Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại Huế nhưng dành hơn nửa thế kỷ gắn bó với nước Đức. Trong những năm tháng rời xa quê, câu chuyện tuổi thơ về bà, mạ, chị, về những bạn học trường nữ sinh Đồng Khánh... hiển hiện tươi rói trong ký ức bà. Thái Kim Lan góp nhặt cảm xúc đó, ghi lại thành tập tản văn Mai rồi mưa tạnh trong xuân.
Thái Kim Lan là người nhạy cảm với thời gian. Chỉ mưa xuân cũng gợi nhiều nỗi nhớ. Hạt mưa là thước đo của kỷ niệm và hạnh phúc, dẫn lối tác giả "đi vào mê lộ dĩ vãng, tìm từng dấu vết mưa bụi vương trên mắt, trên tóc trên vai", "cảm giác như mình đang mộng du, chân không chấm đất, người như say phiêu diêu".
Huế hiện lên trong nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả. Bà viết: "Thuở ấy bờ sông Hương xanh um cây lá, bốn mùa nở rộ những loài hoa mộc mạc của ruộng vườn, hoa mướp hoa cà hoa bí xen với râm bụt thêu đường đi và lúa biền óng ả xanh bắt chước sóng nhấp nhô. Phong cảnh chảy theo hai bên bờ như hát cùng một nhịp đò đưa. Cây dại cây dứa níu áo bắt đền những trái mâm xôi chín mọng đang òa hương nơi từng bụm tay úp vào miệng. Có đứa đã lên xe, đứa còn dùng dắng gỡ gai mắc áo. Ðỉnh đồi Hà Khê như mõm con rồng chênh vênh trên con sông uốn khúc. Tới đây mà xem nì! Dòng sông cứ lửng lơ trong mơ mộng mãi hoài".
Ký ức sâu rộng nhất với người xa xứ không gì hơn hương vị Tết quê nhà. Mai rồi mưa tạnh trong xuân có nhiều trang về tết Huế với những nét đẹp đã trở thành lưu ảnh trong tâm trí. Trong bài Ăn tết nơi mô?, Kim Lan viết: "Một nỗi hiu quạnh nào đó xông lên đột ngột len vào người, mặc cho buổi tái ngộ anh em làm vui lòng không nhỏ, nhưng ngó quanh thật đơn chiếc...".
Cuộc trở về ký ức Tết xưa có khi bắt đầu bằng một chút hương vị mứt gừng, vừa ngọt vừa cay, dẫn dụ cả một trời ký ức, một tiếng chuông chùa Phước Điền rung lên từng hồi báo hiệu thời khắc giao thừa, khi mâm cơm cúng tổ tiên đã xong, lòng bồi hồi xao xuyến.
Với Thái Kim Lan, quê hương luôn ấp ủ, bồng bế con người khi lẻ loi nơi đất khách. Xứ Huế không chỉ là nỗi nhớ đơn thuần mà đã trở thành một phần của tập quán tinh thần cá nhân. Vùng sâu ký ức luôn được bà nhắc đến một cách đầy tự hào đó là chiếc áo dài. Thái Kim Lan muốn nhìn áo dài như một giá trị cốt lõi của người sông Hương.
42 bài viết được thể hiện bởi giọng văn nên thơ, hư ảo. Tác giả bộc bạch trong lời đầu cuốn sách: "Hành văn luôn là một cuộc thoát xác ngôn ngữ như hơi tàn nối hơi tàn bằng sợi giây tơ nhỏ nhất, như ánh sáng của mùa xuân trong cơn mưa... như tiếng cười trong nước mắt".
Tác giả Thái Kim Lan sinh ở Huế. Bà từng là Giáo sư Triết học trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế (1964 - 1965). Năm 1965, bà du học Đức với học bổng của Viện trao đổi hàn lâm Đức (DAAD). Từ năm 1978 đến 2007, bà là giảng viên Triết học so sánh Đông - Tây tại Trường Đại học Ludwig-Maximilian Universität, München.
Bà là tác giả các cuốn: Tuyển tập văn học Đức - Việt về B. Brecht và Hermann Hesse (tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Dẫn nhập triết học siêu nghiệm của I. Kant vào Việt Nam (2004), In einem kälteren Land - Lạnh hơn xứ mình (Tập thơ song ngữ Đức - Việt)... Thái Kim Lan còn là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo, nhiều bài ký sự, tùy bút... và xuất bản ba quyển sách nấu ăn thuộc hạng best-seller (Indonesisch Kochen, Kochen mit dem Wok, Chinesisch Kochen) của nhà xuất bản chuyên về ẩm thực và sức khỏe Gräfer & Unzer - München, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Hồng Lam