Để tập trung toàn bộ tâm trí vào viết lách, nhà văn Mạc Ngôn (tên thật là Quản Mạc Nghiệp) thông báo hồi giữa tháng 2 rằng, con gái Quản Tiếu Tiếu (Guan Xiaoxiao) có toàn quyền đại diện cho ông trong việc xuất bản, đàm phán tác quyền các tác phẩm.
"Tôi công nhận mọi tài liệu, giấy tờ do con gái tôi ký", Mạc Ngôn tuyên bố.
Mạc Ngôn và những nhà văn Trung Quốc nổi tiếng khác không may mắn bằng các đồng nghiệp nước ngoài như Gabriel Garcia Marquez và Dan Brown là có hẳn một đội "giúp việc". Marquez và Brown chỉ chuyên tâm và viết. Việc liên hệ với nhà xuất bản, thương thảo tác quyền, tính toán nhuận bút và ty tỷ thứ lặt vặt khác liên quan tới giấy tờ, hợp đồng, con số... đã có những người đại diện cho nhà văn quán xuyến. Nghề "làm bầu" cho nhà văn không có gì mới ở nhiều quốc gia phương Tây, nhưng nó gần như chưa hình thành một cách thực sự tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines...
Nhà văn Trì Lợi, tác giả cuốn "Hễ sướng thì hét lên", cho biết, bà có 6 "người giúp việc" trong đó có con gái, để hỗ trợ công việc viết lách của bà. "Nhưng không ai trong số đó thực sự là ‘người đại diện nhà văn', làm công việc liên hệ với các nhà xuất bản, phát hành đúng với nghĩa của từ này", bà nói.
Do công việc đại diện nhà văn chưa hình thành tại Trung Quốc như một nghề thực sự nên các tác giả nước này thường thuê mướn người nhà như một bên thứ ba đáng tin cậy hỗ trợ các hoạt động liên quan đến đầu ra cho tác phẩm. Tuy vậy, với sự phát triển ngày càng mạnh của ngành xuất bản và sự gia tăng hoạt động giao dịch tác quyền với các đối tác nước ngoài, tiêu chuẩn đối với những người "giúp việc" nhà văn ngày càng cao, ngày càng cần chuyên nghiệp hóa.
"Thiếu các đại diện nhà văn, ngay cả việc giao dịch tác quyền nội địa cũng trở nên rất khó khăn. Tác phẩm của nhà văn viết ra thường được nhiều nhà xuất bản cùng in, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các nhà xuất bản cũng như thu nhập của nhà văn. Đó là chưa kể đến phạm vi lớn hơn là đưa tác phẩm ra nước ngoài", Liu Feng, giám đốc nhà xuất bản Yilin Press, chia sẻ với China Daily.
Liu cho biết ông từng có nhiều cơ hội làm việc với Deborah Owen - người đại diện cho nhà văn nổi tiếng Israel Amos Oz. Owen đã bán bản quyền dịch tác phẩm của Oz ra 39 ngôn ngữ trên thế giới.
"Deborah Owen nói mối quan hệ giữa bà và Amos Oz chẳng khác nào một cuộc hôn nhân", Liu kể và nhận xét thêm, sự hợp tác tốt với người đại diện sẽ giúp sự nghiệp của nhà văn phát triển đồng thời đem lại giá trị thương mại lớn cho những tác phẩm.
Giới xuất bản và các nhà văn Trung Quốc cũng từng được kiểm chứng quyền lực của những người đại diện nhà văn qua trường hợp của Carmen Balcells và Toby Eady.
Carmen Balcells là người đại diện cho 6 nhà văn Nobel, trong đó có Garcia Marquez. Nhờ có bà, năm 2011, Trung Quốc mới được đường đường chính chính xuất bản các tác phẩm của Marquez. Nguyên nhân xuất phát từ một "lệnh cấm" của tiểu thuyết gia người Colombia đối với giới xuất bản Trung Quốc. Đầu những năm 1980, cuốn Trăm năm cô đơn của Marquez bị dịch và in lậu tràn lan tại Trung Quốc. Điều này khiến Garcia Marquez rất tức giận. Năm 1990, khi đến thăm Trung Quốc, ông thề rằng, dù là 150 năm sau khi ông mất, ông cũng không cho phép tác phẩm của mình được phát hành hợp pháp tại Trung Quốc.
