Góp mặt trong hạng mục "New Currents", Miền ký ức chiếu vào ngày 10, 11 và 14/10 trong khuôn khổ liên hoan phim. Đạo diễn Bùi Kim Quy không tham gia sự kiện trực tiếp vì vấn đề về sức khỏe. Do đó, ê-kíp không góp mặt trong các hoạt động thảm đỏ, ra mắt phim và giao lưu với truyền thông, khán giả.
Chuyên trang phê bình phim Screendaily nhận xét về phim: "Sự rõ ràng, trọng tâm và nghệ thuật kể chuyện của bộ phim đến từ những hình ảnh tiêu điều đầy chất thơ, được nhà quay phim Đặng Xuân Trường ghi lại một cách sinh động". Những hình ảnh lột tả sự thiếu vắng của sự sống như trái cây thối rữa, lá rụng, bát cơm đầy kiến, chậu vỡ, những tòa nhà trống rỗng, chân dung phai màu trên bức tường tróc sơn, những mái nhà lụp xụp và ngôi làng bị bỏ hoang...
Theo Screendaily, đạo diễn Bùi Kim Quy sử dụng chuỗi câu chuyện liên quan để phản ánh những thái độ của con người về cái chết, ở Việt Nam. Tác giả Allan Hunter viết: "Lễ nghi và tính thực tế, hòa hợp và bất hòa, những tâm nguyện và lựa chọn khó khăn để người thân được yên nghỉ".
Trang này cho rằng phim cũng thành công khi phản ánh một số vấn đề trong xã hội như: địa vị của phụ nữ khi những mong muốn của họ không được tôn trọng, sự tương phản giữa không gian thanh bình vùng nông thôn và thành phố nhộn nhịp. "Hà Nội là một tổ hợp công trường xây dựng, tắc đường, chung cư cao tầng che kín bầu trời và bóp nghẹt những gốc rễ từng có. Cuối cùng, có lẽ chính Việt Nam đã trở thành miền ký ức", bài báo nêu.
Trước đó, đạo diễn Park Sung Ho - thành viên ban tổ chức, chịu trách nhiệm mảng điện ảnh châu Á - bình luận: "Cuối cùng, thái độ với cái chết được quyết định bởi cách những người còn sống tiếp nhận nó. Chúng ta không thể bắt ai đó nhớ mãi về một người, ôm lấy những ký ức về họ. Miền ký ức của Bùi Kim Quy giải quyết vấn đề này bằng cách tiết lộ sự thật mà không ai có thể thoát khỏi".
Trong sự kiện giao lưu hôm 7/10, đạo diễn Deepa Mehta - thành viên trong hội đồng giám khảo - cho biết hạng mục "New Currents" vinh danh những tác phẩm có cách kể chuyện mới. "Một số bộ phim thể hiện khát vọng sinh tồn. Tôi có thể thưởng thức những tình tiết đan xen giữa sự sống và cái chết, rất thú vị và hợp với bối cảnh Covid-19 hiện nay. Một tác phẩm hợp thời với cách kể chuyện nghệ thuật là ưu tiên của tôi".
Theo thông tin trên website của liên hoan, phim dài 99 phút, mở đầu bằng cái chết của một người mẹ, đau đáu lo cho con trai đến phút cuối đời. Trong khi hàng xóm đào huyệt để chôn cất bà, cậu con trai khăng khăng đòi hỏa táng. Một người đàn ông khác chết do tai nạn lao động ở công trường. Vợ anh quyết định đưa chồng về quê an táng. Tuy nhiên, họ hàng bên chồng nghi ngờ sự chung thủy của người vợ vì cô còn trẻ đẹp.
Đạo diễn Bùi Kim Quy sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị từng thực hiện phim ngắn Cái đệm (giải nhất Liên hoan phim ngắn toàn quốc 2003), Đã qua giao thừa (2005), Sao ban ngày không có mặt trăng (2006), Khung trời ảo vọng (Giải khuyến khích Liên hoan phim ngắn toàn quốc 2007). Chị từng viết kịch bản Con người ta, Ngủ mơ, Người truyền giống, đồng tác giả kịch bản Lời nguyền huyết ngải, Cưới ngay kẻo lỡ.
Giải "New Currents" trao cho hai tác phẩm xuất sắc, được lựa chọn từ phim đầu tay hoặc thứ hai của các đạo diễn mới ở châu Á. Phim chiến thắng sẽ nhận 30.000 USD tiền mặt. Năm 2019, Ròm của Trần Dũng Thanh Huy được vinh danh ở hạng mục này.
Liên hoan phim quốc tế Busan là một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất châu Á, được tổ chức từ năm 1996. Giải thưởng chủ yếu tôn vinh các đạo diễn trẻ, tác phẩm mới ra mắt với 21 hạng mục. Năm nay, sự kiện kéo dài từ ngày 6-15/10 với 223 bộ phim đến từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hiểu Nhân