Darkest Hour là phim tiểu sử, xoay quanh nhân vật Winston Churchill (Gary Oldman đóng) - thủ tướng Anh trong những ngày đầu Thế chiến thứ hai. Tác phẩm được xem là một trong những ứng viên trên đường đua Oscar, đặc biệt là ở giải "Nam diễn viên xuất sắc" cho Oldman. Ngoài diễn xuất của tài tử Anh, công sức từ đội ngũ hoá trang góp phần lớn vào thành công của vai diễn.
Trong khoảng 50 ngày quay, Gary Oldman - cao 1,74m, nặng 72 kg - phải mang một lớp hóa trang dày để biến thành Winston Churchill với thân hình và khuôn mặt to lớn. Nhiều cây bút phê bình của Indiewire, Variety nhận xét nam diễn viên như "vô hình" trong phim, hòa hẳn vào nhân vật.
* Thủ tướng Winston Churchill được tái hiện trong "Darkest Hour"
Khi được đạo diễn Joe Wright mời thủ vai Churchill, Gary Oldman đồng ý với điều kiện không phải tăng cân. Trên Variety, diễn viên thừa nhận rằng ở tuổi 59, ông khó tăng cân tự nhiên để có ngoại hình tương đồng với một nhân vật nặng hơn gần 20 kg. Ông chỉ chấp nhận sử dụng thủ pháp hoá trang, được thực hiện bởi Kazuhiro Tsuji - một chuyên gia mà ông tin tưởng.
Kazuhiro Tsuji là chuyên gia hóa trang người Nhật giành hai đề cử Oscar với Click và Norbit, đồng thời từng làm việc trong êkíp phim The Curious Case of Benjamin Button (tác phẩm xuất sắc kể về một nhân vật bị lão hóa ngược). Gary Oldman biết Tsuji qua dự án Planet of the Apes (2001).
Tuy nhiên, chuyên gia này đã ngừng tham gia lĩnh vực điện ảnh từ năm 2012 để hoạt động trong ngành điêu khắc. Trên Hollywood Reporter, Tsuji kể Oldman đã đến tận xưởng của anh và thuyết phục. "Ông ấy nói sẽ không nhận vai nếu tôi không tham gia phim. Ngoài ra, đây là một dự án lớn với nhiều thử thách, mà nếu bỏ qua thì sau này tôi có thể hối hận”, anh nói.
Tsuji tập hợp hai chuyên gia khác là nghệ sĩ trang điểm David Malinowski từ Mỹ và nghệ sĩ làm tóc Lucy Sibbick từ Anh. Trong dự án, bộ ba chỉ tập trung vào một nhân vật duy nhất là Winston Churchill. Trên Deadline và tạp chí Make-Up Artist, các chuyên gia kể lại quá trình thực hiện công việc.
Đầu tiên, Tsuji tạo ra các life-cast (bản khuôn tạo hình ba chiều) từ Oldman. Quá trình này rất tốn công và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ diễn viên, đặc biệt trong công đoạn phủ một lớp silicon chuyên dụng lên toàn bộ phần đầu và mặt ông. Tsuji phải thực hiện hai lần vì bản life-cast đầu chưa đúng theo mong muốn của anh.
Từ life-cast của Oldman và những tư liệu về Churchill, Tsuji thiết kế phần khuôn giả bằng cao su và silicon mà tài tử sẽ đắp lên mặt. Điều khó khăn nhất trong quá trình là việc Oldman không hề giống nguyên mẫu. Chuyên gia Nhật đứng trước thách thức là lớp khuôn phải tái hiện khuôn mặt to béo của Thủ tướng, nhưng không được quá cồng kềnh và giả tạo. "Chúng tôi không muốn gây cảm giác rằng diễn viên đang đeo mặt nạ", Tsuji chia sẻ. Chúng cũng phải đủ chắc để không rơi ra mỗi lần nhân vật đập bàn hay cử động mạnh.
Trong một tháng, Tsuji tạo ra năm khuôn và cuối cùng chọn một. Chuyên gia có một khuôn làm mẫu và mỗi ngày phải tạo ra một khuôn mới để đắp lên mặt Oldman, bởi khuôn đã đắp không thể tái sử dụng. Trong suốt quá trình ghi hình, anh đã làm tổng cộng 61 khuôn. Phần khuôn đắp mà Oldman dùng phủ gần kín khuôn mặt, trừ phần trán và môi để tài tử có thể truyền tải các biểu cảm.
* Tsuji giải thích cách tạo khuôn
Ngoài ra, nam diễn viên cạo đầu hoàn toàn để gắn một mái tóc giả, được thay sau mỗi 10 buổi quay. Trên Deadline, Tsuji cho biết anh phối hợp với hai chuyên gia tóc giả để tạo ra bộ tóc từ những sợi tóc trẻ con. Êkíp kỳ công thiết kế giống mái tóc thật của Churchill đến từng chi tiết, kể cả một mảng tóc thưa và một chỗ hói trên trán.
Về cơ thể, tài tử phải mặc thêm một bộ áo với những chất liệu tổng hợp từ silicon, mút và vải thun để đạt kích cỡ nhân vật. Tổng cộng, trọng lượng mà Oldman phải mang khi diễn xuất nặng 6,3 kg (14 pounds), đủ để tạo ấn tượng thị giác, nhưng không quá nặng đến mức cản trở tài tử thể hiện thanh thoát dáng điệu và ngôn ngữ hình thể của Churchill.
* Chuyên gia giải thích quá trình hóa trang và làm tóc
Phần công việc còn lại ở mỗi buổi quay thuộc về David Malinowski và Lucy Sibbick. Hai chuyên gia trang điểm và làm tóc trên khuôn mặt Oldman, cũng như phần khuôn được gắn vào. Công đoạn này tốn 3 tiếng 15 phút mỗi ngày và diễn ra đều đặn trong hơn 50 ngày quay. Tổng cộng, thời gian hóa trang cho nhân vật mất gần 200 giờ. Tsuji tiết lộ đoàn phim không có ngân sách cho việc dùng kỹ xảo can thiệp ở hậu kỳ. Vì vậy, họ không được phép sai sót trong công việc hóa trang ở bất kỳ buổi nào.
Trên Make-Up Artist, Gary Oldman chia sẻ thời điểm quay Darkest Hour là mùa thu. Điều kiện ánh sáng không thuận lợi vào buổi chiều tối buộc êkíp phải làm việc từ sáng sớm. Có thời điểm, ông phải thức dậy và sẵn sàng từ lúc 2h15 phút sáng. Malinowski và Sibbick thậm chí phải dậy và chuẩn bị từ sớm hơn, từ 1h sáng. Tài tử bày tỏ sự trân trọng với công sức và thái độ làm việc chuyên nghiệp của các chuyên gia.
Trên tờ Hollywood Reporter, nhà quay phim Bruno Delbonnel cho biết lần đầu nhìn thấy tạo hình, ông đã không tin vào mắt mình. "Tôi cố tìm những nét của Gary Oldman, nhưng điều duy nhất tôi thấy chỉ là đôi mắt. Cứ như thể đang nhìn vào Churchill với đôi mắt của Oldman vậy", Delbonnel chia sẻ. Dáng người bệ vệ và khuôn mặt đầy đặn của cố thủ tướng Anh được tái hiện một cách tự nhiên và hài hòa, đủ sức thuyết phục khán giả.
Ở Oscar 2018, nhóm của Tsuji được nhiều nhà phê bình dự đoán sẽ thắng giải "Hóa trang và làm tóc xuất sắc". Tuy nhiên, nghệ sĩ Nhật cho biết chưa muốn tham gia làng phim lâu dài. Anh bày tỏ trên Deadline: "Mối quan tâm chính hiện tại của tôi là làm tượng điêu khắc chân dung. Tôi chưa có ý định quay lại làm việc toàn thời gian trong ngành công nghiệp điện ảnh".
Các thông tin, bài bình phim, chân dung, hậu trường của Oscar 2018 được VnExpress tập hợp trong chuyên trang riêng ở địa chỉ https://vnexpress.net/giai-tri/the-oscars |
Minh Dương