Chân dung tự họa của Phan Vũ. |
Hai bàn tay còn lấm lem sơn dầu, ông chỉ vào bức chân dung họa sĩ Lưu Công Nhân vừa hoàn tất. “Hôm nay tôi vui vì ngẫu nhiên vẽ được nụ cười của ông bạn già rất đỗi lạc quan!” - ông nói, rồi kể thêm rằng, họa sĩ Lưu Công Nhân đang nằm giường bệnh và ông vừa lặn lội lên Đà Lạt tìm thăm.
Xưởng vẽ, cũng là nhà ở của gia đình ông, khuất sâu trong con hẻm nhỏ tận Thủ Đức. "Tôi thường phải chạy đua với thời gian nên chọn nơi 'ở ẩn' thế này để có nhiều thời giờ làm việc hơn. Còn rất nhiều việc phải làm mà thời gian ngày càng ngắn lại…" - ông bộc bạch. Mỗi ngày ông thức dậy từ 3-4h sáng, cứ thế làm việc đến tối mịt.
Mười hai bức sơn dầu về phong cảnh Côn Sơn ngày nay vừa được ông hoàn thành trong thời gian hai tháng với tất cả đam mê. “Tôi muốn mọi người có một ấn tượng khác về Côn Sơn, nơi từng là đảo ngục, là địa ngục...” - Phan Vũ nói. “Và tôi chọn vẽ nơi này như một sự tri ân. Tôi đã đến thăm nơi đây rất nhiều lần, lần đầu tiên cách nay 10 năm, tôi ra để thực hiện bộ phim Như một huyền thoại về liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đến mãi sau này, ấn tượng mạnh mẽ trong tôi vẫn là hình ảnh những cây bàng cổ thụ sừng sững một sức sống mãnh liệt, như những người chiến sĩ tử tù trước đây, như người dân đảo".
Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng - Thơ: “Em ơi, Hà Nội phố”. |
Phan Vũ vẽ những cây bàng đỏ đến day dứt, những con đường mới trải dài, cây - biển - trời hòa quyện, nhưng vẫn thấp thoáng ngục tù như các chứng nhân và nước biển không chỉ xanh như màu xanh trong tranh Chagall mà còn thật nhiều màu quấn quýt... "Tôi chọn vẽ theo cách biểu hình đương đại để mọi người ai cũng có thể thưởng thức được. Một Côn Đảo vừa lạ lại vừa quen” - ông say sưa.
Khi được hỏi với tất cả những gì đã dấn thân, ông yêu lĩnh vực nào nhất, ông trả lời ngay: “Hiện tại, tôi rất mê vẽ. Tôi yêu sự rực rỡ của màu sắc và tìm thấy trong hội họa sự tự do sáng tạo, hội họa luôn đi tiên phong trong các trường phái nghệ thuật; đồng thời tôi vẫn đọc, vẫn viết, vẫn làm thơ… Mà cho dù có làm gì chăng nữa, theo tôi, không có thứ nghệ thuật nào đi ngược lại cái đẹp và sự cao thượng cả”.
Chiều muộn hắt vài sợi nắng vàng qua cửa sổ nhỏ, soi rõ nét hào hoa một thời nay vẫn thấp thoáng trên gương mặt trầm lắng của ông. Lần giở tập thơ viết tay gạch sửa chi chít, ông chọn đọc hai bài mới sáng tác, từng câu thơ đẹp đến bàng hoàng…
“Tôi tự học, tự tìm tòi tất cả mà làm phim, vẽ tranh, viết báo, làm thơ... Tính tôi lại không thích amateur nên quyết đi đến chuyên nghiệp, đến tận cùng” - ông nói. Vậy nên, trong tất cả những gì đã làm, ông luôn để lại dấu ấn riêng mình.
Tuy nhiên, cho đến nay, ông chưa in một tập thơ nào, dù thơ ông được rất nhiều người biết, nhiều người thuộc, dù Đài Truyền hình TP HCM từng dành hẳn một chương trình rất trang trọng để giới thiệu thơ ông, dù Em ơi Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang phỏng thơ ông được coi là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội. "Thơ tôi rất thật và cũng rất buồn vì chúng là sự chắt lọc, là rút ruột đẻ ra, là phải đợi nó gõ vào cửa tâm hồn mình - mà phải gõ thật mạnh - và cảm xúc tuôn trào… Do vậy, đối với tôi, thơ là không dối trá, không đong đưa, không mua bán, mà có bán cũng rất đắt! Thơ ca đích thực là không tuổi tác, là thách thức với thời gian. Cho nên có hay không một tập thơ in ra không quan trọng, cái chính là có người đọc, có người nhớ thơ mình” - Phan Vũ vừa nói vừa cười hiền từ.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)