làm giờ bỗng nhiên nghỉ sẽ cảm thấy bâng khuâng, thậm chí stress một chút. Đặc biệt là nghệ sĩ phải rời xa ánh đèn sân khấu. Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng đến hôm đó vẫn rất xúc động vì không ngờ có nhiều khán giả yêu thương mình đến vậy, nhiều người đến với tình cảm chân tình như thế.
- Trong đêm diễn đó, có những khoảnh khắc chị đã rơi nước mắt. Cảm xúc đó dành cho những điều gì?
- Đó là vì 38 năm gắn bó với sân khấu. Từ khi là cô bé mới tốt nghiệp phổ thông, tôi vào nghề ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi tốt nghiệp lớp diễn viên Nhà hát Kịch, tôi cũng biểu diễn ở đấy. Khi về nghỉ chế độ, Nhà hát Kịch tri ân bằng cách tổ chức cho tôi đêm diễn tại Nhà hát Lớn. Điều đó rất xúc động.
Thứ hai, đó là vì 38 năm sống, làm việc ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi là lớp diễn viên khóa một. Từ Nhà hát mới có một nghệ sĩ Lan Hương như ngày hôm nay. Từ Nhà hát, tôi có cái nghề, học được nghệ thuật diễn xuất. Đó là cái nôi nghề nghiệp của tôi. Chưa kể sống, làm việc với các đồng nghiệp qua bao nhiêu năm, nhiều thời kỳ, có rất nhiều cảm xúc.
Trong đêm đó tôi diễn vở Tai biến. Đó là vở diễn cũ và không phải vai chính nhưng tôi được đứng chung sân khấu với nhiều diễn viên - những người đã cùng tôi chinh chiến lâu năm.
- Người thân, bạn bè đón nhận việc chị nghỉ hưu ra sao?
- Cả nhà ủng hộ tôi rất nhiều. Trong đêm diễn, mẹ đẻ tôi 84 tuổi cũng đi xem. Anh chị chồng ngoài 70 cũng đến và rất quan tâm. Bên nội ngoại đều đông đủ, vui vẻ và chứng tỏ rằng họ không làm nghề nhưng rất hiểu tâm lý của người sắp xa sân khấu. Mình phải cảm ơn gia đình rất nhiều.
Cô giáo chủ nhiệm lớp diễn viên của tôi đã ngoài 80 tuổi cũng đến, rất xúc động. Bạn bè sau đêm diễn còn ở lại tới hơn 1h sáng hát hò, cười đùa.
Sau đêm, tôi chia sẻ trên trang cá nhân rằng tôi có cảm giác như mình vừa sống một giấc mơ thần tiên, có bao nhiêu là hoa xung quanh và mọi người ai cũng đẹp đẽ, ai cũng cười và yêu thương mình. Một giấc mơ ở xứ sở chỉ có yêu thương thôi. Tôi ước mong tất cả nghệ sĩ sau khi nghỉ hưu cũng được sống một giấc mơ như thế. Nó vừa là phần thưởng xứng đáng cho sự nghiệp và cũng là cơ hội để họ nói lời cảm ơn mọi người.
- Kế hoạch của chị dành cho gia đình thế nào?
- Tất nhiên, thời gian dành cho gia đình sẽ nhiều hơn. Thực sự tôi có một gia đình êm ấm, đoàn kết. Con dâu tôi rất ngoan, luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho tôi làm việc, còn tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi thì chăm cháu để con được nghỉ ngơi. Vì thế tôi không thấy có gì phức tạp, vướng bận trong cuộc sống. Nếu có điều kiện, các đạo diễn mời đóng phim hay sân khấu tôi vẫn tham gia.
Bây giờ tôi mới có một cháu nội nhưng hai tháng nữa sẽ có thêm cháu. Gia đình nào cũng sẽ bận hơn khi có thêm thành viên, nhưng nếu được chia sẻ, đoàn kết thì không có vấn đề gì cả. Tôi vẫn thường nói, sức mạnh tập thể rất quan trọng và tôi đã biết tận dụng nó trong gia đình mình (cười).
- Dấu ấn của chồng - NSƯT Đỗ Kỷ - trong sự nghiệp và cuộc sống của chị thế nào?
- Chúng tôi gặp nhau ở lớp diễn viên khóa một của Nhà hát Kịch. Quen nhau từ lúc bước chân vào Nhà hát đến bây giờ.
Anh ấy là nguồn động lực rất lớn và giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc đời. Nếu không có anh thì không có một Lan Hương "Bông" như hôm nay. Đến tận đêm diễn chia tay ấy vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của chồng. Anh ấy đã lo tất cả từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất, từ hậu cần đến tiếp khách. Mà không chỉ đêm đó, hầu như trong cả cuộc đời mình, khi có chồng tôi hoàn toàn yên tâm. Khi đi công tác xa, chưa bao giờ tôi phải lo cái gì cho ông bà, con cái ở nhà cả.
Có chồng là yên tâm lắm, nên nhiều khi cứ ỷ lại. Lắm lúc đi làm mọi người thắc mắc sao đôi này đi đâu cũng có nhau. Thường mỗi người đi làm một cơ quan, mỗi người một đường nhưng có điều kiện ông ấy đi sớm thì chở mình đi. Thực ra không phải tôi không biết đi xe, mà hai người cứ thích đưa nhau đi cùng thôi. Nó thành thói quen suốt 38 năm nay và tôi hoàn toàn yên tâm khi ở bên anh ấy.
- Trong 38 năm gắn bó với sân khấu kịch, chị tự hào và tiếc nuối điều gì?
- Mình luôn tự hào là nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi có bề dày lịch sử, cái nôi của sân khấu kịch. Sân khấu cho tôi những kỹ thuật diễn xuất cơ bản để sang bên điện ảnh, truyền hình tôi phát huy và được khán giả yêu thương, biết đến nhiều hơn. Thế nhưng, cốt lõi thì tôi là vẫn là nghệ sĩ sân khấu.
Tôi cũng tiếc rất nhiều, bởi người diễn viên đôi khi tham vọng, ai cũng mong muốn được đóng những vai khó, kinh điển. Nhiều vở tâm lý rất hay của những nhà viết kịch lớn như Shakespeare, Moliere..., tôi thích nhưng chưa được đóng. Tuy nhiên, thời gian không cho phép. Nếu không làm thì sau này đi thưởng thức các bạn trẻ làm cũng được.
- Nhiều người chọn sau khi về hưu truyền nghề cho lớp trẻ. Chị thì sao?
- Truyền lại nghề là điều rất tốt. Được vào trường nghệ thuật để kèm cặp các lớp học sinh trẻ cũng là mong muốn của tôi. Hiện chưa có điều kiện làm việc đó thì tôi vẫn đi diễn, quay phim, lồng tiếng. Trong quá trình làm việc với các bạn trẻ, tôi tranh thủ kèm cặp các bạn một cách tự nguyện, theo sát và nhắc nhở những gì các bạn chưa hiểu. Từ trước tới nay tôi vẫn thường làm như thế.
- Từ trải nghiệm của mình, chị chia sẻ điều gì với lớp trẻ đang theo đuổi nghệ thuật?
- Sự học hỏi không bao giờ dừng lại. Đến giờ phút này tôi vẫn luôn luôn phải học hỏi. Cái đẹp sẽ tồn tại mãi mãi, sự chân thực sẽ đi vào lòng người.
Anh Sa