Hunter Killer (Mật vụ giải cứu) do Donovan Marsh đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết Firing Point của George Wallace và Don Keith. Ở Bắc Băng Dương, tàu ngầm USS Tampa Bay của Mỹ biến mất khi đang bám theo một tàu Nga. Chính phủ Mỹ cử chiếc USS Arkansas đến điều tra sự cố. Thuyền trưởng tàu này là Joe Glass (Gerard Butler) - sĩ quan vừa được bổ nhiệm, có cách chỉ huy không chính thống. Anh phát hiện âm mưu về cuộc đảo chính tại Nga, đe dọa phá vỡ trật tự toàn cầu. Joe huy động các thành viên tinh nhuệ của lực lượng Navy SEAL cứu Tổng thống Nga và giữ hòa bình thế giới.
Đây là tác phẩm mới nhất trong dòng phim về đối đầu tàu ngầm giữa Mỹ và Nga, sau Crimson Tide, K-19 hay The Hunt for Red October. George Wallace - một trong hai tác giả tiểu thuyết gốc - là chỉ huy tàu ngầm hạt nhân USS Houston. Nhờ đó, Hunter Killer được giới phê bình khen về các thuật ngữ tàu ngầm, khẩu lệnh và kỹ thuật tác chiến. Đạo diễn và biên kịch xây dựng ba tuyến truyện diễn ra đồng thời. Mỗi tuyến đều có sự cuốn hút riêng nhờ nội dung nhiệm vụ và cách giải quyết vấn đề của nhân vật. Nhịp phim được duy trì nhanh, dồn dập từ đầu đến cuối. Ở một số trích đoạn, kịch tính được đẩy cao ở các cảnh tàu ngầm di chuyển và chiến đấu.
Phần kỹ xảo của Hunter Killer có chất lượng tốt, nhất là ở các cảnh tàu ngầm hoạt động, cảnh chiến đấu bằng tên lửa và thủy lôi, cuộc dàn trận của hạm đội đôi bên hay cách lực lượng Navy SEAL triển khai tác chiến. Thông qua các phân đoạn này, nhà làm phim phô diễn sức mạnh và khí tài hải quân của Mỹ. Khả năng của Nga cũng được thể hiện với cảnh tàu ngầm, chiến hạm và nhiều dàn phóng tên lửa đất đối đất hiện đại.
Vai diễn Joe Glass không phải là thử thách quá khó đối với Gerard Butler. Diễn viên phim 300 "chuyên trị" mẫu nhân vật chỉ huy mạnh mẽ, cương quyết, đôi chút bất cần. Gary Oldman - tài tử vừa đoạt Oscar - thủ vai một đô đốc, còn diễn viên quá cố Michael Nyqvist hóa thân tướng Nga. Hai sao nam kỳ cựu thể hiện tròn trịa mẫu nhân vật quân nhân.
Hướng tới nội dung đơn giản, dễ hiểu, Hunter Killer khó chiều lòng những khán giả muốn câu chuyện đủ chiều sâu về chính trị, tâm lý. Tuyến phản diện trong phim chưa thể hiện được năng lực và sức mạnh tương xứng với âm mưu kinh hoàng mà chúng vạch ra.
Bên cạnh đó, góc nhìn của phim về nước Nga còn một chiều, giống các phim Hollywood thời Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Nga yếu đuối và bị động, còn chính phủ nhiều mâu thuẫn nội bộ. Kịch bản có nhiều điểm vô lý như lực lượng bảo vệ tổng thống Nga quá mỏng, quân cảng quan trọng bị đột nhập dễ dàng, bộ trưởng quốc phòng huy động lực lượng tham chiến mà không cần ý kiến phó tổng thống hay quốc hội. Các nhân vật nắm quyền lực chính trị có suy nghĩ và động cơ đơn giản, không để lại dấu ấn. Nhân vật Mỹ giữ vai trò quyết định và lấn át người Nga ở các tình huống quan trọng.
Ở Nga, Bộ Văn hóa yêu cầu hủy bỏ buổi chiếu ra mắt Hunter Killer vào ngày 31/10 với lý do bản phim nộp để cấp phép không đạt yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, Hollywood Reporter nhận định phim gặp rắc rối vì nội dung nhạy cảm về chính trị. Đến ngày 8/11, phim được chiếu ở Nga nhưng thu chưa đến một triệu USD (theo Box Office Mojo). Trong khi đó, Ukraine cấm chiếu phim do có cảnh mô tả sức mạnh quân Nga. Quan hệ giữa hai nước xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Giới phê bình Âu Mỹ cũng không thích tác phẩm. Ra mắt ở Mỹ từ ngày 26/10, Hunter Killer chỉ nhận 37% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Indiewire chấm phim điểm D+ và chỉ trích việc các nhân vật Nga bị giản lược thành hai dạng - "người Nga cực kỳ ác độc" và "người Nga có vẻ như không cực kỳ ác độc". Phim có nguy cơ lỗ khi mới thu 29,3 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí là 40 triệu USD.
Tác phẩm khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 30/11 với tên Mật vụ giải cứu, thời lượng 122 phút và nhãn C18 (cấm người dưới 18 tuổi).
Thanh Hải