20 năm qua, hơn 100 nhà xuất bản đã cố gắng liên lạc với Marquez thông qua Sứ quán Colombia ở Trung Quốc và Sứ quán Mexico (đất nước ông đang định cư) để mua tác quyền nhưng đều thất bại. Năm 2008, sau khi tìm hết cách, giám đốc NXB Thinkingdom, thông qua Carmen Balcells, gửi một bức "tâm thư" đến Marquez. Carmen Balcells, đầy thận trọng và chuyên nghiệp, đã cử một đoàn công tác đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh trong vòng hai tháng để khảo sát kỹ thị trường sách Trung Quốc, đặc biệt là mảng văn học dịch. Sau khi đánh giá đầy đủ tình hình xuất bản ở Trung Quốc, đại diện văn học của Marquez mới ký hợp đồng với Thinkingdom. Năm 2011, Trăm năm cô đơn - bản có tác quyền - của Thinkingdom ra mắt tại Trung Quốc và trở thành một hiện tượng thành công trong năm của ngành xuất bản nước này.
Còn Toby Eady là người đã khiến cho cả giới xuất bản ý thức được tầm quan trọng của nghề đại diện nhà văn. Nhờ các mối quan hệ của Eady, cuốn Confucius from the Heart (Khổng Tử tinh hoa) của học giả Vu Đan đã được dịch ra 28 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Việt), trở thành một trong những tác phẩm bán chạy ở thị trường sách phương Tây - thành công ngoài sức tưởng tượng đối với một cuốn sách "bàn chuyện xưa" của Trung Quốc.
Với niềm tin, "sách là tri thức và chiêm nghiệm của con người về cuộc sống", Eady cho rằng, những người đại diện cần "có tài năng và táo bạo trong việc tìm ra những cuốn sách viết về những điều khiến người ta phải suy nghĩ, phải hứng thú đồng thời phải có tầm nhìn trong việc chọn nhà xuất bản, chọn thời điểm để cuốn sách đến được với đông đảo độc giả nhất". "Ông bầu" kỳ cựu này cũng nhận định: "Trung Quốc chưa hiểu và chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nghề đại diện nhà văn".
Một nguyên nhân quan trọng là thu nhập của nhà văn nước này hiện vẫn rất thấp. Thông thường, người đại diện sẽ được hưởng 10 - 20% thu nhập từ tác quyền của nhà văn. Hiện, phần lớn người cầm bút ở Trung Quốc chưa kiếm đủ để tự nuôi sống mình, chưa nói tới việc nuôi thêm một "người giúp việc" nữa.
"Ở Trung Quốc, cũng như nhiều nước châu Á, chỉ những tác giả rất nổi tiếng mới có một người bên cạnh, làm các công việc giống như ‘literary agent’", Jackie Huang Jiakun, một người hoạt động lâu năm trong ngành xuất bản Trung Quốc cho biết.
Nhưng tình trạng này đang dần thay đổi. Quách Kính Minh - một nhà văn ngôi sao với những trang viết cho tuổi teen - đang dựng nên một công ty đại diện riêng. Zuibook của Kính Minh đại diện cho anh và các cây bút trẻ Trung Quốc. Ngoài ra, Zuibook còn tuyển chọn, cung cấp người đại diện cho các nhà văn nổi tiếng như Mạch Gia - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Phong thanh" đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Giới xuất bản Trung Quốc tin rằng, với những dấu hiệu này, nghề đại diện nhà văn đã manh nha xuất hiện và dự báo trở thành nghề hot tại Trung Quốc trong tương lai.
Huyền Anh