Nhắc tới người Hà Nội, trong nhiều vóc dáng, gương mặt hiện ra, thể nào cũng có Lê Khanh. Những người yêu mến cô cũng không quên một Lê Khanh đài các, u hoài trong bộ phim Người Hà Nội chuyển thể từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai. Mở đầu phim, Lê Khanh mặc chiếc áo dài trắng cổ xưa, nhẹ bước giữa khu vườn một ngày trở gió, khi những câu hát trong bài Chị tôi của Trọng Đài qua giọng hát Mỹ Linh vang lên: "Thế là, chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh".
Gặp Lê Khanh cũng trong một ngày Hà Nội trở gió, cô mặc váy màu ghi, áo thun dài tay, choàng khăn mỏng màu xanh nhạt. Vẫn là một Lê Khanh quý phái, nhẹ nhàng, có chăng trên gương mặt đã nhiều hơn "nét buồn vui bốn mùa trăn trở". Tại Nhà hát Tuổi trẻ, sau khi đợi cô giám sát buổi tập vở Công lý không gục ngã với vai trò trợ lý đạo diễn, cuộc trò chuyện bắt đầu lúc nhập nhoạng chiều, có nụ cười và nước mắt rơi vội của Lê Khanh khi nói về nghiệp diễn.
NSND Lê Khanh. |
Sự nghiệp Lê Khanh gắn liền hàng trăm vai diễn sân khấu cùng nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Cô là trường hợp hiếm hoi được phong danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" khi còn trẻ tuổi. Con đường nghệ thuật cùng nền tảng gia đình khiến người ngoài nhìn vào có thể nghĩ, với Lê Khanh, vinh quang đến thật dễ dàng.
"Nếu tôi không lao động một cách nghiêm túc, không hết mình, không đau đáu, không đam mê vật vã, hy sinh - cái sự hy sinh đôi khi có phần khác người - thì mọi người cũng chẳng biết tôi là ai", Lê Khanh nói.
Nghệ sĩ kể lúc mới chào đời cô bị sinh thiếu tháng. "Tôi nặng 1,6 kg, ra khóc một hồi thì được 1,7 kg, dài 32 cm, lại bị ngạt nên người thâm tím. Nhờ các bác sĩ tận tình, khéo léo, đánh thức sinh linh nhỏ bé thì mới có Lê Khanh ngồi nói chuyện ở đây. Khi lớn lên, đất nước chiến tranh, bố mẹ tôi cùng là nghệ sĩ cứ lênh đênh khắp nơi biểu diễn, mang theo cả cô con gái nhỏ. Sức đề kháng của tôi rất kém. Đếm được cũng đã ba lần thoát chết và không biết bao nhiều lần suýt chết trong tuổi thơ ấu đi theo mẹ trên hành trình nghệ thuật của bà", nghệ sĩ kể.
Lớn lên mong manh, yếu đuối nhưng Lê Khanh nỗ lực học hỏi, theo đuổi nghề mà không ỷ lại có bố mẹ làm nghệ thuật. Có gia đình riêng, cô lại hy sinh thời gian cho chồng con vì vai diễn. Lê Khanh kể có lần mới sinh con, đi quay phim có cảnh phải lội xuống nước giữa mùa đông, nghệ sĩ không quản ngại. Khi trở về ôm con cho bú, đột nhiên thấy con khóc ngằn ngặt, cô mới phát hiện mình đã mất sữa. Nhớ tới đây, nghệ sĩ rơi nước mắt.
Lê Khanh đã hóa thân nhiều nhân vật từ hiện đại tới cổ điển, từ những vai trẻ con, ăn mày tới nhiều vai chính kinh điển. Biên độ làm nghề của cô mỗi ngày một mở rộng: từ bi kịch, tâm lý chính luận tới hài kịch. Nữ nghệ sĩ kể giai đoạn đầu, với hình hài mỏng manh, Lê Khanh hay vào các vai đào thương. Năm 1986, cô tham gia vở Chim sơn ca về nữ anh hùng Jeane d'Arc của nước Pháp. "Vai diễn hội đủ mọi tính cách của người phụ nữ, từ nhút nhát tới bạo dạn, linh hoạt, hóm hỉnh, ranh mãnh, dần dần vì nhiệm vụ cao cả nên mới trưởng thành và có được kết quả. Điều này rất đời thường, logic và rất giống lộ trình nghệ thuật của tôi", Lê Khanh nói.
