Moebius bắt đầu khá hiền lành bằng hình ảnh một ngôi nhà nằm bình yên dưới nắng. Người cha đang chơi golf, cậu con trai ăn sáng và người mẹ nhấm nháp rượu. Đó có vẻ là một buổi sáng không có gì đặc biệt của một gia đình “hạt nhân” bình thường.
Tuy vậy, có điều gì đó trong ánh mắt gườm gườm của người cha, vết rượu đỏ sậm trên mép người mẹ và vẻ đờ đẫn của cậu con trai dự báo một sự chẳng lành. Nhanh chóng, sự bình yên giả tạo ấy biến mất, khán giả sững sờ và khiếp sợ trước những gì diễn ra trên màn ảnh.
Người cha ngoại tình với cô hàng xóm, người mẹ biết được, trong cơn ghen điên cuồng đã cầm dao định cắt dương vật của người cha. Tuy nhiên ý định không thực hiện được vì người cha kịp tỉnh dậy. Mờ mắt vì giận dữ, người mẹ quay sang phòng của cậu con trai, cắt đứt bộ phận sinh dục của cậu. Chưa hết, bà còn cho thứ vừa cắt vào mồm và nhai ngấu nghiến.
Tại LHP Venice lần thứ 70, nhiều khán giả đã bị nôn mửa ngay tại rạp khi xem đến cảnh này. Rất nhiều nhà báo, nhà phê bình điện ảnh đã bỏ về giữa chừng, không thể chịu đựng hết 90 phút của bộ phim.
Tiếp sau cảnh tượng gây sốc trên, độ bạo lực và bệnh hoạn trong Moebius càng tăng với hàng loạt cảnh cưỡng hiếp, khổ dâm, tự cung, loạn luân. Với người phương Đông truyền thống và những ai chưa quen với phong cách làm phim của đạo diễn họ Kim, Moebius đem đến cảm giác kinh tởm và buồn nôn. Phim của Kim Ki Duk không dành cho những người yếu tim. Với Moebius, Kim Ki Duk đạt đến một tầm cao mới trong việc “tra tấn” hệ thần kinh khán giả.
Với phim của Kim Ki Duk, trước hết cần gột bỏ những luân lý đạo đức thông thường và tiếp nhận phim với một trái tim trần trụi. Nhiều khán giả chất vấn sự phi lý, không tưởng của tình tiết phim (dù thực sự với hàng loạt vụ án hình sự gây sốc gần đây, khán giả vẫn ngạc nhiên và đưa ra những thắc mắc như vậy thì thật là lạ). Có thể coi Moebius của Kim Ki Duk là tập hợp của những phép ẩn dụ cô đặc và không nên coi đó là hiện thực để đánh giá và nhận xét về phim.
Phiên bản đương đại của bi kịch Hy Lạp
Nhân vật người mẹ của Moebius gợi nhớ đến Medea trong vở kịch cùng tên - một trong những đỉnh cao của bi kịch Hy Lạp và sân khấu thế giới. Medea đã từ bỏ quê hương và dòng dõi cao quý để đi theo người chồng Jason nhưng chồng nàng lại phản bội, ruồng bỏ vợ con để lấy công chúa con vua Creon. Quá đau khổ và phẫn uất, nàng lập mưu kết liễu cha con đức vua và tự tay giết chết hai đứa con ruột do mình đẻ ra.
Người mẹ trong Moebius vì quá căm giận người cha cũng đã chọn cách trả thù tàn độc nhất: cắt đi dương vật của người con trai ruột. Đó là cách khiến người cha phải đau khổ, hối hận, dằn vặt suốt đời, cảm giác sống không bằng chết. Tuy nhiên sau đó, tình mẫu tử cũng được thể hiện bằng những chi tiết mới đầy bất ngờ trong câu chuyện. Tất cả những hành động của hệ thống nhân vật trong Moebius nếu nhìn qua đều điên rồ và mâu thuẫn nhưng nếu phân tích kỹ thì không hề phi lý và hoàn toàn có thể giải thích được.
Moebius cũng gợi nhớ “mặc cảm Oedipus” trong thuyết phân tâm học của Freud. Đó lại là một bi kịch Hy Lạp khác: Oedipus là con trai của nhà vua Laius và hoàng hậu Jocasta. Trước khi chàng ra đời, có một lời sấm truyền rằng chàng sẽ giết cha và ngủ với mẹ. Nhà vua lo sợ bèn cho người đem chàng đi thủ tiêu nhưng chàng may mắn được cứu sống và sau này đã vô tình thực hiện đúng lời tiên tri định mệnh trên.
Mặc cảm Oedipus để chỉ biểu hiện của trẻ em thể hiện sự yêu quý với người mẹ và thường đố kỵ, căm ghét người cha. Trong Moebius, với dương vật mới được cấy ghép, nhân vật người con chỉ có thể bị kích thích và cương cứng khi gần gũi với mẹ. Điều đó dẫn đến những hành động loạn luân của hai mẹ con ở phần nửa cuối phim.
