Tác phẩm có tên tiếng Anh là Human, Space, Time and Human (tạm dịch: Con người, không gian, thời gian và con người) ra mắt hôm 18/2 ở Liên hoan phim Berlin 2018 (Đức), hạng mục Panorama (dành cho các phim mới có đề tài gây tranh cãi). 122 phút phim tràn đầy những cảnh xác thịt và bạo lực, khiến một phần ba khán giả bỏ về sớm.
Bối cảnh phim đặt trên con tàu hải quân cũ từng dùng trong chiến tranh và trở thành một điểm hút khách du lịch. Chương đầu tiên - "Không gian" - mở ra với hình ảnh biển xanh bao la sâu thẳm được nhìn từ trên cao cùng con tàu du lịch trôi nổi trên mặt nước. Thuyền trưởng (Sung Ki-youn) thông báo chuyến đi bắt đầu, điểm đến không bao giờ được nhắc tới nhưng đảm bảo cả đoàn được "trở lại an toàn". Hành khách gồm một băng côn đồ, hai cha con chính trị gia, nhóm gái mại dâm, đám nghệ sĩ nửa mùa, năm bảy thanh niên mới lớn, cặp vợ chồng mới cưới...
* Một cảnh trong phim
Chương thứ hai - "Con người" - mở đầu với màn ra oai của nhóm côn đồ trước đám trai mới lớn và cảnh những cô gái điếm kiếm khách. Khi nhóm côn đồ tiếp cận hai chính trị gia cũng là lúc tấn hài kịch với cảnh máu me, dục tính nổ ra. Nhân vật Eva (Mina Fujii) cùng chồng mới cưới (Joe Odagiri) trải qua tuần trăng mật nghiệt ngã. Sau đêm truy hoan, đột nhiên con tàu bất ngờ trôi nổi không thể giải thích giữa các đám mây. Những tiếng la hét inh tai của đám người vang lên: "Liệu có phải mặt biển bên dưới chúng ta đã biến mất?". Cả đoàn tàu hoảng loạn bởi mắc kẹt với số lương thực đủ ăn cho bảy ngày. Bước ngoặt này dẫn đến cao trào trong chương ba "Thời gian" và chương cuối "Con người".
Sau buổi công chiếu, tác phẩm nhận phản ứng trái chiều từ nhiều nhà phê bình phim. Rodrigo Fonseca - cây bút của kênh truyền hình Brazil - nói vô cùng yêu thích phong cách của Kim Ki Duk và tác phẩm mới không khiến anh thất vọng. Với Rodrigo, đạo diễn họ Kim không chỉ là nhà làm phim đơn thuần mà là một triết gia, trung thành với phong cách kể chuyện độc đáo và luôn chất vấn về sự tồn tại cũng như diệt vong của loài người.
Nhà báo Đức Michael Meyns chấm phim điểm 3.5/5, khen tính ẩn dụ và tuyên ngôn chính trị của đạo diễn Kim (thể hiện sự suy đồi của các chính trị gia và ưa bạo lực của quân đội). Còn Jessica Kiang (Variety) hay Oliver Johnston (The Upcoming) chỉ trích phim lố bịch, đầy những triết lý bảo thủ, tình tiết thiếu thuyết phục. Họ cho rằng tác phẩm cổ vũ những kẻ thù ghét phụ nữ và ưa bạo lực, có vẻ như xem tính cách này nằm sẵn trong bản chất con người.
Ở xã hội loài người mà Kim Ki Duk nhào nặn, người tốt hoàn toàn vắng bóng, chỉ tồn tại một nhóm phản diện rập khuôn và bị cường điệu hóa đến mức đần độn. Trên con tàu, người xấu thì xấu toàn diện, từ hình thức đến nội dung. Người không xấu thì dễ dàng trở nên bỉ ổi chỉ sau cái chớp mắt. Người đàn ông lớn tuổi bí ẩn (Ahn Sung-ki) gần như là người duy nhất không hiếp dâm bất cứ ai và không la hét gì. Thay vào đó, ông chỉ nhìn chòng chọc qua khe cửa cabin để xem các thảm kịch. Theo Kim Ki Duk, nhân vật "ông già" không phải ẩn dụ cho Chúa, mà là hình ảnh của chính ông, đại diện cho góc nhìn của ông.
Dàn diễn viên có lối diễn gồng mình, thiếu thuyết phục về chiều sâu nội tâm. Nam diễn viên Lee Sung-jae - thủ vai chính trị gia - chia sẻ khi đọc kịch bản phim, anh thấy đây là một tác phẩm bạo lực, khó diễn và khó xem nên ban đầu có chút do dự khi nhận vai. Trong phim, anh và cả "mỹ nam" Jang Keun-suk (vai Adam) biểu cảm lúc quá đơ khi lại quá kịch.
Người đẹp Nhật Mina Fujii trong vai Eva với gương mặt búp bê và đôi mắt luôn mở to chớp chớp diễn một màu với mọi trạng thái cảm xúc. Cô không khắc họa được nỗi đau, sự tuyệt vọng hay căm hờn của người phụ nữ bị năm bảy tay lưu manh cưỡng hiếp cộng với chồng mới cưới chết thảm. Ryoo Seung-bum thủ vai thủ lĩnh nhóm côn đồ tẻ nhạt, thiếu sáng tạo và dấu ấn riêng khi chỉ biết thể hiện sự nguy hiểm qua việc quát tháo oang oang, trợn mắt nghiến răng từ đầu đến cuối phim.
"Nhân vật" có cá tính và thành công nhất trong việc kể chuyện là chiếc máy quay của Lee Jeong-in khi liên tục thay đổi độ cao và chiều sâu khung hình với nhiều góc đa dạng, từ thấp lên cao, ngang dọc, trên xuống dưới. Những cảnh trung cận và cận quay trực diện, đặc tả máu me, đâm chém khiến người xem rùng mình.
Trong buổi họp báo tại liên hoan phim, Kim Ki Duk trả lời nhiều câu hỏi cũng như dành thời gian giải thích tác phẩm mới. Mặc dù hai nhân vật chính mang tên Adam và Eva, đạo diễn Hàn khẳng định tác phẩm không có yếu tố tôn giáo như những phim trước đây như Pietà hay Samaritan Girl. Thay vào đó, ông chỉ muốn đặt câu hỏi về giới hạn tồn tại của loài người và sự quay vòng, lặp lại của cuộc sống.
Kim Ki Duk cho biết ông viết kịch bản từ ba năm trước. Do thất bại trong quá trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính ở Hollywood và tại Hàn Quốc, quy mô phim không được như ông mong muốn với kinh phí chỉ có 200.000 USD.
Kim Ki Duk là một trong những đạo diễn hàng đầu Hàn Quốc, giành giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice (Italy) cho Pietà năm 2012. Tuy nhiên, đạo diễn cũng hay bị chỉ trích bởi phim ông có nhiều cảnh quá kinh khủng. Gần đây, Kim vừa bị xử phạt do một nữ diễn viên tố cáo ông tát và ép cô đóng cảnh nóng trong phim Moebius.
Hoàng Phương (từ Berlin)