Vai diễn JanĐa cũng thay đổi quan niệm làm phim của Lê Khanh, không chỉ giới hạn trong những vai yếu mềm, mong manh, dễ vỡ. Từ đây, Lê Khanh đến với những vai trái chiều, tâm lý phức tạp, tiếp nữa là những vai hài.
NSND Lê Khanh thừa nhận nhiều lúc cô thấy cô đơn trong nghề. "Cô đơn nó là chính tôi, bởi tôi luôn đòi hỏi mọi thứ rất cao. Đôi khi tôi cảm thấy lạc lõng trong quan điểm sáng tạo nghệ thuật. Cái mình cần mọi người không cho cần thiết đến thế, cái mình lo mọi người không lo đến thế".
Lê Khanh kể, năm 1995 cô đóng Đan Thiềm, cung nữ bị ruồng bỏ trong vở kịch Vũ Như Tô của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Là một phụ nữ con nhà tri thức, có tâm hồn cùng tấm lòng biệt nhỡn liên tài, Đan Thiềm cảm được bi kịch của kiến trúc sư Vũ Như Tô, khích lệ ông không bỏ phí tài năng. Lê Khanh kể khi Vũ Như Tô nhìn mặt Đan Thiềm lần đầu, ông hiểu sai về cung nữ.
"Vũ Như Tô nói: 'Cái thứ cung nữ mắt thâm quầng thế kia chắc cũng chỉ say đắm trong túy hương mộng cảnh'. Đan Thiềm trả lời: 'Không, đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét'. Chữ cô đơn tôi nói đến chính là nằm trong câu nói này. Mỗi một năm nhìn nhân tình thế thái, cuộc sống, đời người, xã hội và vũ trụ, nước mình và các nước bạn, tôi càng thấy câu này sâu sắc. Đôi khi mình nhìn thấy những nghịch cảnh trong cuộc sống, có lẽ cũng do mình quá nhạy cảm".
Nguyễn Huy Tưởng viết: "Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm". Còn với Lê Khanh, có thể nói diễn xuất chẳng qua cùng một bệnh.
Nghệ sĩ Lê Khanh thổ lộ nhiều lúc cô thấy cô đơn trong nghề. |
Cô cũng thừa nhận mình là một kẻ điên trong nghệ thuật. Sau khi khám phá nhiều ngóc ngách của bản thân trong diễn xuất, nghệ sĩ tiếp tục học nghề đạo diễn ở tuổi không còn trẻ. Lê Khanh kể cô từng thi trượt đạo diễn, do gặp đề văn về bài Bên kia sông Đuống mà cô đã làm không giống một bài văn mẫu nào. Sau đó, cô được báo trượt với một điểm cho công viết bài. "Tôi cười không ngừng khi biết tin. Đó là điều tôi biết trước vì cái sự không giống ai của mình".
Cô thi lại năm sau và đỗ, rồi tốt nghiệp loại xuất sắc. Lê Khanh tiếp tục học lên thạc sĩ để đi dạy. Cô từ chối nhận đặc cách không phải thi cao học nhờ có danh hiệu NSND. Năm ngoái, cơ quan cử người đi tu nghiệp bốn tháng ở nước ngoài, cô lại xin đi trong khi nhiều người cười. "Tôi thấy ngạc nhiên lắm. Ở nước ngoài, người ta đến già vẫn còn học không ngừng nghỉ. Còn ở mình mới trên 50 tuổi đã bảo học làm gì".
Đa mang trong nghệ thuật nhưng vẹn toàn trong hôn nhân
Người làm nghệ thuật không tránh khỏi cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. Kết thúc công việc buổi chiều ở nhà hát lúc gần 17h, mải trò chuyện, nữ nghệ sĩ quên mất phải về nhà đưa tiền cho con đóng học thêm buổi tối, cô cuống quýt gọi điện hết cho mẹ đẻ ở cạnh nhà - NSND Lê Mai - đến người giúp việc rồi hàng xóm và chỉ thở phào khi chồng cô đã kịp về nhà. Qua điện thoại, Lê Khanh lại thông báo với chồng: "Mẹ ở lại làm xuyên ca tối nhé" (Bố - mẹ là cách họ xưng hô với nhau).
"Nhiều người hỏi tôi đi nhiều thế còn gia đình thì sao? Tất cả là do mình khéo thu xếp. Vợ chồng tôi bằng mọi giá vẫn cố gắng dành thời gian cho nhau. Sáng vợ chồng dậy sớm tiễn con đi học, ăn sáng với nhau, khuya về thì ngủ muộn, giao lưu với con học ở xa. Chúng tôi cũng hay kết hợp, một người đi công tác thì người kia thu xếp đi cùng. Ngày vui, lễ Tết hay những dịp quan trọng của gia đình, tôi hầu như cố gắng không bỏ qua bất cứ công đoạn nào. Tôi làm mọi thứ phức tạp nhất của một ngày lễ cổ truyền cần có".
Lê Khanh luôn miệng nói rằng mình may mắn, có được người chồng - đạo diễn Phạm Việt Thanh - chia sẻ và hỗ trợ. Cả hai đến với nhau khi cùng làm chung nhiều bộ phim như Săn bắt cướp, Dòng sông hoa trắng... "Chúng tôi gặp nhau trong công việc. Ở ngoài tôi có thể ngại phiền, hay nhìn trước, nhìn sau giữ ý nhưng trong nghệ thuật tôi lại rất mạnh dạn, hay nói lên yêu cầu của mình. Đòi hỏi sáng tạo của tôi luôn khác người, khắt khe, nếu không được như ý mình tôi làm không thấu đáo. Anh là quay phim, có thể chia sẻ được với tôi những ý tưởng nghệ thuật đó", cô nói.
Gia đình luôn tin tưởng, hỗ trợ để Lê Khanh toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Trong hình là Lê Khanh và chồng - đạo diễn, nhà quay phim Phạm Việt Thanh - tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010. |
Nắm được điểm yếu của người đẹp là lãng mạn và ủy mị, Phạm Việt Thanh tỏ tình bằng những lá thư có khi dài tới 35 trang. "Anh ấy viết rất nhiều, lần nào đi quay về tôi cũng giở ra đọc rồi lại cất dưới gối. Sống cùng đoàn phim, cô Trà Giang thấy vậy cứ hỏi: 'Mày đọc gì mà nhiều thế'. Tôi trả lời: 'Con đọc kịch bản'. Nhiều năm sau này cô Trà Giang thú nhận: 'Tao thấy nghi nghi nên đã đọc lén kịch bản của mày, hóa ra tao bị lừa", Lê Khanh bật cười khi nhớ lại kỷ niệm vui.
Yêu nhau bốn năm, kết hôn năm 1992, hai con của họ năm nay đều đã ở độ tuổi 18, 20. Giờ đây không còn viết thư tay nhưng vợ chồng cô vẫn nhắn tin cho nhau hàng ngày. "Chúng tôi vẫn viết cho nhau khi đi xa. Chỉ một tin nhắn thôi như bố đến rồi nhé, mẹ yên tâm, mẹ ăn cơm chưa, bố đến một nơi đẹp quá, ước gì có mẹ ở đây, cũng là một bức thư quan tâm chia sẻ. Nó trở thành một nét văn hóa ứng xử trong gia đình".
Cuộc sống của Lê Khanh ở tuổi ngoài 50 dường như viên mãn. Gia đình riêng hạnh phúc, biết cách tận hưởng từng giây phút của cuộc sống. Cô xa dần sân khấu để nhường đất diễn và dìu dắt những thế hệ tiếp theo. Nghệ sĩ chia sẻ trong bất cứ hoàn cảnh, chìa khóa của cô là sự lạc quan. "Phải thi vị hóa cuộc sống thì ta mới đủ sức vượt qua những nhọc nhằn, chông gai, trắc trở ở đời".
Nhìn Lê Khanh nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng cô nói rằng mình là người "nhàn bên ngoài còn bận bên trong". Người phụ nữ Hà Nội ấy luôn mang theo những đau đáu rất đời thường như làm thế nào để Hà Nội ít rác hơn, con người đi đứng, nói cười có văn hóa, văn minh, sánh được với thế giới. Đó cũng là tâm huyết của Lê Khanh với nghệ thuật, với cuộc đời.
* Ảnh: NSND Lê Khanh trong công việc
Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn