Lễ viếng cố NSND Anh Tú sẽ bắt đầu từ 9h30 đến 11h30 ngày 24/12 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Những ngày này, nhiều học trò, đồng nghiệp nghẹn ngào khi nhớ đến kỷ niệm gắn bó với anh.
Bạn bè cho biết suốt quá trình nằm viện, NSND Anh Tú giữ tinh thần lạc quan, tránh gây phiền hà cho người quen. Đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi cố nghệ sĩ giữ quyền giám đốc - kể anh dặn dò mọi người không chia sẻ số phòng bệnh vì ngại việc thăm nom cầu kỳ. Dù vậy, thương anh, nhiều người vẫn đến bệnh viện thăm nom. Trước khi hôn mê và qua đời vào chiều 20/12, nghệ sĩ vẫn cố gắng trò chuyện vui vẻ. Anh dặn diễn viên Công Lý, Minh Hằng phải biết giữ gìn, quan tâm đến sức khỏe, đừng để đến lúc bệnh nặng mới nhập viện như mình.
Trang Trần - học trò của Anh Tú ở Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - nói thầy không muốn nhận quà cáp gì của ai. Một hôm, chị mua bánh, sữa, yến cho thầy. "Lúc vừa ra sân bay, thầy gọi điện mắng mỏ: 'Mày mua gì nhiều thế. Tiền ở đâu ra mà mua'. Tôi phải nói dối đấy là đồ được biếu, không tiện mang về Sài Gòn", chị kể.
Lúc sức khỏe diễn biến xấu, Anh Tú vẫn gắng gượng mỗi khi có người thăm nom, hỏi han, trò chuyện. "Những ngày Tú trở bệnh, tôi biết Tú đau đớn lắm. Lúc Tú không nói được, tôi vẫn hỏi han 'Cậu đau chỗ nào, mỏi ở đâu' rồi ngồi bóp chân, bóp tay cho Tú. Lúc đó, khóe mắt Tú ngấn lệ. Tôi biết bạn ấy vẫn còn minh mẫn lắm", nghệ sĩ Minh Hằng nghẹn ngào.
Kể cả khi đổ bệnh, nghệ sĩ không ngừng lo cho công việc. Ông Nguyễn Thế Vinh - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - chia sẻ một tháng trước, ông đến thăm đàn em. "Nhìn Tú nằm trên giường bệnh, tôi vừa giận vừa thương. Tôi trách cậu ấy vì không chịu chăm lo sức khỏe. Cậu ấy cười trừ rồi lại cà kê chuyện công việc ở nhà hát. Tôi phải mắng nhẹ: 'Việc của em bây giờ là dưỡng bệnh. Những chuyện khác, em gạt hết đi cho anh"'.
Diễn viên Trung Anh nhớ lần gặp Anh Tú vào dịp giỗ Tổ nghề sân khấu hồi tháng 9, anh hốt hoảng vì thấy đàn em hốc hác, xanh xao. "Tú xuống xe phải có người dìu, cậu ấy nói: 'Mắt em mờ rồi'. Ấy vậy mà Tú vẫn thường xuyên làm việc tới khuya, nhiều đêm ngủ lại ở nhà hát". Làm việc chung ở Nhà hát Kịch Việt Nam 5 năm, Trung Anh bày tỏ tuy không quá thân thiết, anh tôn trọng cố nghệ sĩ bởi tinh thần làm việc nghiêm túc, có định hướng đúng đắn cho sân khấu.
Diễn viên Đặng Minh Cúc kể trước khi Anh Tú nhập viện, cô thường đến Nhà hát Kịch Việt Nam thăm thầy. "Có hôm, tôi đến nhà hát tìm mãi không thấy thầy đâu. Một lúc sau, tôi mới thấy thầy gầy yếu, ngủ quên sau cây cột. Thầy xuống cân nhanh quá, người nhỏ thó. Tôi phải kìm nước mắt không rơi. Từ Nhà hát Tuổi trẻ chuyển sang Nhà hát Kịch Việt Nam, thầy gặp áp lực lớn trong việc đổi mới, dựng vở", Minh Cúc kể.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho biết từng nhiều lần căn dặn Anh Tú giữ sức khỏe, điều trị bệnh theo lộ trình, thậm chí giới thiệu nơi chữa trị tốt nhưng cố nghệ sĩ luôn nói không có thời gian. Nhà phê bình sân khấu đánh giá Anh Tú là diễn viên, đạo diễn có khát vọng đạt tới đỉnh cao trong nghề. "Khát vọng ấy thiêu đốt luôn thể lực của Anh Tú, khiến cậu ấy ra đi quá sớm", cô nói. Cả hai thân thiết khi bà Minh Thái là cố vấn văn học, "vỡ chữ" cho các tác phẩm Anh Tú diễn xuất hay đạo diễn.
Tối cùng ngày Anh Tú qua đời, tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vở Bão tố Trường Sơn do cố nghệ sĩ dàn dựng. Ngồi dưới hàng ghế khán giả, ca sĩ Minh Thu - học sinh lớp đạo diễn ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh do anh giảng dạy - kể: "Khi vở kịch kết thúc, hầu hết diễn viên, khán giả có mặt trong khán phòng đều khóc nức nở. Cảnh tượng ấy đủ thấy mọi người đều yêu mến, tôn trọng anh Tú".
Diễn viên Lan Hương (Bông) ngậm ngùi: "Tú ra đi ở giai đoạn sung sức nhất. Cậu ấy vẫn còn dự án kịch ấp ủ từ ba năm trước. Tú muốn mời nhiều diễn viên gạo cội như anh Hoàng Dũng, chị Minh Hằng và tôi cùng đứng chung sân khấu. Giờ đây, tôi xót xa vô cùng. Anh kết hôn muộn, con trai mới 15 tuổi. Vợ anh sẽ phải chèo chống, gánh vác gia đình một mình".
Hà Thu