Từng gặp nhau nhiều lần, cuộc hội ngộ mới đây của Kato Sakae và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn mang nhiều cảm xúc. Dù còn khoảng cách về ngôn ngữ, cả hai từ lâu xem nhau như bạn bè thân thiết nhờ chiếc cầu nối là văn chương. Lần nào ghé quán Đo Đo của nhà văn ở TP HCM, Kato cũng đòi anh phải đãi mình những món thơm thảo hồn quê mà chị từng đọc được trong sách Nguyễn Nhật Ánh. Lần là món canh hoa thiên lý, lần khác, chị muốn xem trái thị "mặt mũi ra làm sao", rồi còn bắt nhà văn ăn xong bóc vỏ quả thị dán lên tường thành hình bông hoa y như anh từng miêu tả trong Mắt biếc.
Nguyễn Nhật Ánh còn nhớ mãi chuyện Kato xin anh quả thị mang về Nhật để biểu diễn màn "ăn xong, bóc vỏ" cho mọi người xem. "Cả chục quả thị được chị gói kỹ nhiều lớp, nhét dưới đáy vali. Nhưng vì quả quá thơm, nên chị luôn nghe mùi của nó thoang thoảng. Ra đến sân bay, Kato vẫn cứ nơm nớp sợ hải quan phát hiện, sẽ tịch thu", nhà văn kể.
Khoảng 10 năm trước, thông qua Kato Sakae - dịch giả nổi tiếng về văn học Việt Nam đương đại ở xứ mặt trời mọc - Nguyễn Nhật Ánh ký hợp đồng với nhà xuất bản Terrainc để dịch Mắt biếc sang tiếng Nhật. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm của anh xuất ngoại. Mối duyên văn chương hình thành nên một mối duyên bạn bè, tuy không phải là thường xuyên gặp mặt nhưng mỗi lần hội ngộ đều để lại những kỷ niệm vui.
Điều khiến Kato rất vui khi quay lại quán Đo Đo lần này là bên cạnh quán còn có tiệm sách nhỏ mang tên Kính Vạn Hoa của nhà văn. Dịch giả Kato dành thời gian ghé qua tiệm sách, mua rất nhiều huy hiệu, postcard, sổ tay. Chị rất thích thú khi thấy một chiếc bookmark nam châm in hình bìa cuốn Mắt biếc. Nữ dịch giả còn mua quyển sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ để mang về Nhật đọc.
"Có năm thời tiết TP HCM quá nóng, tôi mời Kato đi ăn ở nhà hàng có máy lạnh, sợ chị nóng chịu không nổi. Nhưng Kato kiên quyết từ chối. Chị ấy cứ đòi đến quán chợ Đo Đo ngồi. Bây giờ, chị xem nơi này như như chốn thân thuộc mỗi khi ghé Sài Gòn", nhà văn chia sẻ về người bạn Nhật.
Thất Sơn