Trên sân khấu chèo, Thu Huyền từng ghi dấu với hình ảnh Thị Màu lẳng lơ, sắc sảo. Ngoài đời, chị chiếm thiện cảm người đối diện nhờ vẻ duyên dáng, hiền lành. Từ ngày yên bề gia thất vào năm 2004, khán giả ít thấy bóng dáng Huyền “chèo” trên sân khấu bởi chị chấp nhận lui về phía sau vun vén cho gia đình nhỏ.
- Chị hiện là phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội còn chồng - ca sĩ Tấn Minh - là giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Anh chị phân chia thời gian như thế nào để chăm sóc gia đình?
- Tôi và chồng đều rất bận nhưng trong cuộc sống với con cái thì không thể để công việc chi phối. Anh Minh thường phải đi công tác nên kết thúc ngày làm việc, tôi về thẳng nhà để lo toan việc bếp núc và săn sóc hai con trai. Phụ nữ dù có thành công đến đâu cũng không thể bỏ lửng gia đình. Tôi thấy may mắn khi nhận được hỗ trợ từ bố mẹ. Ông bà sống gần nên thường xuyên chăm bẵm hai bé mỗi lúc vợ chồng tôi vắng nhà.
- Chồng hỗ trợ chị ra sao?
- Với tôi, anh Minh không chỉ là bạn đời mà còn là bạn cùng tiến. Anh luôn đưa ra lời nhận xét, góp ý trong công việc của tôi. Hơn thế nữa, khi đi làm về, anh không ngần ngại vào bếp giúp vợ rửa bát.
- Tấn Minh là người theo phong cách nhạc nhẹ trữ tình, chị lại theo đuổi chèo. Vậy trong cuộc sống riêng tư, hai người dung hòa với nhau như thế nào?
- Nói thật, 13 năm lấy nhau, chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau. Luật bất thành văn giữa tôi và anh Minh là “có cái gì nói luôn”, bởi cả hai đều nghĩ nếu đã sống với nhau, khó chịu với nhau ở những quan điểm lớn thì hạnh phúc kém bền vững. Nhiều nghệ sĩ bỏ nhau thường vì cá tính mạnh và cái tôi cao. Nếu không cư xử hòa hợp thì khó sống cùng được.
Ở nhà, chúng tôi rất hay trò chuyện. Khi có mâu thuẫn nhỏ, cả hai biết cách gạt bỏ cái tôi, tôn trọng và chia sẻ trên quan điểm xây dựng, không áp đặt hay cấm đoán. Vợ chồng cùng sống cho con cái. Bởi thế, tôi và anh Minh phù hợp với nhau trong quan điểm sống và nhất là chưa khi nào giận nhau quá hai ngày.
- Anh chị đặt niềm tin thế nào với "nửa kia" khi cùng hoạt động trong môi trường nghệ thuật phức tạp?
- Lấy nhau được hơn 10 năm, chưa khi nào tôi có cơ hội để ghen với chồng và anh Minh cũng như vậy. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau.
Thiết nghĩ nên vợ nên chồng là do duyên số. Chúng tôi quen nhau từ ngày mới ra trường, thường xuyên đi diễn chung và trước khi về cùng một nhà, chúng tôi có 10 năm tình bạn. Hồi mới biết nhau, tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ lấy anh Minh làm chồng. Tiêu chí chọn lựa bạn đời của chúng tôi ngày đó rất khác nhau. Tôi không thích lấy chồng làm nghệ thuật vì lo sau này con cái ai chăm. Anh Minh thì muốn lấy một cô người mẫu. Trớ trêu thay, cuối cùng, tôi lấy ông chồng cùng nghề còn anh Minh lấy bà chân ngắn (cười).
* Thu Huyền hát làn điệu chèo "Đường trường duyên phận"
- Anh chị định hướng nghề nghiệp cho hai con ra sao?
