Tối 30/11, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long công diễn liveshow Hà Nội xưa và nay. Chương trình gồm hai phần, khắc họa Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại.
Ở phần Hà Nội xưa, các nghệ sĩ tái hiện nhiều "đặc sản" văn hóa của Hà Nội từ thuở là kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lý, Trần. Các tiết mục xẩm chợ, ca trù... được dàn dựng công phu, khiến người xem thích thú.
Câu chuyện vua Trần nhường ngôi sớm, lên Yên Tử sáng lập thiền phái Trúc Lâm được nhắc lại qua tiết mục múa Thiền do NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng. Ngoài ra, một số tập tục của người Hà thành xưa như hóa vàng ngày Tết, xem múa rối nước được gợi nhớ qua màn hát múa Hóa vàng của NSƯT Thanh Thanh Hiền, múa Tễu do Hà Tứ Thiên biểu diễn.
Hà Nội xưa khắc họa một Thăng Long phồn hoa, náo nhiệt, giàu truyền thống văn hóa. NSƯT Mạnh Tiến - người phụ trách âm nhạc của phần một chương trình - sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn bầu, trống phát lôi, thanh la... để tạo ra không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Trong nhiều tiết mục, khán giả hào hứng vỗ tay theo nhịp cổ vũ các nghệ sĩ.
Hà Nội xưa khép lại với tiết mục Đêm ả đào. Không gian Hà Nội nay được mở ra qua loạt ca khúc Trở về (Dương Thụ), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài), Hà Nội của tôi (Tiến Minh), Phố không mùa (Dương Trường Giang). Lê Anh - người dẫn chuyện của chương trình - gợi nhắc nhiều nét đặc trưng của Hà Nội như hoa sữa mùa thu, cúc họa mi đầu đông, những món ăn vỉa hè...
* Mỹ Linh hát "Hà Nội đêm trở gió"
Điểm nhấn của phần này là màn biểu diễn của khách mời Mỹ Linh. Diva nhạc nhẹ thể hiện ca khúc Trên đỉnh Phù Vân, Hà Nội đêm trở gió và song ca với Tấn Minh bài hát Mong anh về.
Chương trình khép lại với màn kịch hát Một ngày Hà Nội do tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn. Tiết mục khắc họa một Hà Nội hiện đại, sôi động, nhộn nhịp với những hình ảnh giản dị như trà đá vỉa hè, tập thể dục công viên, giới trẻ nhảy trên đường phố...
* Các nghệ sĩ hát liên khúc về Hà Nội
Điểm cộng của liveshow Hà Nội xưa và nay là các tiết mục được dàn dựng công phu với vũ đạo đẹp mắt, các đạo cụ hỗ trợ cầu kỳ. Sân khấu được trang trí đẹp mắt với hình ảnh những ngôi nhà cổ, cây bàng đầu đông trụi lá, cột điện giăng mắc... đặc trưng của Hà Nội. Màn hình LED hỗ trợ tốt trong các tiết mục. Tuy nhiên, cách chuyển từ phần một sang phần hai chưa uyển chuyển, hợp lý. Ngoài ra, một số ca khúc trong phần hai như Nhớ anh, Mong anh về thiếu liên kết với chủ đề chung.
Ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ chị xúc động khi được xem các tiết mục của phần Hà Nội xưa, đặc biệt là múa Tễu. Diva khâm phục tinh thần làm việc, nhiệt huyết của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
NSƯT Tấn Minh - giám đốc nhà hát - gọi Hà Nội xưa và nay là "cuộc chơi của những người làm nghệ thuật". Anh cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị của anh thực hiện một liveshow thương mại, bán vé cho khán giả. Êkíp không đặt nặng vấn đề lỗ, lãi.
"Tôi không dám nói chương trình này hay. Tuy nhiên, tôi tin Hà Nội xưa và nay có thể đọng lại ít nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Đặc biệt, tôi hy vọng khán giả có thể nhìn thấy tình yêu nghề của các nghệ sĩ qua từng tiết mục", NSƯT Tấn Minh chia sẻ trên sân khấu.
* Một số hình ảnh trong chương trình
Hà Thu