Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vừa qua đã tạo kỷ lục về độ ăn khách ở các phòng chiếu trong nước. Đến nay, bộ phim đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng này đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Trước thành công của tác phẩm được chuyển thể từ truyện gốc của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất kiệm lời khi nói về bộ phim. Tuy vậy, trở về nước sau chuyến đi Mỹ dài ngày, anh có bài phỏng vấn chia sẻ với VnExpress cảm nhận của mình.
- Anh xem phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" mấy lần và cảm xúc mỗi lần xem là như thế nào?
- Tôi xem phim này tất cả là ba lần, lần đầu tiên vào cuối tháng 10. Xem lần đầu, tôi không tránh khỏi cảm giác so sánh phim với truyện, mặc dù tôi không có ý định đó, chỉ là do tâm lý tự nhiên thôi. So sánh như vậy, có phần bất công cho phim. Vì bất cứ ai nếu đã đọc truyện rồi (huống hồ gì tôi là tác giả) đều cảm thấy phim thiếu chỗ này, thừa chỗ kia so với tác phẩm văn học. Giống như người Quảng đi ăn mì Quảng vậy. Lớn lên, ăn mì Quảng ở bất cứ đâu cũng không thấy ngon bằng tô mì mẹ nấu hồi bé. Không hẳn tô mì hôm nay dở hơn, chẳng qua cái gì ban đầu khi đã in sâu vào ký ức rồi lập tức trở thành một nỗi ám ảnh, biến thành một tiêu chuẩn, một thước đo vô hình, bất cứ cái gì khác đi một chút so với ấn tượng đầu tiên cũng thấy không ổn.
Nhưng lần sau, khi cảm giác so sánh nhạt đi, đi xem phim như xem một tác phẩm độc lập, tôi thấy phim hay hơn so với khi xem những lần đầu.
- Bộ phim đã đáp ứng mong chờ gì ở anh?
- Tất nhiên tôi không mong chờ phim sẽ giống hệt như truyện, vì điều đó xưa nay chưa từng xảy ra trên thế giới. Tôi chỉ tò mò muốn biết đạo diễn Victor Vũ kể lại câu chuyện của tôi bằng điện ảnh như thế nào. Mặc dù có một số chỗ làm chưa tới, ví dụ câu chuyện "công chúa - đức vua" phim không diễn tả được hết sắc thái lung linh của nó, hay phim chưa lý giải thấu đáo nguyên nhân vụ cháy nhà của bé Mận. Nhưng nhìn chung tôi cho rằng phim đã thành công trong việc chạm được vào trái tim của số đông người xem. Chọn bài hát Thằng Cuội làm nhạc nền của phim theo tôi là một lựa chọn thông minh.
Victor Vũ là người sinh ra và lớn lên ở Mỹ mà làm được bộ phim như thế về thôn quê Việt Nam là điều đáng ngạc nhiên.
- Truyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong các tác phẩm hiếm hoi anh khắc họa cái ác. Cái ác nằm trong truyện dễ được cảm nhận hơn vì gắn với diễn biến tâm lý nhân vật. Còn qua ngôn ngữ điện ảnh, anh thấy Victor Vũ khắc họa cái ác của nhân vật như thế nào?
- Đạo diễn đã có ý thức tiết chế phần "cái ác" trong truyện. Tôi nghĩ đó là cách xử lý đúng đắn. Cảnh Thiều trong cơn ghen giận đã đánh Tường chẳng hạn, mô tả bằng hình ảnh sẽ gây sốc hơn so với khi diễn đạt bằng con chữ nên khi lên phim đạo diễn cân nhắc về mặt liều lượng là một tính toán hợp lý. Chưa kể, so với tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh không có ưu thế hơn về mặt diễn giải nội tâm nên nếu đạo diễn để “cái ác” sổng ra mà không có đủ điều kiện bộc lộ đầy đủ sự sám hối của nhân vật như ngôn ngữ văn chương vẫn làm rất tốt thì “cái ác” sẽ vô tình được nhân lên gấp đôi.
- Khi xem phim, cảnh nào làm cho anh xúc động nhất?
- Những cảnh gợi cho tôi nhớ đến tuổi thơ của mình đều là những cảnh xúc động đối với tôi.
- Anh đã góp ý gì cho đoàn phim trong quá trình thực hiện?
- Trước khi làm phim, Victor Vũ có gặp tôi và hỏi một câu tương tự. Tôi chỉ nói Victor Vũ cứ làm phim theo đúng như những gì anh ấy cảm nhận. Trong quá trình làm phim, có chỗ nào anh ấy cảm thấy vướng mắc thì tôi sẽ góp ý, nếu không thì thôi, anh ấy chỉ cần giữ được tinh thần và thông điệp của cuốn tiểu thuyết là được.
- Anh có đọc trước kịch bản chuyển thể không?
- Trước nay, đã có nhiều tác phẩm của tôi được chuyển thể thành phim nhưng thú thật tôi chưa bao giờ đọc các kịch bản chuyển thể, dù các nhà biên kịch có gửi cho tôi nhờ tôi góp ý. Chỉ vì tôi quan niệm mỗi độc giả đều cảm nhận cuốn sách theo cách của mình. Nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn... cũng là những độc giả.
Ngay cả tôi, khi cuốn sách được in ra, tôi cũng chỉ là một độc giả của cuốn sách như bao độc giả. Chỉ khác ở chỗ tôi là độc giả đầu tiên. Khi đặt dấu chấm cuối cùng lên trang sách, tôi không còn thẩm quyền để phát ngôn, chẳng hạn "phải hiểu chỗ này như thế này", "ý tôi là như thế kia"… và khi cuốn sách được in ra hàng vạn bản, nó đã có cuộc sống riêng của nó, lúc đó nó đã thuộc về công chúng. Nếu tôi bảo phải hiểu cuốn sách là A nhưng người đọc cứ muốn hiểu là B thì tôi cũng không thể áp đặt được. Đó là tính dân chủ trong cảm thụ văn chương và khoảng trống văn bản trong tác phẩm của nhà văn luôn có chỗ cho óc sáng tạo và trí tưởng tượng của bạn đọc.
Tôi tin rằng khi chuyển thể tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đạo diễn Việt Linh đã nhìn câu chuyện này theo cảm quan cá nhân của chị. Và khi Victor Vũ đọc cuốn tiểu thuyết của tôi và kịch bản của chị Việt Linh, anh ấy cũng lại nhìn câu chuyện dưới thứ ánh sáng riêng của anh ấy.
- Vì lý do gì anh không thích can thiệp vào công việc của đạo diễn?
- Tôi muốn can thiệp cũng không được, và tôi nghĩ cũng không nên làm thế. Vì trong các phân khúc này (nhà văn - biên kịch - đạo diễn), cảm thụ của đạo diễn là quan trọng nhất, vì đó là người trực tiếp chọn diễn viên, chọn âm nhạc, chọn bối cảnh và nhất là chọn cách kể câu chuyện như thế nào. Nếu tôi muốn tham gia đến nơi đến chốn để bộ phim đúng theo ý mình, tôi phải góp ý tất cả các khâu chứ không chỉ là góp ý kịch bản, nhưng đó không phải là lãnh vực mà tôi am hiểu. Và nếu “nhảy xổ” vào như vậy, tôi không còn là nhà văn nữa mà đã là một…. phó đạo diễn mất rồi. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ rằng mỗi người chỉ có thể cày tốt trên mảnh ruộng của mình. Tôi thuộc về mảnh ruộng văn chương và tôi biết mình nên dừng lại ở lằn ranh nào. Nhà văn hãy cố làm tốt việc viết văn và hãy để đạo diễn làm công việc của họ. Tôi chỉ nghĩ giản dị như thế.
- Anh nghĩ sao nếu nói sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng với bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là thành công của anh ở một khía cạnh khác?
- Nói cho chính xác thì đây là thành công của đạo diễn Victor Vũ. Đây là tác phẩm của anh ấy. Nếu thành công thì tôi chỉ thành công với tác phẩm văn học.
- Điều lớn nhất anh thấy bộ phim mang lại là gì?
- Đó có lẽ là nó cho thấy nhu cầu đa dạng của khán giả. Khán giả điện ảnh hôm nay không chỉ cần tiếng cười hay những cảm giác mạnh. Có những nhu cầu sâu xa về mặt tâm hồn. Nhu cầu này không nổi lên trên bề mặt, nhưng nó vẫn hiện diện trong tâm tư con người Việt Nam. Nó mỏng manh mơ hồ như sợi tơ, nhưng nếu các nhà làm phim biết cách chạm tới, nó sẽ ngân lên.
- Tiền tác quyền anh nhận khi tác phẩm này được chuyển thể thành kịch bản phim là 40 triệu. Việc phim ăn khách tác động đến tiền tác quyền này ra sao?
- À, đó là số tiền cố định, trả một lần, không liên quan đến doanh số của bộ phim.
- Vậy anh có thấy mình bị thiệt thòi?
- Góp phần đem đến cho công chúng một bộ phim giàu cảm xúc như thế, tôi thấy vui hơn là thấy thiệt thòi.
- Nếu được, anh muốn tác phẩm nào của mình được chuyển thể thành phim?
- Bộ truyện Chuyện xứ Lang Biang. Tôi nghĩ tác phẩm này là một thách thức đối với các nhà làm phim. Đã có ít nhất ba đạo diễn nói với tôi là họ rất muốn dựng bộ truyện này thành phim nhưng họ rất e ngại phần kỹ xảo.
- Anh đang viết cuốn sách nào?
- Tôi đã viết xong tác phẩm mới hồi tháng 8. Nếu không có gì thay đổi, tác phẩm này sẽ ra mắt ngày 28/2/2016.
Thoại Hà thực hiện