Nicolas Winding Refn chào đời tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 1970 trong gia đình có truyền thống điện ảnh - cha là đạo diễn, mẹ là quay phim. Từ nhỏ, Refn bộc lộ cá tính nổi loạn trong nghệ thuật. “Cha mẹ tôi trưởng thành từ phong trào điện ảnh Làn sóng mới Pháp. Phong trào đó như Chúa trời với họ, còn với tôi lại là thứ phản Chúa. Còn cách nào tuyệt hơn để nổi loạn chống lại cha mẹ bằng cách xem thứ mẹ tôi ghét - phim kinh dị Mỹ”, Refn chia sẻ.
Năm 8 tuổi, Refn sang New York sống khi chỉ nói được tiếng Anh lõm bõm và mắc chứng khó đọc. Trong một thời gian dài, sử dụng hình ảnh là cách duy nhất anh giao tiếp với bạn bè. Bởi vậy, những bộ phim Refn yêu thích không chỉ giúp thỏa mãn trí bay bổng, mà còn là phương tiện để anh giao tiếp với xã hội. Tác phẩm truyền cảm hứng nhất cho Nicolas Winding Refn là The Texas Chainsaw Massacre của đạo diễn Tobe Hooper. Ra mắt năm 1974, tác phẩm kinh dị gây tranh cãi dữ dội nhưng giờ được thừa nhận là một tuyệt tác gieo rắc nỗi sợ hãi.
Đam mê điện ảnh, Refn đăng ký vào trường Academy of Dramatic Arts (Mỹ). Sau một lần nổi loạn ném bàn vào tường, anh bị đuổi học rồi quay về châu Âu, tham gia các khóa học điện ảnh ở Anh và Đan Mạch. Sau khi trải qua nhiều công việc và thấy mình đã đủ chín để làm phim, chàng trai trẻ nhanh chóng quay về quê nhà khởi nghiệp đạo diễn vào năm 1995.
Những câu chuyện Đan Mạch đầu thế kỷ nhiều yếu tố bạo lực
Tác phẩm đầu tiên của Nicolas Winding Refn là Pusher (1996) cũng lập dị như chính con người anh. Để tiết kiệm chi phí và tạo độ chân thực, đạo diễn mời giang hồ thật đóng cùng diễn viên chuyên nghiệp. Với tham vọng thực hiện một bộ phim về xã hội đen có phần hình ảnh như The Battle of Algiers, Refn quay bằng máy cầm tay 16mm ngay trên đường phố Copenhagen. Điều này khiến Pusher có chất thô ráp và tự nhiên, khác hẳn những tác phẩm trau chuốt sau này của Nicolas.
Refn gắn bó với đề tài bạo lực trong ba phim kế tiếp - Bleeder (1999), Pusher II (2004), Pusher III (2005). Bleeder được đánh giá cao khi mô tả hố sâu giữa bạo lực thật sự và thứ bạo lực được lý tưởng hóa trên phim ảnh. Mê làm phim về bạo lực, tác giả từng chia sẻ trên chuyên trang của nhà phê bình quá cố Roger Ebert: “Tôi nghĩ nghệ thuật là một hành vi bạo lực. Nó là sự tuôn trào về cảm xúc... Tôi nghĩ bạo lực trong điện ảnh chắc chắn là một thứ được sùng bái. Về mặt cảm xúc, chúng ta thể hiện nghệ thuật qua tình dục hay bạo lực. Tất cả đều cô đặc trong hai cảm xúc thuần túy đó”.
Điều ngược đời là bản thân Refn không phải người bạo lực. Anh không chơi thể thao và còn tự nhận mình có phần yếu ớt. Cũng như với Lars von Trier hay Jodorowski, thứ bạo lực của Refn là đường tắt để khám phá bản chất của con người. Chúng là âm vang của những lớp nghĩa sâu xa hơn, xuất hiện trong tâm trí và gây ra nỗi ám ảnh. Cùng là những câu chuyện bạo lực và có phần cực đoan, các khung hình mô tả bạo lực trong phim của Refn kiểu cách và trau chuốt hơn so với đàn anh Lars von Trier - người gây sốc với những câu chuyện thô nháp và trần trụi.
