Lễ viếng Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan được tổ chức tại chùa Ấn Quang (quận 10, TP HCM). Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết đến viếng người cô mình rất mực kính trọng trong nghề giữa cơn mưa tầm tã. Mắt rưng rưng, bà vỗ về một người con nuôi của "sầu nữ". Thỉnh thoảng, giọng ca "Cải lương chi bảo" hát lại vài câu tuồng nổi tiếng của Út Bạch Lan. Với Bạch Tuyết, nghệ sĩ Út Bạch Lan cùng Thanh Nga là hai giọng ca ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nghệ thuật của bà. Khi còn nhỏ, bà thường đứng nép trong cánh gà, say sưa ngắm "sầu nữ" hát trên sân khấu. "Tuyệt tình ca" là một trong số vở Bạch Tuyết được dịp hát chung với nghệ sĩ Út Bạch Lan. "Cũng như cô Thanh Nga, cô Út chỉ cần cất giọng đã khiến khán giả bên dưới nao lòng rồi rơi nước mắt. Đây là hai nhân vật của sân khấu mà tôi nghĩ trăm năm mới xuất hiện", Bạch Tuyết cảm thán. Vừa xong tiết mục trong liveshow của một đồng nghiệp, ca sĩ Phương Thanh đến viếng tang lễ. Nữ ca sĩ thất thần trước di ảnh. Phương Thanh kể chị thuộc thế hệ đàn con, đàn cháu nên khi nghệ sĩ đã già, sức khỏe yếu, chị mới có cơ hội được diện kiến bà trên sân khấu. Ấn tượng của nữ ca sĩ về "má Út" là nụ cười hiền hậu và cách bà luôn quan tâm tới nghệ sĩ trẻ trong hậu trường. Phi Nhung (trái) vừa từ Australia trở về sau khi hay tin người nghệ sĩ chị kính mến qua đời. Hai nữ ca sĩ cùng nhau ôn lại cơ hội đóng chung với nghệ sĩ Út Bạch Lan trong vở "Lan và Điệp". Trong vở này, Phi Nhung được "má Út" dạy từng chút một trong cách hát, lối diễn. Phi Nhung kể lại kỷ niệm về lần đầu tiên dẫn nghệ sĩ Út Bạch Lan sang Mỹ và ghé thăm nhà chị. "Vừa leo lên giường, má nói: 'Thôi con cho má ở hai ngày rồi má đi, chứ giường cao quá má ngủ không được'", chị bồi hồi nhớ. Cách đây 10 năm, nghệ sĩ cải lương Lê Tứ có nhiều cơ hội làm việc chung với cố nghệ sĩ. Anh khâm phục "má Út" ở tư tưởng tiến bộ khi đưa dàn diễn viên trẻ vào các vở kịch video lúc ấy để họ có cơ hội phát huy tài năng. Tối 4/11, khi nghe tin bà qua đời, Lê Tứ tìm lại những hình ảnh, video của bà và chia sẻ trên trang cá nhân để cùng anh em nghệ sĩ ôn lại kỷ niệm. "Tôi nghĩ sẽ có ngày này thôi, nhưng không ngờ má đi nhanh quá, làm chúng tôi ai cũng hoang mang", anh nói. Diễn viên Lương Mỹ là một trong những nghệ sĩ đến viếng đầu tiên. "Cô Út Bạch Lan rất chân chất và đôn hậu. Ai cũng có thể cảm mến cô ngay lần đầu gặp gỡ", chị kể. Lương Mỹ cho rằng nhiều người khi đến đỉnh cao thường tự phụ, nhưng nghệ sĩ Út Bạch Lan là người lao động miệt mài đến cuối đời. Không hoạt động nhiều ở mảng sân khấu, đạo diễn Phương Điền vẫn coi "sầu nữ" như một thần tượng. Ở nhà hay trên xe, các tuồng cải lương của Út Bạch Lan luôn là những đĩa hát đầu tiên anh chọn thưởng thức. "Thuyền ra cửa biển", "Nửa đời hương phấn"... là những vở anh xem đi xem lại. Ca sĩ Thanh Duy Idol nhớ lại thuở nhỏ, khi bà nội mở radio, tivi, những nhạc phẩm của Út Bạch Lan đã in sâu vào tâm trí anh. Giọng hát này đi theo anh suốt tuổi thơ đến lúc trưởng thành qua các vai diễn người mẹ, người chị tảo tần. Soạn giả Hoàng Song Việt là một trong hai người con nuôi đầu tiên của "sầu nữ", bên cạnh Nghệ sĩ Ưu tú Phương Hồng Thủy. Anh bắt đầu làm việc với "má Út" từ năm 1993 khi phong trào video cải lương rộ lên. "Cách đây hai ngày, má cảm nhận được đến lúc mình phải đi. Điều đầu tiên má làm là dặn người con nuôi - nghệ sĩ Tô Châu - thay mặt má thực hiện một chương trình hát cho chùa ở Vĩnh Long, vì má đã trót hứa với họ. Đến giờ khắc cuối cùng, má vẫn nghĩ cho người khác...", tác giả bùi ngùi. Bài, ảnh: Mai Nhật >>Xem thêm: 'Sầu nữ' Út Bạch Lan - nhành lan trắng mãi tỏa hương Út Bạch Lan: 'Tôi không muốn xin danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân''Sầu nữ' Út Bạch Lan - nhành lan trắng mãi tỏa hương 'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời