Hai cửa hiệu khác nhau của nhà thiết kế Li Lam đều nằm trên những con đường trung tâm thành phố, nhưng trong một góc khuất trên tầng hai, nơi khách qua đường rất khó nhận ra. Bước qua những bậc cầu thang cũ kỹ, khách như trở về ngôi nhà nhỏ xinh của mình, tách bạch hẳn với những ồn ào của nhịp sống Sài Gòn bên dưới. Trong không gian ngập tràn màu xanh lam và mùi hoa oải hương dễ chịu, vài vị khách chậm rãi ướm thử những bộ quần áo được bày biện lạ mắt trên góc tường, trong những chiếc tủ xinh xắn. Li Lam đứng ở một góc khuất, chị đang chăm chú thoa lại son môi màu đỏ tươi trước khi bước ra với nụ cười duyên dáng.
Li Lam thừa nhận, lối sống kín đáo của chị ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định chọn hai vị trí không gọi là đẹp trong kinh doanh. Bên cạnh lý do thật thà là "không có nhiều tiền nhưng vẫn thích làm ở trung tâm", có nhiều sự tính toán khá tinh tế từ người phụ nữ này. Chị không muốn khách hàng của mình là người shopping chóng vánh, lựa đồ ào ào như đi chợ. Lam chấp nhận bỏ qua điều kiện quan trọng sống còn là vị trí dễ nhìn để tìm những khách hàng gắn bó và ở lại lâu dài cùng mình.
Không chỉ bán cái áo, cái quần, nhà thiết kế còn muốn bán cả "phong cách sống", điều đã trở nên phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn ít tìm thấy ở các cửa hàng Việt Nam. "Chúng ta đi làm cả ngày đã quá căng thẳng. Mua quần áo không chỉ để mặc, đó còn là mua niềm vui, cảm hứng. Người phụ nữ khi mặc đẹp thì sẽ làm việc hiệu quả hơn", Lam tin là như vậy. Chị áp dụng triết lý này vào sản phẩm và miệt mài nghiên cứu để làm đẹp cho mình, cho những người phụ nữ của mình.
Chọn phong cách thời trang cổ điển nhưng vẫn hiện đại, Li Lam "chỉnh" lại ngay khi ai đó gọi đồ của chị thuộc dòng vintage. Chị cho rằng nhiều người đã hiểu sai khái niệm vintage. "Vintage là những thứ trường tồn theo thời gian, nó thấm vào máu thịt cũng như cách bạn trang trí ngôi nhà hay cách chọn lối sống chứ không phải một hai ngày là thích nó và mặc được nó trong đời thường". Lam gọi tên những bộ trang phục của mình là cổ điển.
Cách đây bốn năm, khi khởi nghiệp với cửa hàng thời trang đầu tiên, Li Lam đã không ít lần đấu tranh tư tưởng, cũng không ít lần nản chí vì tâm lý của số đông phụ nữ Việt. "Người Việt mình chỉ thích những bộ trang phục khoe eo thon, ngực đầy và ép mình trong những thước vải bó chặt". Trong khi đó, chị thiết kế đồ với mục đích cao nhất là giải phóng phụ nữ khỏi những cơn ác mộng về vẻ đẹp quy chuẩn. "Không phải cứ khoe eo mới là đẹp. Phụ nữ đẹp nhất khi có một bộ trang phục thật sự là của mình". Lam đã kiên trì thuyết phục họ bốn năm trời như vậy, để bây giờ, họ thường xuyên trở lại với chị, mang theo những người bạn thân thiết.
Đồ của Lam thoạt nhìn trông quá sức đơn giản, đến mức không giống khái niệm "đồ thiết kế" trong tâm trí nhiều người. Chị giải thích: "Những thứ đơn giản là những thứ khó nhất để tạo ra sự tinh tế chứ không phải trơn tru và nhạt nhẽo. Nhiều người chê đồ tôi thường quá. Tôi tự ái lắm, bảo họ mặc thử. Vậy mà, họ lại là những khách hàng trung thành nhất của tôi sau này. Lam tin rằng, quần áo cũng có tâm hồn. Chị muốn quần áo của mình toát lên cảm giác thư thái và là chính mình chứ không phải cô người mẫu nào đó trong lookbook.
Điểm nhấn trong phong cách của nhà thiết kế là chất vải, kỹ thuật cắt may và phom dáng lạ. "Khi mệt mỏi với sự hào nhoáng, người ta sẽ quay lại với những gì đơn giản, chân thật". Tủ quần áo của Lam có nhiều món đồ tối giản, để chị dễ phối hợp tạo kiểu, và cửa hàng cũng luôn có những món đồ đơn giản nhất, là chiếc áo sơ mi lụa trắng, váy đen và những món đồ phá cách chỉ dành cho những ai yêu thích sự mới lạ và sự mềm mại của chất liệu.
Lam nhìn thấy rất rõ những phụ nữ của mình: họ thành đạt, biết chiều chuộng bản thân và thanh lịch từ tận trong tâm hồn. Chị cũng muốn mình là một người phụ nữ như thế. Chị ăn kiêng để luôn đẹp trong mắt khách hàng, và trên hết là để đích thân thử các sản phẩm mới trước khi bày bán. Lam cũng là một trong số ít những nhà thiết kế tự tin làm người mẫu cho một số bộ sưu tập mới dòng "lady". Vì điều này mà nhiều bạn bè, cả khách hàng đều nói đùa: "Lam thiết kế đồ giống như để cho mình mặc hơn". Chị giải thích: "Tôi phải thích, phải yêu trước thì mới truyền cảm hứng cho người khác được".
Nhấp một ngụm trà, Lam kể, trước khi trở thành nhà thiết kế, chị là một nhân viên văn phòng mê thời trang. Ngày ấy, có bao nhiêu tiền chị dùng để mua quần áo hết. Triết lý thời trang của chị rất đơn giản: "Quần áo là những gì dính vào da suốt nhiều tiếng đồng hồ, vì thế chúng phải thật mềm mại. Tôi thích những gam màu trầm, và kiểu cách thật đa dạng, phóng khoáng. Nhưng phụ nữ Việt muốn ăn mặc kín đáo khi đi làm, thích những gam màu tươi sáng".
Li Lam tự hào nói về tình yêu lớn của đời mình: "Trang phục của tôi không thuộc về những nơi lộng lẫy như thảm đỏ. Nó không rực rỡ, choáng ngợp hết mọi thứ chung quanh. Đó là cái đẹp chan hòa với tâm hồn của chủ nhân nó".
Chỉ một số ít ngôi sao mặc được đồ của Lam như Ngô Thanh Vân, Xuân Lan, Huyền Trang, Phạm Quỳnh Anh... nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy thua thiệt so với các nhà thiết kế khác vì điều đó. Từ chối đưa bộ sưu tập trình diễn ở nhiều chương trình thời trang định kỳ, chị thà dành thời gian ấy để ủi một chiếc áo phẳng phiu trước khi giao cho khách. Chị thường than: "Nhìn tôi thảnh thơi vậy chứ khổ lắm. Đầu óc tôi luôn ám ảnh chuyện làm cho người khác đẹp". Rồi chị lại tự an ủi: "Được sống và làm việc trong cái đẹp vẫn còn là may mắn".
Điều duy nhất khiến Lam mủi lòng là cách nhìn còn hạn chế của một số khách hàng dành cho thời trang Việt. "Hàng bình dân nước ngoài khi về Việt Nam đều trở thành hàng hiệu cao cấp. Trong đó, chiếc áo có giá thấp nhất 590 nghìn, do chúng tôi thiết kế và may với số lượng hạn chế, lại bị chê vì 'Hàng Việt Nam sao đắt thế'".
Nâng niu một số mẫu trong bộ sưu tập váy cocktail mới thiết kế, có giá hơn ba triệu nhưng vẫn bán rất chạy trên tay, Lam hồi tưởng: "Hồi đó tôi trưng đồ ít lắm, tôi không muốn làm khách hàng rối mắt, nhưng giờ phải làm nhiều màu để người ta thấy: Ừ, Lam cũng có bộ sưu tập, có định hướng chứ đâu phải thích gì làm nấy.
Vũ trụ thì bao la. Mỗi người có một hướng đi để phát triển. Có người chọn cách ồn ào, hoành tráng. Hai cửa hiệu này là con đường riêng của tôi, đường hẻm đấy, nhưng tôi biết cách làm cho nó trở nên đẹp đẽ". Từ những cửa tiệm nhỏ xinh nằm trên tầng hai, Lam cho biết cô đang ấp ủ rất nhiều dự định lớn cùng êkíp. "Ngày xưa, Lam là của tôi. Còn bây giờ, tôi chỉ là một phần của Lam", chị tự hào khi chia sẻ đứa con tinh thần của mình với nhiều người cũng say mê thời trang cổ điển.
* Gu đời thường của nhà thiết kế Li Lam |
Vân An