Nhà nghệ sĩ Lê Mai nằm trong ngõ, trên con phố nhiều cây xanh và đẹp bậc nhất Hà Nội. Hẹn bà 9h sáng, đến nơi đã thấy bà đi tới đi lui trông ngóng. Bà dẫn vào, chỉ nhà con gái Lê Khanh ở ngay bên cạnh, "khoét tường là sang nhà cô Khanh đấy".
Nơi ở của nghệ sĩ Lê Mai rộng chừng hơn 20 m2, đủ gói cả tuổi già gọn nhẹ của bà. Gian trong đặt vừa giường ngủ và một chiếc tủ nhỏ đựng quần áo. Bên ngoài là nơi bà tiếp khách, gọn gàng, ngăn nắp, thoảng hương từ lọ hồng thơm và những bông cúc vàng vừa cắm. "Nhà bà lúc nào cũng phải có hoa tươi. Mua thành quen đến nỗi sáng nào cô bán hoa không thấy bà thì cũng để vào cửa cho", bà nói.
Trong căn phòng, những bức hình treo kín tường như kỷ niệm cuộc đời thức ngủ cùng bà sáng tối. Đây bức ảnh chụp cùng nghệ sĩ Đức Lưu đóng Thị Nở và nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda thời trẻ. Đây ảnh bà đóng vai người ăn mày, kia ảnh đóng chị nông dân, kề đó là bức hình đóng Kate Keller - nhân vật trong kiệt tác Con tôi cả của Arthur Miller mà sau đó hơn 40 năm, chính con gái Lê Khanh của bà lại đảm nhận. Câu chuyện bắt đầu từ những bức hình - bởi "bà Mai thích khoe hình lắm" như lời bà nói - mở dần lối về thuở đầu tiên Lê Mai đến với nghệ thuật, từ đó mở ra hành trình không ít đắng cay.
Bố bà là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh nổi danh đất Hải Phòng. Bà từng nghe lời bố lên Hà Nội thi vào trường múa nhưng sợ lộ một bên tay gẫy nên bỏ trốn. Năm 1955, giải phóng Hải Phòng, bà vào đội văn nghệ của Trần Hoàn đi hát múa tuyên truyền. Đội giải tán, bà lại lên Hà Nội thi tuyển và trúng vào Đoàn kịch Trung ương. Năm đó Lê Mai 18 tuổi.
Bà làm được hai năm thì bị cắt giảm biên chế do ông cụ Lê Đại Thanh được quy kết có liên quan tới phong trào Nhân văn - Giai phẩm. "Tháng sau đẻ Lê Vân thì tháng này bị đuổi", bà nhớ.
"Ấy thế nhưng tử vi nói rằng cái số tôi cứ người này đánh thì có người khác đỡ. Về một cái là ông Nguyễn Bắc, giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, mời đến. Ông ấy bảo tôi về làm diễn viên cho Đoàn kịch Hà Nội. Ngày 1/1/1961, ngày đẹp nhất trong năm, tôi bế Lê Vân hai tuổi đến đoàn nhận việc", Lê Mai kể tiếp.
Gần 20 năm, nghệ sĩ Lê Mai gắn bó với Đoàn kịch Hà Nội, đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau. Sau ba lần sinh nở, sức khỏe bà yếu đi, chỉ còn nặng 34 kg. Với lý do mất sức không làm diễn viên được, cơ quan đề nghị bà làm thủ quỹ. "Thôi cũng đành nước mắt chảy ra và gật đầu, không nói nên lời. Nếu đi diễn thì có tiền bồi dưỡng thanh sắc, thêm cân bơ, vài hộp sữa hàng tháng. Sang giữ quỹ là không có gì, nhưng dù sao vẫn còn có lương, có công việc".
Từ một diễn viên, Lê Mai chuyển sang thu tiền diễn hàng đêm rồi sáng mai lại đạp xe mang ra ngân hàng ở Bờ Hồ gửi, hay tháng tháng đi rút tiền về phát lương cho mọi người. Về nhà bà tranh thủ làm việc kiếm thêm thu nhập. Nghệ sĩ Lê Mai kể những câu chuyện bi hài: "Tôi nhận đồ ở chợ Đồng Xuân về may để kiếm thêm. Cái bếp ngày ấy nó thấp, trời lại nắng, phải đội khăn ướt lên đầu rồi đội thêm cái nón để chống nóng mà ngồi làm. Thời ấy chống buôn bán, phe phẩy, có lần tôi đèo bọc to sau xe đạp đi giả hàng, công an gọi lại khám, định tịch thu. Khi mở ra thì thấy có một tờ giấy. Lúc sau thấy hai anh công an đứng cười, bảo giấy này là giấy mời bà đi đóng phim, thế là được tha. Lần khác lại bị ban quản lý chợ Đồng Xuân bắt. Lúc bấy giờ tôi mới diễn, bảo khổ quá ngày xưa chị Dậu còn có chó đi bán, tôi làm gì có chó. Người ta ra hỏi thì hay mình là mẹ cô Lê Vân đóng chị Dậu, thế là được cho về".
Làm thủ quỹ được hai năm thì Lê Mai làm đơn xin nghỉ. Đó là đầu những năm 1980, bà về nhà với đồng lương ít ỏi, mất sức, "cứ nghĩ là mình ốm chết".
Cuộc đời Lê Mai tưởng rơi xuống đáy lại một lần nữa nhưng có người kéo lên. Bà kể do gầy yếu nên được đạo diễn Hà Văn Trọng mời đi đóng vai ăn mày trong phim Đứa con người hàng xóm. "Sợ mình gầy xấu nên tôi mặc cái áo len độn vào trong. Ông Trọng phát hiện và bảo: 'Thiếu gì người béo, tôi không lấy mà lại lấy bà, bà cởi ngay cái áo len ra'. Lúc bấy giờ mới biết đóng vai ăn mày thì cần phải thế".
Nhờ đóng phim, cuộc sống bớt khó khăn. Tinh thần thoải mái, bà tăng được 20 kg. Lê Mai nói trời thương nên từ đó tới nay bà vẫn liên tục được mời đi diễn. Lương chỉ 1,6 triệu đồng nhưng mỗi lần đi đóng phim, tiểu phẩm... bà lại được trả một triệu một ngày. "Mừng nhất là không phải xin tiền con. Ngược lại còn cho các cháu thoải mái. Ví dụ cô Vy vừa rồi về, bà cầm 10 triệu bảo cho ba đứa nhà con đi mua quà, thằng nhớn nó không về thì bảo cô Vy đi mua áo cầm về cho nó, bảo bà ngoại gửi", nghệ sĩ kể, niềm vui ánh lên trong mắt.
Không oán trách, tiếc nuối điều gì
Cuộc đời có phận số, Lê Mai áp dụng quan niệm đó trong cả sự nghiệp lẫn đời tư. Bà và NSND Trần Tiến quen nhau khi cùng ở Đoàn kịch Trung ương. Sau lần tỏ tỉnh bằng cách viết lên cọng rơm, luồn qua khe cửa phòng họp, họ tiếp tục trốn đoàn ra hẹn hò ở hồ Hale mỗi tối. Lấy nhau năm 1958, họ ly hôn năm 1971.
"Lúc lấy nhau tưởng chết vì nhau đấy. Về ở rồi phát sinh nhiều chuyện, thành ra cứ hay cãi nhau. Ông ấy làm đơn ly dị, tôi ký luôn. Tính cách tôi nó mạnh chỗ đấy, không chịu thua ai cả. Ký xong thì tự tay đưa ra tòa. Ly hôn xong, tôi xuống cái bếp 6 m2 ở. Buổi tối, xe đạp của các con xếp đầy trong bếp, tôi còn đùa khi ấy mà xảy ra hỏa hoạn tôi chỉ có nước nhảy cửa sổ".
Bà kể cũng có thời gian hai ông bà may rèm ngăn đôi căn phòng 24 m2 chung sống nhưng chật chội mà vẫn khó chịu với nhau nên bà lại xuống bếp. Khi Lê Vân lấy chồng, mua nhà ở Thụy Khuê, bà bán cái bếp được ba cây rưỡi vàng, căn phòng 24 m2 cả gia đình từng chung sống để lại cho Lê Khanh cũng với giá ba cây rưỡi. Số đó bà và NSND Trần Tiến góp cho Lê Vân rồi chuyển tới sống cùng con. Mỗi người ở một phòng riêng nhưng vẫn ăn chung. Bà vẫn cầm tiền ông Tiến và con đóng góp để chi tiêu, đi chợ nấu cơm cho cả nhà. Về sau, bà lên Phú Thượng ở 10 năm cùng con gái út cho tới khi Lê Vy theo chồng sang Pháp.
"Ở trên đó một mình, hàng ngày đi xe máy về Hà Nội ăn uống, cà phê cà pháo rồi lại phóng về. Cô Khanh (nghệ sĩ Lê Khanh) mới bảo bà ở đấy một mình có chuyện gì không ai biết, bà thương con thì về đây. Tôi lại thách đố con nếu có nhà riêng, bếp riêng thì mẹ mới về. Cô ấy dành 800 triệu mua cho cái phòng 13 m2 với cái bếp, bỏ thêm 50 triệu nữa sửa sang. Ở thêm thời gian thì mua nốt cái gian bên cạnh, chính là chỗ ngủ bây giờ", bà Mai kể.
Với chồng cũ, từ ngày cuốn tự truyện của Lê Vân xuất bản, bà mang tiếng xúi con viết. "Mà nào tôi có biết gì đâu", bà nói. Sau lần đó, mối quan hệ bố con vẫn tốt đẹp nhưng bà và chồng cũ không còn có thể chào hỏi nhau bình thường. NSND Trần Tiến cũng rời nhà con gái về sống một mình trong khu chung cư ở dốc Ngọc Hà.
Đi về một mình đã nhiều năm, Lê Mai dường như vui và quen với điều đó. "Nhiều người cứ hỏi sao không đi bước nữa. Cũng không phải tôi vô duyên đâu, có mấy ông hỏi đấy. Thế nhưng cái thời đó khó khăn, đi bước nữa thì con để cho ai. Vân 11 tuổi vào trường múa ở nội trú. Lê Khanh ngủ một bên, Lê Vy ngủ một bên, mẹ đi đâu được". Thế rồi tuổi già đến, hiện tại bà vui với cuộc sống "độc lập, tự lo" - theo bà nói.
"Nó cũng là cái số hết. Đi xem bói người ta bảo cuối đời bà ở một mình đấy, nhưng được nhờ con", bà cười. Nghệ sĩ Lê Mai tự hào ba cô con gái đều thành danh, có gia đình riêng hạnh phúc, ổn định, các con rể đều tốt với mẹ vợ.
"Giờ chỉ lo cho sức khỏe của mình. Sáng dậy đi bộ lên Hồ Tây rồi về ăn sáng. Mọi khi cứ đi bộ ra Hàng Vải ăn bát phở, hôm nào ngại thì làm bát xôi ngô về ngồi ăn, rồi lại ra hàng nước làm chén nước hai nghìn, ngồi đến giờ nấu ăn trưa. Có tí đất trước cửa thì trồng hoa cho nó vui, rồi đợi người ta ới đi đóng phim là đi, không bao giờ nghĩ đóng vai gì hay bao nhiêu tiền".
Xong câu chuyện cũng đến giờ trưa. Nghệ sĩ Lê Mai khoe bữa trưa đơn giản có cơm, thịt kho tàu và canh tôm nấu mồng tơi. Tất cả đều từ hôm trước được bà cho vào lò vi sóng hâm lại. Bà bảo nấu một bữa có khi ăn ba bữa.
Ăn một mình nhưng "Bà chả bao giờ buồn. Độc lập, tự lo, bà còn thích và vui ấy chứ". Bà cười. Nắng trưa đổ tràn con ngõ.
* Ảnh: Chân dung nghệ sĩ Lê Mai |
* Video: Cuộc sống thường ngày của nghệ sĩ Lê Mai |
Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn
Video: Trần Huấn