"Dị nhân" nối tiếp Lars Von Trier gây tiếng vang thế giới
Vào nửa sau những năm 2000, Refn có sự chuyển biến lớn về lối làm phim. Trong Bronson (2008), kể về một tù nhân khét tiếng do Tom Hardy thủ vai, đạo diễn xây dựng phong cách siêu thực với những cảnh quay được dàn xếp tỉ mỉ và hiệu ứng ánh sáng, màu sắc ấn tượng. Điều này trái ngược với hình ảnh mang phong cách giả tài liệu giàu chất bạo lực ở các phim trước.
Bốn năm sau Bronson, Refn đạt đến đỉnh cao với phim Drive - tác phẩm lừng danh mang về cho anh giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Cannes 2011. Đây cũng là giải thưởng xác lập tên tuổi cho nhà làm phim ở sân chơi thế giới.
Mang hơi hướng của dòng phim Neo-Noir hiện đại, Drive khiến nhiều người xem hụt hẫng vì cứ tưởng được xem một phim đua xe tốc độ đúng với tên gọi. Thế nhưng với nhịp điệu khá chậm, bộ phim dẫn dắt người xem qua từng khung hình đẹp chỉn chu mà trống trải, từ đó chất bạo lực của Refn đột ngột hiện ra như bản năng của quỷ dữ. Điển hình như cảnh sau nụ hôn ngọt ngào với cô hàng xóm, nhân vật của Ryan Gosling bất ngờ đập vào đầu kẻ xấu đang đuổi theo họ và giết hắn dã man.
Refn từng chia sẻ tay lái xe trong Drive là sự kết hợp giữa hình tượng hiệp sĩ lãng mạn vô vọng và một gã tâm thần sẵn sàng dùng bạo lực để bảo vệ người vô tội. Các cặp đối cực - bạo lực và lãng mạn, hỗn loạn và bình yên - đan xen vào nhau chỉ trong tích tắc. Sau tất cả, ở cuối phim vẫn là tay lái xe cô độc chạy vào màn đêm, đứng ngoài những mối tương quan xã hội. Hình ảnh này cũng phản chiếu chân dung của chính đạo diễn - một người luôn ngoảnh mặt với dòng phim cho đại chúng. Anh từng từ chối cơ hội đạo diễn Spectre - bộ phim đình đám về 007 năm ngoái.
Nicolas Winding Refn có kiểu làm việc độc đáo là quay các cảnh theo đúng trình tự phim. Anh bị thu hút bởi cảm giác mập mờ vì không biết rõ câu chuyện sẽ diễn tiến thế nào. Chính vì thế, đạo diễn Đan Mạch luôn dành nhiều khoảng trống cho sự sáng tạo trên phim trường. Như cảnh quay độc đáo trong thang máy của Drive chỉ được nghĩ ra vài ngày trước khi quay.
Mùa hè năm nay, đạo diễn trở lại với The Neon Demon và gây không ít tranh cãi khi tranh giải Cành Cọ Vàng hồi tháng 5. Chứa tham vọng lớn lao, phim khai thác về ngành thời trang nhưng kết hợp cả yếu tố kinh dị và nhiều hình ảnh biểu tượng. Vẫn với tông màu xanh tím quen thuộc và những khuôn hình cầu kỳ, các câu chuyện rợn người trong giới người mẫu dần được tiết lộ. Trong cao trào, phim bất ngờ rẽ theo phong cách kinh dị với các chi tiết ẩn dụ mang tính siêu thực.
Trước các chỉ trích phim vì nhiều hình ảnh nhạy cảm như đồng tính nữ, làm tình với tử thi hay ăn thịt người, Nicolas Winding Refn cho biết anh làm phim từ quan điểm của một cô gái 16 tuổi và tác phẩm cũng không tham vọng phản ánh giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp. Về cơ bản, The Neon Demon nói về quyền lực bí ẩn của phụ nữ mà theo Refn là “trung tâm của vũ trụ”.
Sau hai thập kỷ làm phim với phong cách bạo lực kiểu cách, Refn nổi lên thành gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh Đan Mạch đầu thế kỷ 21. Dù làm phim ở quê nhà hay Hollywood, nhà làm phim vẫn biết khước từ thị hiếu đám đông để đưa ra những câu chuyện có góc nhìn lạ lẫm và thậm chí gây sốc.
>> Xem thêm:
Lars von Trier - biểu tượng của phong cách điện ảnh cực đoan
Gaspar Noé - đạo diễn Pháp của các phim có cảnh sex thật
Ân Nguyễn