- Những năm 1990, khi đang là đạo diễn có tiếng với hàng loạt vở kịch và phim điện ảnh, vì sao ông dừng lại và chuyên tâm cho hội họa?
- Thực ra, tôi thích vẽ tranh và mày mò tự học từ lâu. Tôi cùng thế hệ với các anh Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... Khi các anh ấy còn sống, tôi không dám vẽ vì thấy xấu hổ với tiền bối. Sau khi họ ra đi, tôi mới cầm cọ. Đó cũng là lúc tôi hết cảm hứng với điện ảnh. Quan điểm về nghệ thuật của tôi và của đơn vị phát hành không gặp nhau. Tôi dừng hẳn làm phim, dựng kịch để chuyên tâm cho hội họa, sống một đời sống lặng lẽ.
- Ông học vẽ tranh như thế nào?
- Tôi là người không tốt nghiệp bất kỳ trường lớp nào liên quan đến nghệ thuật. Mọi kiến thức đều tự học từ giáo trình nước ngoài. Mỗi khi có dịp xuất ngoại, tôi sưu tầm nhiều sách rồi đem về nhà đọc dần. Với hội họa, tôi theo đuổi trường phái trừu tượng. Trong các tác phẩm, tôi chú ý đến sự đối lập của các mảng màu hơn là hình khối. Tôi cũng ưa thích tự họa chân dung mình. Số tranh tự họa không hề nhỏ trong gia sản của tôi. Tôi rất yêu bản thân nên đó là cách để tôi ngắm mình mỗi ngày.
- Những bức tranh của ông được người mua đánh giá ra sao?
- Tôi không bao giờ định giá tranh của mình, giá do người xem tự trả. Khách mua tranh của tôi phần lớn là người nước ngoài. Họ trả thấp nhất là 1.000 USD cho một bức tranh, cao nhất có khi lên tới 10.000 USD. Đa phần các bức được mua với giá 4.000 - 5.000 USD. Hai năm trở lại đây, tôi ít bán tranh. Phần vì tôi chuyển về ngoại thành sinh sống, khách mua tranh cũng ít lai vãng tới phòng trưng bày của tôi trong nội thành.
- Thu nhập từ tiền bán tranh quan trọng thế nào với cuộc sống của ông?
- Tôi vẽ tranh không phải để bán. Ai thích thì mua và tự trả giá. Tiền bán tranh tôi cho vợ tôi hết. Cách đây gần 10 năm, có lần qua Pháp, tranh của tôi bán được 6.000 euro. Tôi dùng phần lớn số tiền mở tiệc chiêu đãi anh em nghệ sĩ là bạn bè mình bên đó. Khi về nước, tôi chỉ mua tặng vợ được hai chiếc áo dài.
Ngày thường, tôi sinh hoạt, ăn uống đơn giản. Tôi thức dậy từ 3h sáng để vẽ. Buổi trưa, tôi lang thang tụ tập với bạn hữu, ăn uống qua loa. Chiều tối, vợ tôi mua đồ ăn về nhà cho cả hai.
Điều tôi chú trọng nhất là luyện tập sức khỏe. Khi 70 tuổi, tôi tập tạ ngang với các bạn trẻ. Giờ đã ngoài 90 tuổi, tôi chỉ còn sức để mỗi ngày đi bộ vài cây số.
- Vì sao ông ít xuất hiện trong các sự kiện mỹ thuật dù ảnh hưởng của ông đối với lĩnh vực này không nhỏ?
- Tôi là người sáng lập và là thành viên của nhiều hội như Hội Văn học, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật... nhưng không mấy khi tôi tham gia sinh hoạt. Tôi có quan điểm nghệ thuật riêng, có thể không phù hợp với số đông nên không thể đứng chung với họ. Đời sống mỹ thuật hiện tại quá bát nháo, nhiều trường phái, nhiều phong cách nhưng tôi không tìm thấy cho riêng mình những tác phẩm ngang tầm những bức của "thế hệ vàng" ngày trước như của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái...
Tôi vẽ tranh là để thỏa mãn chính mình. Tôi thích sống trong sự chiêm nghiệm nỗi cô đơn hơn là lẫn mình vào đám đông. Làm nghệ thuật mà hùa theo đám đông thì anh là thợ vẽ chứ không phải nghệ sĩ.
- Ông nghĩ sao nếu cho rằng, quan điểm "thế hệ vàng" trong hội họa của ông thể hiện sự hoài niệm quá khứ?
- Tôi không hề hoài niệm quá khứ. Tuổi tôi ngoài 90 nhưng tôi chơi với rất nhiều bạn trẻ chỉ 20 - 30 tuổi. Điều gì hay, sáng tạo ở họ tôi vẫn thừa nhận và thẳng thắn khen họ trước đám đông. Nhưng để có được một thế hệ vàng trong hội họa phải do bối cảnh xã hội tạo nên. Thời Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... bối cảnh xã hội có sự giao thoa giữa mỹ thuật phương Tây và truyền thống mỹ thuật phương Đông. Các trường phái, quan điểm nghệ thuật được định hình rõ ràng, nên mỗi nghệ sĩ đều xác định được phong cách riêng trong tác phẩm của mình. Ngày nay, tôi thấy ranh giới giữa các quan điểm, trường phái đều mập mờ. Một số nghệ sĩ kiên định với phong cách của mình hay tỏ ra lập dị. Với tôi, hội họa đơn giản chỉ để chơi cho thỏa.
- Quan niệm của ông ra sao với thơ văn?
- Thơ của tôi cũng như tranh vậy. Đôi khi tôi lẫn lộn giữa hội họa và thơ ca. Trong một số bức chân dung tự họa, tôi vẽ kèm cả câu thơ tự miêu tả mình. Tôi làm thơ theo cảm xúc, không tuân theo quy luật gieo vần nào cả. Tôi là người kín tiếng, không ham phát ngôn nên mọi suy tư sâu kín, tôi gửi cả vào thơ.
Thơ tôi khó phổ nhạc. Ngoài Em ơi Hà Nội phố, tôi có bài Tình ca cho em được nhạc sĩ Nguyễn Nam phổ nhạc. Không hiểu do sơ suất hay do lỗi của nhà in mà lâu nay bài hát này chỉ được nhắc tới tên nhạc sĩ.
- Trong tình yêu, ông là người thế nào?
- Tôi thương phụ nữ. Với tôi, thương sẽ gắn bó được với nhau lâu hơn là yêu. Trong đời tôi trải qua nhiều chuyện tình nhưng người vợ đầu, diễn viên Phi Nga, là người có ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn cả. Cô ấy đối với tôi như một con chiên với chúa, thành thử tôi rất sợ làm tổn thương vợ mình. Phi Nga bị tim bẩm sinh, sau khi sinh cho tôi hai con, bệnh của cô ấy tái phát. Tôi dành gần 30 năm chăm sóc vợ đến mức nhiều khi các con ghen tỵ với tình cảm tôi dành cho mẹ chúng.
Người vợ sau này là bạn của con gái tôi. Dù cô ấy luôn nói "không thể buộc nổi Vũ", tôi luôn tôn trọng cô ấy. Chúng tôi sống với nhau bình lặng, cuộc sống do một tay vợ tôi sắp xếp. Hồi mới lấy nhau, tôi coi cô ấy là trẻ con nhưng bây giờ thì ngược lại. Cô ấy coi tôi như một đứa trẻ vì sự đãng trí của tôi. Mọi việc hàng ngày, từ việc đồ đạc để ở đâu, khi nào đến giờ ăn, hôm nay làm gì... cô ấy đều phải nhắc tôi.
Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà văn, tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu và đạo diễn điện ảnh. Ngoài tác phẩm Em ơi Hà Nội phố được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời bài hát: Tình ca cho em của nhạc sĩ Nguyễn Nam. Phan Vũ có một số tác phẩm gây tiếng vang như phim: Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại, kịch: Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, Dòng sông âm vang, Ngọn lửa thành đồng. Đầu thập kỷ 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, ông đã có một số triển lãm chung và riêng tại TP HCM. Hiện, họa sĩ sống cùng vợ tại quận 9, TP HCM. |
Châu Mỹ thực hiện