Hồng Nhung: "Nhạc phẩm của ông mãi sống trong lòng Hà Nội"
Từ những ngày bé thơ khi sống ở Hà Nội tôi đã nghe đến ca khúc Nơi gặp gỡ tình yêu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Dù chưa hiểu gì về bài hát, tôi bị quyến rũ bởi vẻ đẹp dịu dàng của giai điệu, ca từ và còn thuộc lòng đến hôm nay. Rồi khi nghe ca sĩ Lệ Thu hát Nhớ về Hà Nội, trong tôi rợn ngợp một cảm giác thật khó tả. Lúc đó, tôi vẫn còn bé lắm, chưa hiểu, chưa thấm hết ca từ trong nhạc phẩm này nhưng đã thấy rất yêu nó vì giai điệu đẹp.
Lần đầu tiên khi tôi được đứng trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp là vào năm 17 tuổi. Khi đó tôi biểu diễn trước hàng trăm khán giả tại chương trình gala do Đoàn ca múa Trung ương tổ chức ở TP HCM. Tôi đã hát nhạc phẩm Nhớ về Hà Nội và nhạc sĩ Quang Vinh đã tạo nên một bản phối tuyệt vời cho nhạc phẩm này. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác về sự hào hùng, da diết, thanh bình hòa quyện trong từng ca từ mà ở tuổi 17 tôi đã có thể hiểu, có thể thấm hơn so với khi mình còn là cô bé. Khán giả đón nhận ca khúc này với tất cả tình cảm yêu thương.
Nhớ về Hà Nội (xem clip) không chỉ là ca khúc khởi đầu sự nghiệp ca hát của tôi mà còn theo tôi xuyên suốt chặng đường hoạt động âm nhạc. Khi nhạc phẩm này phổ biến trên truyền hình, khán giả bày tỏ rất nhiều cảm xúc trân trọng, yêu thích dành cho tác phẩm lẫn tác giả. Nhiều người còn bày tỏ ngạc nhiên vì sao ông không sinh ra ở Hà Nội nhưng lại có thể viết về Hà Nội hay đến thế, tràn đầy tình cảm đến thế!
Sau này, khi vào Sài Gòn, lần đầu tiên tôi được chạm mặt nhạc sĩ Hoàng Hiệp là khi ông đang ngồi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trụ sở Hội âm nhạc TP HCM tại số 81 Trần Quốc Thảo. Ngày đó, tôi gầy gò, xấu xí, ngược lại với Hoàng Hiệp vốn là một nhạc sĩ cao to. Ông quay sang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và hỏi với giọng không giấu sự ngạc nhiên: "Đây là cô ca sĩ Hồng Nhung đấy à?" khiến mọi người đều cười. Ông nghe tôi hát trước khi gặp tôi ở ngoài đời, vì thế có lẽ ông bất ngờ sao giọng hát của tôi hào hùng, âm vực rộng nhưng cơ thể lại bé nhỏ như vậy. Từ sau lần gặp vui vẻ đó tôi cũng có vài lần tiếp xúc với ông trong công việc. Ngoài đời, tôi gặp ông không nhiều nhưng mối giao cảm với các nhạc phẩm của Hoàng Hiệp là thường xuyên và mãi mãi. Hình ảnh ông đọng lại trong tôi luôn là người nhạc sĩ hiền lành, trìu mến.
Rất nhiều thế hệ ca sĩ trong nước đã thể hiện thành công nhạc phẩm của Hoàng Hiệp. Tôi tin, mọi người dân thủ đô đều thấy tự hào mỗi khi ca khúc Nhớ về Hà Nội được cất lên bất kỳ đâu. Với tôi, âm nhạc của ông sẽ sống mãi. Mỗi lần hát "Dù có đi bốn phương trời..." tôi lại không kìm được cảm xúc của mình, lại rơi nước mắt, bởi bài hát ấy đã gói trọn tất cả kỷ niệm thật đẹp về Hà Nội - quê hương trong tim tôi.
Mỹ Linh: "Chưa bao giờ nguôi xúc động khi hát Trở về dòng sông tuổi thơ" (xem clip)
Vài ngày trước qua báo chí, tôi được biết nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang hôn mê sâu. Tôi đã thầm cầu mong cho ông vượt qua được cơn nguy kịch nhưng giờ nghe tin ông mất, thật buồn!
Tôi đã nhiều lần được gặp gỡ ông và với tôi Hoàng Hiệp là một người nhạc sĩ tài năng, đáng mến, đáng kính trọng. Chỉ với Nhớ về Hà Nội, ông đã để lại một nhạc phẩm đầy tự hào, gần như là một biểu tượng về âm nhạc cho Hà Nội. Ca khúc vừa nồng nàn, da diết vừa duyên dáng, dịu dàng, chứa đựng tất cả sự tinh tế rất Hà Nội mà không phải ai, kể cả những người Hà Nội hay người sống lâu năm ở thủ đô, có thể truyền tải và lẩy ra những nét đẹp ấy.
Trong số các nhạc phẩm của Hoàng Hiêp, tôi rất yêu Trở về dòng sông tuổi thơ, nhạc phẩm đậm chất Nam Bộ như con người ông nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của bất kỳ người dân ở mọi vùng miền trên cả nước. Mỗi lần hát nhạc phẩm này tôi đều thấy sống lại một phần tuổi thơ của mình, thấy bóng dáng của mình và quê hương trong từng giai điệu. Phải là một người hồn hậu lắm, thấu đáo lắm mới có thể viết ra những ca từ như thế.
Hoàng Hiệp ra đi là một mất mát lớn của làng âm nhạc Việt Nam. Qua VnExpress.net, tôi xin gửi đến gia đình ông lời chia buồn và lời tri ân sâu sắc người nhạc sĩ tài hoa.
NSND Thu Hiền: Hát nhạc Hoàng Hiệp từ năm 15 tuổi (Xem clip)
Bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc từ bài thơ của Đằng Giao vào năm 1956. Năm 1967 tôi là cô bé 15 tuổi vượt tuyến từ Bắc vào Nam đứng ở ngay cầu Hiền Lương, sông Bến Hải để hát ca khúc này. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó mình hát cùng chiếc loa cũ kỹ với tâm trạng rất xúc động.
Năm 1972, từ Đông Hà, bên này dòng sông Thạch Hãn, tôi một lần nữa thể hiện ca khúc này hướng vọng về Quảng Trị. Thời đạn bom khói lửa, chiến tranh sống chết không ai ngờ. Lúc đó tôi đã hát với tất cả tấm lòng dành cho từng mảnh đất quê hương.
Tôi xin chia sẻ với gia đình nhạc sĩ sự bàng hoàng, xúc động khi ông ra đi.
Nguyễn Quang Sáng: "Nhớ lần ăn cá linh kho lạt, bông điên điển nấu chua với Hoàng Hiệp..."
Nghe tin Hoàng Hiệp mất, tự dưng tôi lại nhớ về kỷ niệm mấy lần hai anh em về quê ở Chợ Mới, An Giang ăn cá linh kho lạt, bông điên điển.... nhâm nhi chút rượu. Ngoài đời anh là người hiền lành, đôn hậu và âm nhạc anh cũng phản ánh điều đó. Anh không phải là nhà thơ nhưng anh lại "nhà thơ" của các ca khúc. Anh có thể cảm nhận hết sức tinh tế, sâu lắng của các thi phẩm khác nhau để rồi thổi vào chúng những giai điệu thật đẹp, đi vào lòng người.
Tôi nhớ khi viết xong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu, tôi có đưa cho Hoàng Hiệp đọc qua. Anh chia sẻ với tôi rất nhiều cảm nhận. Sau đó, khi anh viết Trở về dòng sông tuổi thơ, anh cũng kể với tôi. Hai tác phẩm một văn xuôi, một âm nhạc nhưng chúng tôi đã gặp nhau trong tâm cảm. Tôi và Hoàng Hiệp cùng đều là người ở Chợ Mới nên tâm tình quê hương luôn đồng điệu.
Thoại Hà ghi