Nguyễn Xuân Thủy -
Tác giả “Viên xúc xắc mùa thu”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” chia sẻ về kịch bản bộ phim mà ông theo đuổi suốt 6 năm trời.
- Khi nào thì ý định viết kịch bản phim “Mùi cỏ cháy” xuất hiện và thôi thúc ông ngồi vào bàn viết?
- Sau khi nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ra mắt, tôi đã rất cảm động. Sau đó, hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao được giới thiệu khiến tôi cảm thấy cần phải viết một kịch bản phim về một thế hệ sinh viên gác bút nghiên ra trận, đặc biệt là những đồng đội của tôi, những sinh viên đại học cùng nhập ngũ ngày 6/9/1971.
- Sau rất nhiều trăn trở với “Mùi cỏ cháy", động lực nào khiến ông quyết không bỏ cuộc?
- Từ khi bắt tay viết “Mùi cỏ cháy”, không một đêm nào tôi không nghĩ đến bộ phim. Tôi cảm tưởng như những đồng đội đã hy sinh hiện về thúc giục, lúc nào cũng như có người cầm AK kè bên sườn phía sau đốc thúc tôi phải làm việc. Có rất nhiều chuyện như là tâm linh diễn ra khi tôi viết kịch bản “Mùi cỏ cháy”. Khi tôi viết đến phần về liệt sĩ Hoàng Thượng Lân thì thấy ngay cuốn “Tài hoa ra trận” về anh Lân để trên bàn. Thì ra vợ tôi (diễn viên Điệp Vân - PV) đi chợ tình cờ thấy một bà bán rau mua để đọc, thế là cứ đứng đọc ké. Bà ấy hỏi “cô cũng thích cuốn này à”, vợ tôi bảo “không, chồng cháu đang viết kịch bản phim về các liệt sĩ nên cháu quan tâm”, thế là bà ấy cho vợ tôi mượn đọc trước. Tôi giật mình thấy cuốn sách để trên bàn đúng vào lúc viết về anh. Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác nhưng lòng yêu nước là có thật. Tôi đã hoàn thành kịch bản với không ít lần sửa chữa, và tôi tin “Mùi cỏ cháy” sẽ có sức lan tỏa, bởi lòng yêu nước không của riêng ai cả.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
- Tại sao ông xây dựng cụm 4 nhân vật “Hoàng - Thành - Thăng - Long” dàn hàng ngang chứ không xây dựng một nhân vật trung tâm đậm nét như cách làm thông thường?
- Trong điện ảnh thế giới, rất nhiều bộ phim đã thành công với chân dung tập thể, nhân vật nọ bổ sung cho nhân vật kia. Nếu như chỉ tập trung vào liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc thì rất nhiều chuyện hay của các liệt sĩ khác sẽ không có cơ hội được sử dụng. Tuy rằng phim có bốn nhân vật chính nhưng bốn chân dung vẫn hiện rõ tính cách từng người, vẫn nét từng chi tiết. Hoàng yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động. Thăng là một anh lính thông tin thích ghi nhật ký, thích tiên đoán nhìn nhận các vấn đề thế cuộc. Long khao khát hạnh phúc, mong ước vun đắp một gia đình trọn vẹn. Thành hồn nhiên tinh nghịch, suốt ngày bị mẹ mắng, đi ra trận vẫn mơ thấy mẹ gọi về... Bốn người lính bình thường như hàng nghìn sinh viên lên đường năm ấy, nhưng khi ghép những bình thường ấy lại sẽ dựng nên bức chân dung của cả một thế hệ tận hiến cho Tổ quốc.
- Việc ông đặt tên 4 nhân vật lần lượt là Hoàng - Thành - Thăng - Long có dụng ý gì?
- Tôi muốn gửi gắm văn hóa, tình yêu đất nước thẳm sâu, lắng hồn núi sông của những người con Hà Nội khi ra trận. Tôi muốn thay mặt những người lính nói lên tình yêu Hà Nội. Như câu nói của bốn nhân vật ngay từ đầu phim: “Hôm nay chúng tôi lên đường, nhưng nhất định có ngày chúng tôi sẽ trở về với Thủ đô yêu quý của lòng tôi”. Và đúng như câu nói, họ đã trở về trong lòng những người thân, trong lòng đất nước. Những người chết chỉ thực sự chết đi khi họ không còn sống trong lòng những người sống. Bởi thế, dù bốn người đi, ba người đã hy sinh, chỉ có Hoàng còn sống nhưng ở cuối phim, bốn chàng trai đã trở về.
- Ông có hài lòng với sự thể hiện của 4 diễn viên chính?
- Rất hài lòng. Ngay từ khi bấm máy tôi đã đọc thơ truyền lửa từ thế hệ những người lính 40 năm trước cho các em. Các em cũng tự nghiên cứu, tiếp xúc với những đồng đội của tôi để tìm hiểu thêm. Lúc đầu các em đóng còn nghịch lắm, tuổi trẻ mà, y như những chàng lính trẻ chúng tôi mới nhập ngũ ngày trước, nhưng càng đóng càng nhập, càng đóng càng trưởng thành. Về sau các em không đóng nữa mà sống với nhân vật, ngay cả khi đã đóng xong, vẫn sống cùng nhân vật. Khi chiếu ra mắt, các em phải xuất hiện để giao lưu và chào khán giả. Thấy đồng đội tôi xem phim xong ôm tôi rồi ôm nhau khóc, các em bảo “hóa ra tất cả đều là thật hết, chẳng có gì là phim cả, chúng cháu chỉ diễn lại sự thật đó thôi”. Cái cách các nhân vật thể hiện trong “Mùi cỏ cháy” đẹp về nghệ thuật, đẹp về lý tưởng, chính vì thế bộ phim đã đi vào đời sống.
- Ông gửi gắm gì trong hình tượng nhân vật Hoàng vốn mang nhiều bóng dáng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thời trẻ?
- Tôi chỉ muốn nói về một thế hệ hồn nhiên, một thế hệ trong veo ra trận trong đó có chính tôi. Tôi nhớ khi ở chiến trường ra, tôi được giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ dành cho chùm thơ trong đó có bài “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, nhà thơ Xuân Diệu có nói “tôi cảm thấy mến thương các chú lính vô hạn, ra trận mà trong ba lô vẫn có những con ve, những hòn bi”. Thật sự thì chúng tôi đã hồn nhiên như thế, nhưng khi vào chiến trường thì mọi thứ khác hẳn, trưởng thành rất nhanh khi đối mặt với sinh tử, khi những hòn bi không còn là những những hòn bi xanh đỏ mà là những viên bi từ bom bi găm vào cơ thể. Bạn có thấy những câu thơ vang lên suốt bộ phim, dọc chiến trường, khi lính trẻ gọi “Hoàng ơi đọc thơ đi”, những câu thơ của thế hệ chúng tôi đã được lồng ghép trong bộ phim, thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật… và cả thơ của tôi nữa đã được nhân vật Hoàng đọc trong “Mùi cỏ cháy”. Một thế hệ đã biến thơ thành vũ khí. Nếu như mẹ tôi đã sinh ra tôi bằng xương bằng thịt thì Tổ quốc đã sinh ra một nhà thơ - chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm, đó là điều tôi gửi gắm qua nhân vật Hoàng.
Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy". |
- Việc có mặt tại Thành cổ Quảng Trị 40 năm trước trong trận chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt khiến một sợi cỏ cũng không còn nguyên vẹn đã giúp gì ông trong việc xây dựng kịch bản “Mùi cỏ cháy”?
- Khi viết kịch bản tôi đã sống lại ký ức bốn mươi năm trước. Dù là nhân chứng trực tiếp ra trận, lý lịch quân nhân của tôi ghi đánh trên một trăm trận, cũng bom lên đạn xuống, quen với sống chết dạn dày nhưng khi xây dựng kịch bản “Mùi cỏ cháy” tôi vẫn phải tìm hiểu, sưu tầm thêm rất nhiều. Nhà tôi lúc ấy chẳng khác nào chiến trường, ngổn ngang bản thảo, sách báo, băng đĩa sưu tầm về trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhiều lần bản thảo viết xong không ưng tôi đốt đi viết lại. Mỗi một lần cho nhân vật chết là tôi như chết đi sống lại trên trang giấy. Ngay cả khi ra mắt, phải có mặt trong các buổi chiếu giới thiệu, tôi đều xem lại phim không bỏ lúc nào, mỗi cảnh xác nhân vật tung lên là tôi như chết đi cùng nhân vật của mình. Nó không chỉ là ký ức của riêng tôi mà còn là của những đồng đội, của cả một thế hệ…
- Vậy có thể coi “Mùi cỏ cháy” là cuốn phim tự truyện của thế hệ sinh viên Hà Nội gác bút nghiên lên đường ra trận?
- Đúng là một cuốn tự truyện bằng hình ảnh của một thế hệ sinh viên ra trận, Hoàng Nhuận Cầm chỉ là người chấp bút cho cuốn tự truyện ấy. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Bao nhiêu gia đình đồng đội tôi xem đều thấy con em mình trong đó. Cháu Thảo, cháu của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc khi xem phim đã nhắn cho tôi: “Chú Cầm ơi, chú đã lấy rất nhiều nước mắt của gia đình cháu. Cám ơn chú đã cho cháu thấy Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm của tuổi hai mươi"…
- Đến giờ, khi phim hoàn thành và công chiếu rộng rãi, ở góc độ biên kịch có điều gì khiến ông chưa hài lòng?
- Tôi hồi hộp nhất, rung động nhất là buổi chiếu ra mắt các đồng đội cùng nhập ngũ ngày 6/9/1971. Họ là những nhân chứng, những người trong cuộc, nếu như họ thấy không ổn thì coi như bộ phim thất bại. Rất may khi xem phim xong họ đã ôm lấy tôi khóc gọi “Cầm ơi…”. Tôi là người viết kịch bản và cũng từng làm đạo diễn nên tôi rất biết phải làm gì để đạo diễn làm phim tốt nhất. Ngoài ra tôi cũng cung cấp tư liệu để đạo diễn Hữu Mười tham khảo, cũng như dẫn anh đến gặp các đồng đội của mình, cùng với đó tôi cũng bám sát đoàn trong quá trình làm phim. Chị Ngô Phương Lan, lãnh đạo Cục Điện ảnh, có nói “đây là mô hình mẫu cho sự làm việc ăn ý giữa đạo diễn và biên kịch”. Với biên kịch, đòi hỏi quá đáng là điều bất nhẫn, cho đến giờ tôi hoàn toàn hài lòng. Bốn diễn viên trẻ vào vai Hoàng – Thàng – Thăng – Long đã nói với tôi rằng, “chúng cháu tin bộ phim sẽ còn sống mãi, sau khi đóng phim này, chắc chắn chúng cháu sẽ sống tốt hơn”. Chúng tôi đề cao tính chân thực, tái hiện chiến tranh như những gì diễn ra, không tô hồng, không bôi đen.
- Ông cảm thấy thế nào khi nhận giải Biên kịch xuất sắc Liên hoan phim lần thứ 17?
- Khi tên tôi được xướng đoạt giải biên kịch, niềm vui ùa đến, tôi cảm thấy cả những đồng đội đã mất và những đồng đội đang sống cùng tôi bước lên sân khấu nhận giải. Tôi chỉ là người thay mặt đồng đội để nhận giải thưởng ấy. Tôi coi đó là sự vinh danh một thế hệ những người lính xếp bút nghiên lên đường ra trận, đã tận hiến một cách nghiêm cẩn, và đã hy sinh vì Tổ quốc.
- Có ý kiến không thể xếp “chung mâm” một phim về chiến tranh thiêng liêng như “Mùi cỏ cháy” với những phim về đề tài đồng tính hay mang tính thị trường như “Hot boy nổi loạn”, “Vũ điệu đam mê”, quan điểm của ông thế nào?
- Khi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 kết thúc, tôi tin rằng, vẫn có một Bông sen vàng từ những khán giả Phú Yên dành cho “Mùi cỏ cháy”, và đến giờ phút này, khi bạn hỏi, thì tôi lại tin rằng sẽ có một Bông sen vàng trong lòng khán giả rộng rãi của toàn cõi Việt Nam chứ không chỉ riêng khán giả Phú Yên. Đó là Bông sen vàng lấp lánh được lấy ra từ những giọt nước mắt, từ trái tim của những người xem.
- Có mặt tại Liên hoan phim vừa rồi, điều gì khiến ông xúc động nhất?
- Khi chiếu “Mùi cỏ cháy” ở Phú Yên có một việc đã diễn ra bất ngờ, đó là khi xem phim xong, một bà má miền Nam chạy lại ôm anh diễn viên đóng vai đại đội trưởng Kiên khóc mãi. Bà bảo: “Tôi có người con đi lính cộng hòa chết đến nay vẫn chưa biết ở nơi nào. Cám ơn các anh, xem cảnh các chiến sĩ đắp nấm mồ cho người lính phía bên kia, tôi bỗng tin rằng, có thể con tôi cũng được đắp một nấm mồ yên nghỉ ở đâu đó trên đất nước này…”.
“Mùi cỏ cháy” do NSƯT Hữu Mười làm đạo diễn. Bộ phim đã hoàn thành ngay trước ngày khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, kịp tham dự giải và đoạt Bông sen bạc. Tới đây “Mùi cỏ cháy” sẽ được chiếu trong dịp kỷ niệm 40 năm trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2012) và phục vụ rộng rãi công chúng cả nước. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã theo đuổi kịch bản 6 năm và cùng với đạo diễn điều chỉnh kịch bản nhiều lần để phù hợp với kinh phí ít ỏi dành cho bộ phim. |
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện