Phong cách giản dị và lối nói chuyện hóm hỉnh, Trần Quang Hải đưa người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông biểu diễn các loại "đàn môi cha", "đàn môi con" của một dân tộc thiểu số. Ông còn dùng 2-3 chiếc thìa để "đàn" cho một điệu nhảy. Thậm chí, giáo sư Hải sử dụng cả tấm card ATM hoặc card điện thoại để đánh một bản nhạc dân tộc trước sự thán phục của mọi người.
Theo giáo sư Hải, chiếc đàn môi Việt Nam thu hút nhiều người trên thế giới thích thú tìm hiểu, nhưng trong nước lại quá ít người biết đến. "Tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm cho giới trẻ song quả thật là rất khó tìm người đi học thứ nhạc cụ này", giáo sư Hải nói.
GS-TS. Trần Văn Khê (trái) đánh đàn kìm và GS - TS Trần Quang Hải đang gõ nhịp sênh tiền trong một bản nhạc cổ. Ảnh: A.V. |
Trần Quang Hải còn biểu diễn hát nhạc Đồng song thanh. Ông giải thích đó là lối ca bắt đầu từ kỹ thuật hát của một số bộ tộc Mông Cổ được chính ông nghiên cứu và tập luyện thành thục. Người biểu diễn có thể hát một lúc hai thanh, hát trên nền thanh trầm, với những bồi âm sẽ tạo thành tiết tấu, ca khúc.
Sống ở Pháp từ lâu, ông Trần Quang Hải là một thuyết trình viên, nhạc sĩ sáng tác và là người thày nổi tiếng về sư phạm âm nhạc. Ông đã có hàng nghìn cuộc nói chuyện, giới thiệu âm nhạc Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Ông không chỉ chuyên về nhạc dân tộc Việt, mà còn là chuyên gia về nhạc cụ và âm nhạc của các nước châu Á.
Trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả trong ngoài nước tại tư gia GS-TS. Trần Văn Khê tối 12/12, ông đã biểu diễn điệu Cò lả và cả một đoạn trong Giao hưởng số 9 của Beethoven với một làn hơi thật khỏe khoắn, vui tươi và bay bổng.
Trần Quang Hải là thế hệ thứ 5 trong gia đình vốn có truyền thống âm nhạc lâu đời. Ông sinh năm 1944 tại tỉnh Gia Định (nay là Sài Gòn), bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Đến năm 1961, giáo sư Trần Văn Khê đưa con sang Pháp để học tập và trau dồi thêm trong âm nhạc.
"Hải ngày trước đánh violon rất hay. Nhưng nhờ sự góp ý của một giáo sư âm nhạc người nước ngoài rằng, muốn tiến xa hơn nữa thì chỉ có thể bắt đầu từ cái gốc âm nhạc dân tộc, Hải đã xin tôi truyền nghề. Tôi vô cùng hạnh phúc trước quyết định đúng đắn của con mình", giáo sư Khê bày tỏ.
Thoại Hà