- Ca khúc "Tiến quân ca" - tài sản nhà nước - mới đây được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD) đưa vào danh sách phổ biến. Mục đích, ý nghĩa của việc làm này là gì?
- Theo quy định, chúng tôi có trách nhiệm phổ biến những bài hát đã được lưu hành rộng rãi. Chúng tôi khẳng định chưa bao giờ đặt vấn đề cấp hay không cấp phép cho Tiến quân ca. Dư luận đã hiểu nhầm việc cập nhật danh mục các bài hát cách mạng sang cấp phép các bài hát cách mạng, trong đó có bài Tiến quân ca.
- Vì việc này, ông vừa phải gửi lời xin lỗi công luận. Cục NTBD sẽ làm gì tiếp theo?
- Việc đầu tiên là thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trong việc cấp phép biểu diễn ca khúc, trình lên Bộ để Bộ báo cáo các cơ quan chức năng nhằm thay đổi những quy định này, phù hợp với tình hình đời sống và đất nước hiện tại.
Thứ hai, chúng tôi sẽ quán triệt chủ trương không cần cấp phép cho những ca khúc đã lưu hành rộng rãi trong đời sống những năm qua, nếu ca từ các ca khúc đó không trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, lợi ích dân tộc. Thứ ba, Cục sẽ gửi văn bản hướng dẫn các Sở Văn hóa thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng.
Chúng tôi cũng rà soát lại cơ cấu tổ chức, bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý Nhà nước.
* Ông Nguyễn Đăng Chương xin lỗi công luận chiều 23/5
- Cục bị cho là đã lạm quyền khi tự cấp hay không cấp phép cho các ca khúc. Ông nói sao về điều này?
- Theo quy định của pháp luật (Điều 29 của Nghị định 79), Cục NTBD là đơn vị chịu trách nhiệm rà soát và cấp phép các bài hát được phổ biến. Chúng tôi vẫn thực hiện theo quy định. Sau khi các bên nộp hồ sơ, Cục thẩm định những ca khúc đảm bảo nội dung ca từ không vi phạm thì cấp phép. Ca khúc nào xâm hại tới lợi ích dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục và không phù hợp thì chúng tôi có văn bản trả lời.
- Việc cấp phép hiện nay cũng bị phản ánh là mang nặng tính xin - cho. Ông có ý kiến gì?
- Trong những năm gần đây, số lượng bài hát xin phép phổ biến rất ít. Qua nghe ngóng dư luận, truyền thông, ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, Cục NTBD - trên tinh thần cầu thị - đang rà soát để làm sao đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, không còn mang nặng cơ chế xin - cho.
- Một số chuyên gia gợi ý lập danh sách những bài hát cấm để dễ dàng quản lý vì số này ít hơn. Tại sao Cục không thực hiện theo cách này?
- Trước khi thực hiện, chúng tôi cân nhắc kỹ hai phương pháp. Một là cập nhật và đăng tải những bài hát đã được phổ biến. Hai là cập nhật danh sách bài hát cấm. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế Cục nhận thấy không thể quản lý được bài hát cấm. Những bài đó cơ quan quản lý nhà nước không có dữ liệu, chúng do các chủ sở hữu tác phẩm lưu giữ. Có thể hôm nay phát hiện bài này nhưng ngày mai lại xuất hiện nhiều bài khác. Chính vì vậy, việc cập nhật bài hát cấm là bất khả thi.
- Bài học lớn nhất Cục rút ra sau sự việc này là gì?
- Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hết sức nhạy cảm và phức tạp, có sự thay đổi từng ngày từng giờ. Cơ quan quản lý Nhà nước mà không cập nhật được dễ phát sinh phản ứng trái chiều trong xã hội.
Bài học chúng tôi rút ra là trước hết chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của toàn bộ cán bộ Cục trong việc thực hiện quy định pháp luật và đặc biệt tham mưu cho lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay.
- Việc cập nhật danh mục các bài hát trên hệ thống như tên tác giả, tác phẩm... cũng bị phát hiện còn mắc nhiều sai sót. Cục có phương án giải quyết thế nào?
- Cách đây khoảng một tuần, website của Cục gặp trục trặc. Trang web này vốn không phải do Cục quản lý mà do Trung tâm Thông tin của Bộ quản lý. Chúng tôi phát hiện khi truy cập vào thì có lỗi kỹ thuật, thông tin nhảy lung tung, bài hát A không phải của người A mà của người B. Từ đêm qua (22/5) đến nay, Cục đã phối hợp với Trung tâm để khắc phục sai sót trên website này. Hiện 300 bài hát đã được chúng tôi gỡ khỏi hệ thống.
Có thể chúng tôi sẽ báo cáo lại Bộ trưởng, tạm thời đóng website lại để sửa chữa.