Theo đúng quy luật của sinh lão bệnh tử, nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời tại nhà riêng ngày 9/1 ở tuổi 81. Buổi trưa ấy, trời Sài Gòn bỗng dưng đổ mưa tầm tã. Thành phố cũng lạnh hơn những ngày gần đây gợi liên tưởng tới cơn rét ở Hà Nội. Những người con xứ Bắc xa quê, sống tại thành phố này nghe tin ông mất chắc cũng chợt nao lòng rồi muốn nghe lại bài hát cũ, thèm được thốt lên "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".
Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc, nếu không muốn nói là kinh điển của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội. Điều đặc biệt làm nên ý nghĩa và sức sống cho ca khúc là nó được viết bởi một người con đất Nam Bộ. Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc cuối năm 1954, và trở về Nam sinh sống sau năm 1975. Mãi 9 năm sau, trong một lúc nhớ lại những năm tháng sống cùng Hà Nội, cảm xúc tự nhiên tuôn trào khiến ông chắp bút viết nên bài hát.
Những năm đầu thập niên 1990, trên những phố phường Hà Nội vào mỗi buổi sáng sớm, ca khúc này vang lên qua đài phát thanh khiến lòng người nao nao một cảm giác thư thái, bình yên. Đến hôm nay, gần 30 năm kể từ ngày ra đời, Nhớ về Hà Nội vẫn mang đến vẹn nguyên một cảm xúc thiêng liêng về Hà Nội "một thời đạn bom, một thời hòa bình". Kể lại câu chuyện về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thế nhưng những lời ca tiếng hát không hô hào, không mang tính khẩu hiệu mà nhẹ nhàng thấm vào lòng người tựa như hơi thở.
Một tình yêu vĩ đại bao giờ cũng góp nhặt từ những thứ nhỏ bé, bình dị nhất. Nỗi nhớ Hà Nội của tác giả trước hết xuất phát từ nỗi nhớ người thiếu nữ trên phố Nguyễn Du mà sau này gắn bó với ông suốt cả cuộc đời. Tình yêu của họ được nuôi dưỡng giữa bom rơi thời chiến tranh: "Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới", và vẫn tiếp tục lớn lên vào thời bình: "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy"... Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng chủ nhật, vợ nhạc sĩ bế con lên xe điện ra phố.
Chiến tranh, rồi sau đó là thời kỳ bao cấp, tác giả không giấu những vất vả về vật chất: "áo chăn chưa ấm thân mình", nhưng người Hà Nội vẫn chưa bao giờ thôi lạc quan và tin tưởng về một vận mệnh tươi đẹp hơn của thủ đô, của đất nước. Giàu sức chiến đấu nhưng cũng lãng mạn, êm dịu như một bản tình ca, dễ hiểu vì sao bài hát dễ dàng đi vào tâm hồn những người Hà Nội, hay người đã có một thời gắn bó với mảnh đất này.
Nhớ về Hà Nội có những ca từ đẹp đến nao lòng. Ca khúc hướng những người từng đến Hà Nội về những danh thắng gắn liền với mảnh đất thiêng liêng, là "Hồ Gươm xanh thắm", là "Tháp Rùa nghiêng soi bóng", hay "những công viên vừa mới xây" mang dáng dấp của một Hà Nội mới, một thủ đô đang phát triển từng ngày. Hoàng Hiệp là một trong số ít những nhạc sĩ thành công trong việc chuyển tải thơ thành nhạc mà vẫn giữ được tính hàm súc, sâu sắc đó.
Có nhiều ca sĩ từng thể hiện ca khúc này: Cẩm Vân, Ngọc Tân, Mỹ Tâm, Quang Dũng... Mỗi người có một cách khác nhau để thể hiện cảm xúc, nhưng nhiều người vẫn đặc biệt nhớ đến bản thu đầu tiên của Hồng Nhung trên loa phát thanh những sáng Hà Nội của ngày xưa. Giọng hát mộc mạc, da diết, vừa ngọt ngào vừa hùng tráng của cô Bống đã đi vào ký ức của nhiều người như một thói quen. Cho dù có nhiều ca sĩ khác, hát hay không thua kém, người ta vẫn thích Nhớ về Hà Nội của Hồng Nhung, đơn giản vì họ đã nghe như vậy từ bao năm rồi.
Cách đây khoảng 3 tháng, khi thể hiện ca khúc này trong liveshow Có phải em mùa thu Hà Nội, Hồng Nhung đã phải nhiều lần quệt nước mắt vì xúc động. Nhạc sĩ ra đi nhưng sự đồng cảm của cô Bống hay bao thế hệ nghe nhạc sẽ không dừng lại. Và còn hơn thế nữa, bây giờ mỗi khi câu hát "dù có đi bốn phương trời..." vang lên, người ta không chỉ nao lòng nhớ về Hà Nội, mà còn nhớ về Hoàng Hiệp - người nhạc sĩ lãng mạn của "một thời đạn bom, một thời hòa bình".
Vân An