Có thể nói rằng, trừ những người thường ngày không tiếp xúc với sách vở, còn lại ở Việt Nam không ai không biết tới nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tên tuổi của anh được công chúng biết đến qua series truyện dành cho tuổi mới lớn Kính vạn hoa. Bộ sách này gồm 45 tập được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2002, và 9 tập tiếp theo được viết từ năm 2007 đến năm 2009, tổng cộng là 54 tập đã được xuất bản. Nếu tính thêm cả những tập thơ và tuyển tập các bài viết thì tổng số tác phẩm được xuất bản của anh cho tới nay đã vượt quá con số 100.
Năng lực sáng tác dồi dào đó quả thực khiến người ta phải ồ lên thán phục, nhưng vẫn chưa là gì so với doanh số mà các tác phẩm đó mang lại. Chỉ riêng series Kính vạn hoa đã vượt mức một triệu bản in, kỷ lục best-seller trong lịch sử ngành xuất bản Việt Nam. Không những thế, các tác phẩm của anh còn được dựng thành phim hoặc chuyển thể thành truyện tranh, tạo thành một vòng tuần hoàn và nhờ đó càng làm cho sách bán chạy hơn.
Nói một cách đơn giản thì sức hấp dẫn của những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh nằm ở chỗ, dưới góc nhìn của những độc giả đang ở lứa tuổi giàu cảm xúc nhất trong cuộc đời, anh đã vẽ nên một bức tranh sống động và chân thực về cuộc sống thường ngày với những mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô, trường lớp, những buồn vui, trăn trở của những bạn trẻ bây giờ.
Nếu Kính vạn hoa là tiêu biểu cho những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh ở thời kì đầu, thì giai đoạn sau này người ta không thể không nhắc tới Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm đã được trao “Giải thưởng văn học Đông Nam Á” năm 2010.
Tác phẩm là một câu chuyện về một cậu bé mới tám tuổi nhưng đã nhận thấy cuộc đời sao mà chán thế, cậu cùng những người bạn của mình dần dần thâm nhập và khám phá những sự việc hàng ngày trong thế giới của người lớn theo những suy nghĩ và quy luật của riêng mình, từ đó sáng tạo ra những trò chơi vô cùng thú vị. Tác phẩm lấp lánh nét duyên dáng, sự hài hước dí dỏm trong cách kể chuyện và một sự tươi trẻ dường không bao giờ mất đi ở nhà văn đã trải qua gần 60 cái xuân xanh.
Xã hội Việt Nam vốn coi trọng truyền thống trên bảo dưới nghe. Tuy nhiên, nếu thay đổi cách nhìn một chút thôi thì ta sẽ khám phá ra được một thế giới hoàn toàn khác. Phải chăng đó là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm thông qua Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ?