Tối 12 và 13/10, dự án sân khấu thể nghiệm diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Bốn vở kịch do các đạo diễn: Amélie Niermeyer (Đức), Trần Lực (đoàn kịch xã hội hóa LucTeam), Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) và Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân,TP HCM) thực hiện, mỗi vở kéo dài từ 25 - 30 phút. Góc nhìn từ phụ nữ tới đàn ông, từ Đông sang Tây, từ truyền thống tới hiện đại của bốn đạo diễn đem tới trải nghiệm sân khấu đa dạng, mới mẻ cho người yêu nghệ thuật.
Đại diện Viện Goethe - đơn vị phối hợp tổ chức dự án - chia sẻ họ đặt tên Nàng K chứ không phải Nàng Kiều để tạo sự gợi mở: "Những hoạt động trong dự án không hẳn về nàng Kiều trong nguyên tác của Nguyễn Du, mà mang ý nghĩa rộng hơn, về thân phận của phụ nữ". Đó cũng là tinh thần bốn vở kịch trong đêm diễn hướng tới.
Nàng K... trong bối cảnh hiện đại của đạo diễn Amélie Niermeyer
Amélie Niermeyer đặt mối tình tay ba giữa Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư vào bối cảnh hiện đại, không phải ở thế kỷ 18 như nguyên tác. Ông Wilfried Eckstein, giám đốc Viện Goethe, chia sẻ đạo diễn Amélie Niermeyer không muốn tiếp cận nhân vật Kiều ở góc độ đau buồn, bi kịch, bế tắc. Bà muốn thông qua góc nhìn của những phụ nữ hiện đại, chỉ ra đàn ông đã sai ở đâu và hướng tới thông điệp về phụ nữ tự tin, bản lĩnh.
Vở kịch có ba nhân vật - một người vợ hiện đại, một anh chồng không chung thủy và cô nàng cặp bồ với anh ta. Họ gặp nhau tại quán ăn, cùng bàn luận về Kiều. Khi góc nhìn hiện đại gặp câu chuyện truyền thống, tự nó nảy sinh những xung đột và cuối cùng, người đàn ông - kẻ ngoại tình hay "Thúc Sinh" - lộ ra là kẻ đáng trách nhất. Diễn viên Thu Quỳnh - đảm nhận vai Hoạn Thư - chia sẻ trong mối quan hệ ba người, người sai không phải Hoạn Thư hay Kiều mà là Thúc Sinh. "Vậy tại sao mọi người lại bỏ qua khía cạnh về người đàn ông khi xét đến câu chuyện này?", Thu Quỳnh nói.
Nàng K... mạnh mẽ bên những người đàn ông yếu đuối của Trần Lực
Đạo diễn Trần Lực chia sẻ: "Kiều đẹp chắc chắn rồi. Nhưng tôi lại muốn nói về những người đàn ông bên cạnh Kiều. Đó là câu chuyện của tôi". Vở kịch xoay quanh mối quan hệ giữa Kiều với Từ Hải và Kiều báo ân báo oán với Sở Khanh, qua đó bộc lộ sự trưởng thành, mạnh mẽ của Kiều cũng như cách nàng làm chủ cuộc đời mình. "Phụ nữ cần phải thể hiện bình đẳng với nam giới. Chỉ khi họ nhận thức được điều ấy, chúng ta mới xóa bỏ được định kiến và phân biệt", Trần Lực nói.
Nàng Kiều của Lucteam không mặc xiêm y truyền thống mà diện lên mình áo vest, quần âu. Trên nền nhạc của bộ trống gõ kết hợp múa đương đại pha tuồng truyền thống, nàng Kiều xuất hiện vừa quen thuộc vừa hiện đại, dữ dội và sắc sảo.
Nàng K... phiên bản hiện đại - truyền thống của đạo diễn Như Lai
Đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ: "Trong tất cả tác phẩm tôi làm, tôi luôn đặt tính biểu tượng lên hàng đầu. Tính biểu tượng có ý nghĩa quan trọng trong tác phẩm của Nguyễn Du và tôi cố gắng đưa nó ra, làm cho nó hiện diện trên sân khấu, cho nó một đời sống, một cảm xúc, một thực thể".
Vở kịch hơn 25 phút gần như không có cốt truyện, chỉ có hình ảnh hai nàng K - một truyền thống, một hiện đại - xuất hiện cạnh nhau, quấn quýt vào nhau rồi lại tách rời, bị đọa đày, giày xéo trên bối cảnh là rất nhiều dây thừng, bàn ghế, âm loa và nhiều người đàn ông vây quanh họ. Đó là những định kiến, trói buộc người phụ nữ từ khi họ sinh ra.
Kịch hình thể là một trong những thế mạnh của đạo diễn Như Lai. Ở đây, ông kết hợp giữa nghệ thuật hình thể và kịch nói, tạo nên những phân đoạn cao trào và ám ảnh. Xoay quanh bốn chủ đề chính: thân phận, tình yêu, định mệnh và tự do, vở kịch ám ảnh với câu hỏi: phụ nữ đã sinh ra thế giới, cớ sao thế giới lại đạp họ xuống bùn đen? Đến bao giờ phụ nữ được là chính mình, được yêu và được tôn thờ?
Nàng K... đa chiều của đạo diễn Hồng Vân
Vở Ngẫm Kiều của đạo diễn Hồng Vân (kịch bản: Lê Quốc Nam) thể hiện theo lối nhạc kịch truyền thống: gồm người dẫn chuyện đọc những câu thơ và nhân vật minh họa cho lời thơ đó.
Hồng Vân khai thác mối quan hệ giữa Thúy Kiều - Đạm Tiên và Hoạn Thư trong các phân cảnh Kiều gặp Đạm Tiên và Kiều báo ân báo oán Hoạn Thư. Thúy Kiều trong vở kịch hiện lên đa chiều, cô trả thù những kẻ đã hãm hại mình và có những toan tính, thù hận riêng. Hình tượng Hoạn Thư và Đạm Tiên như bản ngã của Thúy Kiều về tình yêu và sự buông bỏ, thứ tha.
Kinh dị là một trong những nét riêng của vở Ngẫm Kiều. Màu sắc liêu trai tạo nên mạch nối giữa các quyết định của Kiều, để đến cuối cùng vở kịch đi tới câu hỏi: "Bi kịch của con người là do nhân định hay thiên định?".
NSND Hồng Vân chia sẻ: "Vấn đề tôi nhấn mạnh trong các tác phẩm của mình đó là cảm xúc. Chính vì thế, tôi muốn truyền tải Kiều bằng cách vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hỗ trợ đạo diễn đưa âm nhạc vào Kiều để dẫn dắt cảm xúc người xem.
Dự án Nàng K... - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa được Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017. Dự án gồm năm chương trình: Hội thảo Đọc lại Truyện Kiều, Sân khấu thử nghiệm Nàng K..., Triển lãm sắp đặt (tại Viện Goethe từ ngày 8 đến 20/10 và từ ngày 25 đến 27/10), Cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh và chương trình chiếu phim.
Sân khấu thử nghiệm Nàng K... là chương trình kết hợp giữa Viện Goethe (Hà Nội) và Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài hai đêm diễn tại Hà Nội, dự án diễn ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) vào ngày 19/10.
Bảo Thư (Ảnh, video: TB)