Đó là nhận định từ một bài viết trên Tân Kinh Báo trước những phản ứng thái quá về việc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel. Nhà văn 57 tuổi người Cao Mật, Sơn Đông là cây bút mang về cho Trung Quốc giải Nobel Văn học đầu tiên trong lịch sử. Tiểu thuyết gia gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện từng đoạt giải thưởng này năm 2000 nhưng lúc đó, ông mang quốc tịch Pháp.
Chiến thắng của Mạc Ngôn là vinh dự của cá nhân ông đồng thời cũng là chuyện đại hỷ của giới văn học Trung Quốc. Giải thưởng của Mạc Ngôn cũng làm thỏa lòng mong mỏi của không ít người dân nước này vì họ đã đợi giải thưởng từ rất lâu rồi.
Tân Kinh Báo cho rằng, không thể phủ nhận, giải thưởng khiến người Trung Quốc phấn chấn, văn học Trung Quốc được khích lệ. Nhưng giải Nobel chỉ là sự khẳng định đối với cá nhân Mạc Ngôn chứ không phải đối với cả nền văn học Trung Quốc.
Nhà văn Mạc Ngôn. |
Bản thân Mạc Ngôn và người nhà cũng không quá hoan hỷ, đồng thời cũng không vì ánh hào quang của giải Nobel mà đánh mất đi tâm thế cân bằng vốn có. Phát biểu sau khi biết tin mình đoạt giải, Mạc Ngôn nói: "Tôi rất vui. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nó không thể hiện được điều gì". Mạc Ngôn nói rằng, trong tương lai ông sẽ tiếp tục dồn sức cho việc sáng tác. Anh trai của Mạc Ngôn khi trả lời phỏng vấn cũng nói "rất vui". Tuy nhiên ông cũng rất bình thản: "Đây là chuyện rất bình thường".
Bài viết phân tích thêm, văn học vốn là sáng tạo thuần túy cá nhân, không phải công lao của tập thể. Tác phẩm của Mạc Ngôn chỉ đại diện cho trình độ nghệ thuật của ông chứ không đại diện cho những người khác. Cũng như, nếu không có người đoạt giải cũng không thể nói văn học Trung Quốc không có mặt trên bản đồ văn học thế giới.
Ý nghĩa to lớn nhất của giải Nobel dành cho Mạc Ngôn có lẽ nằm ở chỗ, nó khiến người Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới văn học trở lại, đồng thời nó cũng khiến những người cầm bút ở Trung Quốc bắt đầu phải suy nghĩ, tác phẩm như thế nào thì mới có thể xứng đáng gọi là "tác gia".
Lê Văn