NSƯT Hữu Châu vừa tổ chức thành công buổi thi học kỳ cho nhóm sinh viên lớp K36, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Bộ môn anh hướng dẫn có tên: Tiếng nói sân khấu.
Buổi thi diễn ra tại một phòng học, trong không khí ấm cúng, sôi nổi. Các sinh viên lần lượt chia nhóm để thể hiện bài thi. Các bài đối thoại là những tiểu phẩm được chính sinh viên dàn dựng, viết kịch bản. Không cần thị phạm tay, chân, các sinh viên chỉ ngồi yên một chỗ để "diễn xuất" qua giọng nói, thể hiện vai các nhân vật đa dạng: quan huyện, cô vợ đánh ghen, người chồng nhu nhược, cô gái đau khổ trong tình yêu, cụ già, em bé...
Là người dự khán, diễn viên Yến Chi nhận xét, mỗi bài thi đều khá thú vị. Khi sinh viên cất giọng, chị hình dung ra được tính cách, hình dáng và xúc cảm của nhân vật. "Các bạn trẻ đã rèn đài từ khá nghiêm túc, chịu khó trau chuốt sắc thái giọng nói biến đổi qua từng nhân vật. Đây là một cách học rất bổ ích cho nghề sau này các em theo đuổi", chị nói.
Tên môn học "Tiếng nói sân khấu" nghe có vẻ đơn giản, nhưng NSƯT Hữu Châu cho biết, không dễ để truyền đến cho các học trò những kiến thức hay về lĩnh vực này. Với một tập thể gần 20 sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, mỗi người đều có một chất giọng vùng miền riêng, cá tính, phong cách biểu đạt cảm xúc khác nhau. Có những bạn phát âm tiếng Việt còn chưa chuẩn. Với sự kiên trì và nhiệt huyết, suốt một thời gian dài, Hữu Châu truyền cho học trò kinh nghiệm mà anh có được từ bề dày hoạt động phim ảnh, diễn xuất trên sân khấu.
Hữu Châu quan niệm, người nghệ sĩ, diễn viên không chỉ cần hóa trang ngoại hình mà còn phải biết "hóa trang" cả giọng nói của mình. "Đó là một điều rất quan trọng. Bởi giọng nói thể hiện tính cách, xuất thân của nhân vật mà diễn viên hóa thân", anh nói. Hữu Châu muốn các học trò của anh phải rèn giọng cho nhân vật song song với rèn phong thái biểu diễn. Anh chỉnh cho học trò từng âm điệu trong đài từ. Anh còn yêu cầu học trò học thuộc thoại, mỗi khi thực hành phải đeo băng bịt kín mắt để tránh bị phân tâm, xao nhãng mà tập trung tối đa vào câu từ phát ra, nhập tâm để hiểu rõ bối cảnh, hoàn cảnh và cảm xúc của nhân vật.
Hữu Châu bắt đầu với công việc dạy học sau khi em trai mình, diễn viên Hữu Lộc, mất năm 2010. Công việc tiếp xúc với các bạn trẻ giúp anh tìm thấy niềm vui, hun đúc thêm tình yêu nghề. Vả lại, anh từng tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh TP HCM, giờ quay về dạy học ở trường cũng như duyên nợ. Khá đắt sô diễn kịch, đóng phim, Hữu Châu vẫn cố dành thời gian lên lớp. Anh nói vui, tiền dạy một tháng chưa chắc bằng một đêm đi diễn, một ngày đóng phim. Nhưng bù lại, anh có thêm những đứa học trò rất thương anh, có thêm công việc "truyền lửa" mang rất nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, bộ môn Tiếng nói sân khấu trước giờ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
"Tôi xác định công việc đi dạy là niềm vui. Mà đúng thật, từ hồi đi dạy đến nay được 4 năm, dạy được có 3 lớp mà tôi thấy mình cười nhiều hơn, vui nhiều hơn... Nhưng do công việc bận rộn, trường sân khấu điện ảnh vừa mời tôi nhận thêm lớp mà tôi đành từ chối. 3 lớp là đủ vui rồi, nhận nhiều sợ không có thời gian kham công việc thì không tốt", anh tâm sự.
* Sinh viên sân khấu thể hiện giọng Thị Nở |
|
Thất Sơn