- Vợ chồng tôi không áp đặt nghề nghiệp cho các cháu. Bé lớn năm nay 12 tuổi, những lúc hai mẹ con tỉ tê tâm sự, tôi có nói với cháu sau này con làm nghề gì cũng được, bố mẹ đều ủng hộ. Chỉ có điều nghề đó con phải yêu thích. Khi yêu thích và thực sự mong muốn thì con phải thật giỏi trong nghề ấy. Nếu làm nghệ thuật không có tố chất, không có đam mê thì không bao giờ thành tài được.
- Nhắc đến Thu Huyền, khán giả nhớ ngay đến vai Thị Màu. Vai diễn này ảnh hưởng thế nào tới nghề nghiệp của chị?
- Thị Màu là vai nữ lệch điển hình trong nghệ thuật chèo mà bất kỳ ai bước vào nghề đều phải học. Năm 15 tuổi, lần đầu tiên tôi được các thầy giao cho vai diễn này nhờ dáng người nhỏ nhắn và nhất là đôi mắt biết lột tả sắc thái nhân vật. Đến khi ra trường, tôi đã được diễn ngay vai Thị Màu ở sân khấu số 15, Nguyễn Đình Chiểu (hiện là Nhà hát Chèo Hà Nội) bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi như: Lâm Bằng, Quốc Chiêm, Xuân Hanh, Thúy Mùi… Đấy là niềm hạnh phúc và vinh dự rất lớn đối với cô gái lúc ấy chỉ 17 tuổi như tôi.
Nhân vật Thị Màu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính mang nét tính cách xấu. Nhưng với con mắt của xã hội hiện đại, người ta vị tha với cô Màu, yêu thích cô bởi dám nói lên lòng mong muốn, xóa bỏ xiềng xích của xã hội phong kiến. Vậy nên tôi chưa thấy ai mắng chửi, ghét bỏ, chỉ thấy người ta nói: “Ôi Thị Màu yêu thế, xinh thế, duyên thế”. Thậm chí, mỗi khi tôi ra đường, khán giả toàn gọi "Màu ơi".
* NSƯT Thu Huyền diễn vai Thị Màu
- Trong nghiệp diễn, ngoài Thị Màu, vai diễn nào chiếm nhiều tâm huyết của chị nhất?
- Tôi từng đóng rất nhiều vai nữ lệnh như Cám, Thắm, Hoạn Thư trong Kiều, vai trẻ con như cu nhỡ, nhiều lần chuyển sang vai nữ chín như: cô Son, Thị Phương, nàng Sita… Vai Thị Phương trong vở chèo Trương Viên đã đánh dấu sự vượt lên chính mình của tôi. Đó là một vai diễn kinh điển của sân khấu chèo cổ, đòi hỏi trình thức, lề lối rất khác so với vai nữ lệch. Ban đầu tập luyện, tôi cảm thấy hoang mang và phải bỏ gấp đôi công sức cho vai diễn đó. Tại hội diễn sân khấu năm 2003, vai Thị Phương đã mang về cho tôi một tấm huy chương vàng và giải nghệ sĩ trẻ xuất sắc.
- Sau 30 năm gắn bó với nghề, tình cảm của chị với sân khấu chèo thay đổi thế nào?
- Thuở mới vào nghề, tôi thấy nhiều nghệ sĩ không dám nhận mình là diễn viên chèo bởi sợ người ngoài nhìn vào dè bỉu: “Ối giời, chèo với chả leo”. Thế nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghiệp diễn, vẫn vô tư yêu nghề. Tôi tâm niệm con người hạnh phúc nhất là được làm thứ mình theo đuổi.
- Rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang ở tình trạng khan hiếm khán giả. Chị nhận định thế nào về sức sống của nghệ thuật chèo?
- Khán giả còn yêu chèo. Chúng tôi thường xuyên đưa nghệ thuật chèo đến các trường học ở Hà Nội, có nhiều đêm diễn đều đặn trên sâu khấu nhà hát và rạp Đại Nam. Khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình. Tôi nghĩ nghệ thuật truyền thống vẫn có con đường, dòng chảy riêng của nó và tin rằng nó sẽ không bao giờ bị mất đi. Trước sự hội nhập của xã hội, người nghệ sĩ không thể đứng yên mà phải năng động, trau dồi bản thân nhiều hơn.
Trọng Trường