Nữ quyền và chuyện ngụ ngôn về dương vật
Phim của Kim Ki Duk thường bị đánh giá là coi thường phụ nữ. Tuy nhiên, ông từng một lần bật mí: “Nếu xem hết bộ phim tôi làm, có khi tôi mới chính là một nhà nữ quyền thực thụ”. Điều này đúng với phim Moebius. Nếu nhìn qua, đây là một bộ phim xoay quanh dương vật - biểu tượng của giống đực - với hai nhân vật trung tâm là Cha và Con. Nhưng nếu xét kỹ, phụ nữ trong Moebius chính là động lực thúc đẩy cho toàn bộ tội lỗi và chuyện điên rồ mà đàn ông phạm phải.
Moebius cũng là một trong số ít phim lột tả được sự tàn nhẫn tận cùng của phụ nữ. Phụ nữ thường được mệnh danh là phái đẹp, phái yếu nhưng lịch sử cũng ghi lại rất nhiều câu chuyện khủng khiếp về sự trả thù của họ. Văn học dân gian từ lâu đã khắc họa những nhân vật độc ác nhất là dì ghẻ và mụ phù thủy chứ không phải là những đại diện từ phái mạnh. Lòng ghen tuông, sự thù hận có thể đẩy người phụ nữ đến những cách trả thù cay nghiệt và tàn bạo nhất. Trong Moebius, hai lần cảnh dương vật bị cắt đều là do hai người phụ nữ gây nên như một cách để trả thù đàn ông.
Moebius có thể được coi là một ngụ ngôn hiện đại giễu cợt dương vật và phái mạnh. Người Ấn Độ đã hình tượng linga theo hình dáng dương vật như một trong hai thành tố cấu tạo nên vũ trụ. Trong Moebius, dương vật là nguồn gốc của tội lỗi và làm cánh đàn ông đảo điên, quay cuồng. Song nó cũng luôn trong tình trạng nguy hiểm có thể bị phái nữ cắt bỏ đi bất cứ lúc nào.
Phân đoạn hai gã đàn ông tranh nhau một cái dương vật đã bị cắt rời cho đến khi một chiếc ô tô đi qua nghiến nát, hài hước, căng thẳng và châm biếm. Đó chắc chắn sẽ là cảnh mà người yêu điện ảnh còn phải nhắc tới trong một thời gian dài.
Hình ảnh kết phim khi người con trai tự tay bắn nát dương vật của mình rồi sau đó tái xuất hiện trong bộ quần áo tu hành như thể hiện quan điểm “diệt dục”, triệt tiêu mọi ham muốn để đạt tới sự bình yên. Tuy nhiên quan điểm đạo Phật này được Kim Ki Duk cài vào còn vụng và chưa tới.
Ngôn ngữ điện ảnh cực đoan và gây choáng váng
Phim của Kim Ki Duk thường được bao trùm bởi sự yên lặng, nhân vật rất ít khi mở lời. Đến Moebius, đặc trưng đó còn được đẩy mạnh đến mức cực đoan hơn khi trong suốt 90 phút của bộ phim, không một lời nào được thốt ra. Sự im lặng trong phim của Kim Ki Duk rất khác với kiểu phim câm mà khán giả quen thuộc trong hề Charlie Chaplin hay gần đây là The Artist. Phim câm đem đến cho khán giả sự im lặng dễ chịu với âm nhạc, bảng chữ và lối diễn cường điệu.
Moebius của Kim Ki Duk hoàn toàn không có sự tồn tại của lời thoại. Không có bảng chữ để “phiên dịch” điều mà các nhân vật nói với nhau. Điều đó có nghĩa là khán giả ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể xem trực tiếp không qua lồng tiếng hay phụ đề. Bộ phim cũng rất hạn chế sử dụng nhạc nền để dẫn dắt cảm xúc. Thay vào đó, Moebius làm người xem sởn gai ốc bằng những âm thanh tự nhiên: tiếng chà xát của đá lên da, tiếng dao khứa sâu vào thịt, tiếng gào thét, rên rỉ của những người phụ nữ. Trong thế giới của Moebius, chỉ một âm thanh hiền lành như tiếng đặt ly rượu trên bàn hay tiếng nhai bánh mì giòn rụm cũng có thể khiến khán giả giật mình.
Ba diễn viên chính đã có một màn hóa thân tuyệt vời: Jo Jae Hyun trong vai người cha, Seo Young Joo trong vai người con và Lee Eun Woo trong vai người mẹ / người tình. Tuy nhiên trong ba diễn viên, người đã thực sự thăng hoa nhất chắc chắn là Jo Jae Hyun trong vai người cha. Anh diễn tâm trạng bằng mắt xuất sắc và có gương mặt của một gã vừa đáng kính vừa khốn nạn.
Cùng với sự xuất hiện dày đặc của những cảnh bạo lực, trong nhiều trường đoạn Moebius sử dụng máy quay cầm tay càng tạo nên cảm giác buồn nôn, choáng váng ở khán giả. Nhưng cũng giống như hình ảnh viên đá chà xát mạnh vào da trong phim, Moebius đem đến niềm tin rằng khi sự khó chịu, đau đớn đến một mức độ nào đó sẽ trở thành khoái cảm. Moebius có thể không đem đến cho khán giả sự cực khoái như những gì nhân vật cha và con đã nhận được nhưng chắc chắn sẽ đem lại cho khán giả nhiều trải nghiệm cảm xúc kỳ lạ.
Trailer phim "Moebius" |
|
Anh Trâm